TP Thanh Hóa hôm nay, vùng đất của người Việt cổ cách đây hàng chục vạn năm, trong suốt chiều dài lịch sử ấy không chỉ là nét văn hóa, đất và người mà còn là khí thiêng sông núi, tinh hoa hội tụ. Những nguồn lực nội sinh ấy là động lực để văn hóa du lịch phát triển trên mảnh đất này.
Hạc Thành những năm đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu
Miền trầm tích văn hóa
Cách đây 220 năm, sau kỳ ra Bắc lần đầu, vua Gia Long đã chọn được địa thế thuận lợi định vị đô thành tỉnh lỵ Thanh Hóa. Ông cho dời trấn thành Thanh Hoa từ làng Dương Xá (Thiệu Hóa, nay thuộc phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) về làng Thọ Hạc (huyện Đông Sơn, nay thuộc TP Thanh Hóa), gọi là Hạc Thành. Bởi, xét về phong thủy học, Hạc Thành xây dựng trên một kiểu đất quý. “Dòng sông Mã phía Bắc chảy lượn như ôm, như bọc lấy vùng đất. Sông Bố Vệ ở đằng Nam gọi là “tốn thủy” cũng rất tốt. Hạc Thành phi chiến địa chính là mảnh đất bình yên muôn thuở. Bởi phía Tây các núi Phượng Lĩnh (Rừng Thông – Sơn Viên), An Hoạch (Núi Nhồi – Nhuệ Sơn), như phượng hoàng giang cánh, như voi ngựa họp bàn. Thành mở bốn cửa: cửa Nam là cửa Tiền, có núi Long, núi Hổ làm tiền án. Thế đất ấy không khác gì “Rồng – Cọp cùng họp mặt như bạn bầu chung sống. Đất nước vững bền như tòa điện bằng đá, sông biển chẳng bao giờ nổi sóng gió”.
Hạc Thành không chỉ là vùng đất tương đối bằng phẳng, mà quan trọng hơn là kiểu đất “thông địa” – bốn phương tám hướng đều có đường thủy, bộ đi lại thuận tiện – tốt cho việc xây thành, đóng đinh, dựng trại.
Ngay sau khi cho dời trấn thành, cũng trong năm 1804 vua Gia Long đã cho dời lăng miếu nhà Lê ở Thăng Long về Thanh Hoa. Sau đó, năm 1805, cho dựng nhà học và năm 1807, cho lập trường thi hương ở Thọ Hạc. Từ năm 1807 đến 1915 trường Thanh Hoa tổ chức 31 khoa thi và có 439 thí sinh Thanh Hoa đỗ cử nhân.
Trung tâm Hạc Thành ra đời, đồng nghĩa với việc mở chợ tỉnh, chợ trâu – bò để lưu thông hàng hóa. Các phường nghề thủ công tập hợp lại dựng nên các phố Hàng Thao chuyên bán giấy bút, nón đội cho thí sinh ở khu vực trường thi; phố Hàng Đồng chuyên bán đồ đồng; phố Hàng Thêu chuyên bán hàng thêu thùa phục vụ cho quan lại và thờ cúng; phố Hàng Than, phố của người Hoa; phố Hàng Hương là nơi dân Nam Định vào chuyên sản xuất hương đen ở ấp Bắc Biên…
Tạo dựng được trung tâm văn hóa ấy cũng bởi tinh thần đoàn kết, giết giặc. Thế kỷ XIII, Chu Văn Lương vâng lệnh vua Trần đi khai hoang, mở nước, khi đến vùng đất bên bờ sông Mã, ông đã dừng lại khai phá đất đai, mở lớp dạy học và lập nên trại Nam Ngạn. Cũng chính ông đã chọn hơn 500 trai tráng trong làng cũng hàng nghìn trai tráng khắp nơi có sức khỏe, thạo sông nước, giỏi võ nghệ về đây luyện tập và tiến ra Hải Dương đánh giặc Nguyên Mông. Sức hấp dẫn của mảnh đất này tương truyền, sau thời gian trận mạc, dù được vua Trần ban thưởng, giữ lại triều đình làm quan, song Chu Văn Lương lại xin được trở về Nam Ngạn xứ Thanh sống cùng người dân.
Khoảng 700 năm sau, trong cuộc kháng chiến oanh liệt chống giặc ngoại xâm ở thế kỷ XX, Hàm Rồng là điểm nút giao thông quan trọng trên con đường Bắc Nam. Nơi đây từng là “tọa độ lửa”, là “huyết mạch” của tuyến vận chuyển chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Riêng năm 1965, đế quốc Mỹ đã đánh vào thị xã Thanh Hóa và Hàm Rồng 73 trận, ném 1.047 quả bom, bắn 437 tên lửa, rốc-két, làm chết 93 người, 119 người bị thương, 159 nhà dân bị sập. Dẫu vậy, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững, hiên ngang vươn qua dòng sông Mã, người dân thị xã Thanh Hóa vẫn anh dũng kiên cường chiến đấu đồng thời ra sức lao động chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tinh thần đoàn kết đã tạo thành sức mạnh vô song để mảnh đất xứ Thanh dù trải qua đau thương vẫn kiên cường mà vươn mình, người dân Thanh Hóa dẫu bao khó khăn cũng nỗ lực đứng lên.
