Dấu mốc gắn với sự kiện kỷ niệm 220 năm đô thị tỉnh lỵ (1804-2024), 30 năm thành lập TP Thanh Hóa (1994-2024) và 10 năm đô thị loại I (2014-2024) tựa hồ như mắt xích vô hình của thời gian kết nối những hồi ức, xúc cảm liên thế hệ. Mỗi người đối diện với phố bằng tâm thức, cảm quan, số phận riêng. Nhưng tựu chung ở đó vẫn là tình yêu nồng cháy, sự biết ơn và mong mỏi về sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa của thành phố trong tương lai…
Diện mạo TP Thanh Hóa – đô thị tỉnh lỵ 220 năm tuổi. Ảnh: Hoàng Đông
1. Buổi sáng mùa đông, tôi cùng NSNA Trần Đàm nhẩn nha chuyện trò bên phin cà phê đang nhỏ giọt tí tách. Tôi mở đầu câu chuyện: “Phố xá những ngày này náo nức, rộn ràng không khí kỷ niệm, cụ nhỉ. Điểm lại dấu mốc thời gian – 220 năm đô thị tỉnh lỵ, 30 năm thành lập TP Thanh Hóa, 10 năm đô thị loại I sao mà thấy cả một hành trình xây dựng và phát triển dài lâu, bền bỉ với biết bao nỗ lực, cố gắng, đủ cả thăng trầm và thăng hoa”.
Sau khi im lặng hồi lâu, cụ Đàm nhìn mãi về khoảng phố trước mặt. Chuyện phố – chuyện đời, cụ Đàm tiếp tục mạch kể: “Tôi bắt đầu “ghi danh” làm công dân thị xã (sau này là thành phố) Thanh Hóa từ năm 1972. Lúc bấy giờ, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ, bảo vệ cầu Hàm Rồng, phần lớn người dân phải đi sơ tán. Cuộc sống lắm vất vả, nhiều khó khăn nhưng ai cũng tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn, tin vào một ngày thị xã sẽ trở lại nhịp sống yên bình”.
Hình ảnh của thị xã Thanh Hóa những ngày xưa cũ như thước phim quay chậm sinh động, sắc nét qua từng lời kể của NSNA Trần Đàm. Cụ kể chuyện trước đây, cả thị xã có mấy vòi nước công cộng; người dân có nhu cầu thì đứng xếp hàng chờ hứng nước mang về dùng. Sáng nào quanh mấy vòi nước cũng có hàng chục người đứng đợi đến lượt. Rồi cụ nói sang chuyện đường sá, nhiều cung đường đi vào trời mưa cứ xác định lầy lội, đất nhão nhoét bám đến mắt cá chân hay việc thị xã phải mất nhiều năm tuyên truyền, vận động quyết liệt để hoàn thành mục tiêu 100% hộ dân sử dụng nhà vệ sinh hai ngăn. Thấy tôi cười, cụ “chỉnh” ngay: “Từ những việc rất nhỏ như thế thôi nhưng cũng cho thấy nhiều nỗ lực, quyết tâm của chúng ta trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân chứ không phải là chuyện tầm phơ, tầm phào”.
Là một NSNA, nhà báo, nhà thơ…, tôi xem cụ Đàm như chứng nhân của phố. Cụ gửi gắm những tâm tình, những quan sát, cảm nhận về sự đổi thay của TP Thanh Hóa qua những tác phẩm. “May mắn cuộc đời vẫn còn để lại được những công trình, tập sách như là dấu ấn; tuy sức khỏe ngày càng giảm sút nhưng vẫn có thể tiếp tục công việc viết lách, nhúc nhắc dạo quanh phố phường” – cụ Đàm bộc bạch. Tôi gợi nhắc về tập sách ảnh “Nơi chim Hạc cất cánh” của cụ ra mắt độc giả vào năm 2020.