Động lực phát triển
Tôi đã nhiều lần dừng chân trên cầu Hàm Rồng nối đôi bờ sông Mã. Giữa không gian bát ngát ấy, hít một hơi thật sâu, tôi thật tự hào là công dân sinh ra trên mảnh đất đậm trầm tích văn hóa, nơi hào hùng chiến công oanh liệt, nơi mà quân và dân Thanh Hóa đồng lòng chống giặc ngoại xâm…
Cũng từ cầu Hàm Rồng, đi sâu vào thành phố, qua Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tôi đến với làng Đông Sơn, gặp gỡ ông Nguyễn Văn Vệ, người hiểu từng tấc đất, từng sự tích và từng nhân vật trong làng cổ Đông Sơn. Ông Vệ cho biết: Trong 4 tên ngõ, thì Nhân, Nghĩa là biểu tượng cho quan văn; Trí, Dũng biểu tượng cho quan võ. Ở giữa 4 ngõ là ngõ Miếu Nhị dẫn vào đền thờ Đệ Nhị Thần Hoàng Trịnh Thế Lợi (Cẩm hoa thị vệ thời Lê, người có công lập nên làng cổ Đông Sơn) như quan văn, quan võ đứng chầu hai bên. Long mạch ấy, căn tính ấy là tính cách, văn hóa của người làng chúng tôi”.
Không chỉ có làng cổ Đông Sơn, giữa những huyên náo, tấp nập nơi phố thị, bước chân vào làng Bố Vệ (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) bình yên trong không gian văn hóa truyền thống. Ở đó có Thái miếu nhà hậu Lê thờ tự chung các đời vua, các vị Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu, Triệu tổ, Hiển tổ, Tuyên tổ cùng các vị vương công, đại thần triều hậu Lê. Không ngẫu nhiên vua Gia Long cho khởi dựng Thái miếu ngay trên phần đất của nền điện Chiêu Hòa, vốn là điện thờ của Tuyên Từ Nhân ý Chiêu Túc Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh (vợ Vua Lê Thái Tông, mẹ Vua Lê Nhân Tông) đã bị đổ nát; ngoài ý nghĩa về mặt chính trị, địa điểm này còn nằm trên trục đường thiên lý Bắc – Nam thuận tiện, có nhiều cảnh quan đẹp và hùng vĩ. Bố Vệ cùng với Vệ Yên, Tạnh Xá, Mật Sơn là những xóm làng nông nghiệp trồng lúa nước lâu đời, vừa sầm uất vừa trữ tình.
Địa giới hành chính của TP Thanh Hóa hiện nay so với trấn lỵ Hạc Thành của 220 năm trước đã thay đổi rất nhiều về mặt quy mô, không chỉ khẳng định thế mạnh và tiềm năng to lớn của một tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh Thanh Hóa, là đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc và cả nước mà còn tạo động lực cho sự phát triển, đưa thành phố bước vào thời kỳ mới, với tầm vóc lớn hơn.
Nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh để TP Thanh Hóa khai thác và phát triển du lịch, ngày 31/1/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 441 phê duyệt đề án phát triển du lịch TP Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, phát triển sản phẩm du lịch tập trung vào các nhóm: Sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh; sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu lịch sử; sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần, kết hợp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, mua sắm; sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo (du lịch MICE); phát triển sản phẩm du lịch mới (du lịch mạo hiểm; trải nghiệm du lịch đồng quê; các tour du lịch leo núi khám phá, tour du lịch hang động, du lịch khinh khí cầu, cầu trượt tốc độ cao)… Với các không gian phát triển du lịch chính, gồm: không gian du lịch trung tâm thành phố; không gian du lịch dọc sông Mã; không gian du lịch Hàm Rồng – Núi Đọ; không gian du lịch núi Nhồi (An Hoạch); không gian du lịch núi Long – núi Mật Sơn: phát triển các hoạt động như leo núi, ngắm cảnh, các hoạt động vui chơi giải trí – thể thao khác (sườn phía Tây)… cùng hệ thống các khu, tuyến, điểm du lịch…
Trước yêu cầu xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục – đào tạo, y tế, thể thao của tỉnh, một động lực phát triển của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong thời kỳ phát triển mới của tỉnh Thanh Hóa, ngày 25/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 05). Trong đó nêu rõ việc thực hiện sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa phải gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.
Ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích, quy mô dân số của huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Sau khi sắp xếp, TP Thanh Hóa có 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 phường và 14 xã; với diện tích tự nhiên là 228,22km2 và quy mô dân số là 615.106 người.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính, quy mô diện tích và dân số không ngừng tăng lên, tạo nguồn lực, dư địa và mở ra cơ hội để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Trong những năm gần đây, các lĩnh vực văn hóa – xã hội ở TP Thanh Hóa có chuyển biến tiến bộ; nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, đặc sắc, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội đã được tổ chức. Cuộc vận động “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện” tiếp tục được tập trung chỉ đạo; an sinh xã hội được chăm lo; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt… Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của người dân đạt 84,67 triệu đồng, gấp 1,53 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh.
Từ Hạc Thành xưa đến TP Thanh Hóa nay, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với biết bao biến động, những buồn vui của bao lớp người. Song, điều mà ai cũng có thể nhận thấy là TP Thanh Hóa hôm nay đã có những bước phát triển vượt bậc, đáng tự hào. Bởi, Đảng bộ và Nhân dân thành phố đã biết khơi dậy và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng, khát vọng phát triển; là động lực, nguồn lực nội sinh, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, thịnh vượng, đưa Thanh Hóa cùng bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
KIỀU HUYỀN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hac-thanh-xua-tp-thanh-hoa-nay-233979.htm