Tập sách ảnh là ấn phẩm chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020–2025, nơi chứa đựng tình cảm đậm sâu, góc nhìn tinh tế, riêng biệt của NSNA Trần Đàm với đô thị tỉnh lỵ 220 năm tuổi. Cụ chia sẻ: “Để hoàn thành được cuốn sách như đã có hôm nay, ngoài các hoạt động chuyên môn, tôi đã có nhiều buổi làm việc, thảo luận với 6 vị Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa qua các thời kỳ. Ý kiến thì có chỗ này, chỗ kia nhưng các đồng chí đều thống nhất ở quan điểm, phải làm thế nào để toát lên được nét đẹp vừa hiện đại vừa lắng đọng chiều sâu trầm tích lịch sử – văn hóa độc đáo của TP Thanh Hóa, điều mà không phải đô thị nào cũng có được”. Với sự công phu, tỉ mỉ, cẩn trọng ấy, “Nơi chim Hạc cất cánh” được xem như một “cuộc triển lãm ảnh trên giấy”. Nét đa dạng trong hiện thực phản ánh, sinh động, tinh tế trong màu sắc, bố cục ảnh hấp dẫn bạn đọc từ những khuôn hình đầu tiên. NSNA Trần Đàm đã “mượn ngôn ngữ hình ảnh” để giới thiệu những danh lam thắng cảnh, di tích, thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa để mỗi người cùng chiêm nghiệm, cảm nhận và yêu mến thêm về một thành phố đang trên đà cất cánh.
Ở tuổi này, điều tâm đắc nhất với cụ Đàm là được sống vui, khỏe, có ích, vẫn đang từng ngày được chứng kiến sự vận động và phát triển của thành phố. Cụ Đàm từ tốn nói: “Diện mạo thành phố ngày càng khang trang, hiện đại với hàng loạt các dự án giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được triển khai, xây dựng. Thu nhập, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Ngày xưa, người dân xếp hàng gánh nước về dùng thì nay nước sạch đến từng nhà, rất hiếm khi xảy ra mất nước. Đường sá từ đại lộ cho đến phố, phường sạch – đẹp, thông suốt, kết nối. Những “lá phổi xanh” của thành phố được chỉnh trang; văn hóa, xã hội được quan tâm; những truyền thống văn hóa tốt đẹp được khơi dậy; nhiều di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo và khai thác có hiệu quả. Văn hóa, văn minh đô thị được hình thành qua nhiều thế hệ thị dân”.
Cụ Đàm quan tâm, theo dõi thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, về những thuận lợi, khó khăn cùng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thành phố tiếp tục bứt tốc trong thời gian tới. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất của thành phố ước đạt 81.220 tỷ đồng, xếp thứ 2 toàn tỉnh (sau thị xã Nghi Sơn); chiếm tỷ trọng 18,4% giá trị sản xuất của toàn tỉnh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 10,25%, tăng 2 bậc so với năm 2023, xếp thứ 4 toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 91,17 triệu đồng, tăng 5,5 triệu so với năm 2023. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 4.158,8 tỷ đồng, đạt 141% dự toán tỉnh và đạt 118% dự toán thành phố giao. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; nhiều dự án lớn được triển khai tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 27.973 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,08% vốn đầu tư cả tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2024, thành phố đã khởi công 4 dự án trọng điểm theo Nghị quyết số 38/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; triển khai 10 dự án chào mừng 220 năm đô thị tỉnh lỵ, 30 năm thành lập thành phố, 10 năm đô thị loại I; 60 năm Hàm Rồng chiến thắng với tổng mức kinh phí 77,925 tỷ đồng…
Những kết quả này là điểm tựa để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phát huy nội lực, khai thác tối đa ngoại lực, kiến tạo động lực tăng trưởng mới để phát triển bền vững. Và lẽ dĩ nhiên, đi cùng với những ghi nhận về sự bứt phá của thành phố, cụ Đàm vẫn có những trăn trở, băn khoăn riêng: “Những vỉa tầng lịch sử – văn hóa đa dạng, độc đáo nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác, phát huy hiệu quả để phục vụ tăng trưởng du lịch, nhất là Khu di tích lịch sử – văn hóa Hàm Rồng. Đó là thách thức đặt ra với tất cả chúng ta trên hành trình vươn tới. Bởi lịch sử – văn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh, chưa khai thác hiệu quả nghĩa là chúng ta đang lãng phí nội lực”.
2. Tôi cũng như cụ Đàm, không phải là “con đẻ” của phố. Trong dòng người hối hả ngược xuôi mỗi ngày, tôi từ làng lên phố nuôi mộng tương lai. Dẫu có những nhọc nhằn, gian khó, thử thách, đôi khi không tránh khỏi cảm giác hờn tủi và cả những vấp ngã, chông chênh nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi được góp mặt trên hành trình xây dựng và phát triển cùng thành phố quê hương tôi.
Còn nhớ, tôi bắt đầu gắn bó với phố từ quãng độ năm 2014, thời điểm sắp sửa tốt nghiệp đại học, chuyển hẳn về quê tìm kiếm cơ hội việc làm. Đây cũng là năm TP Thanh Hóa hân hoan đón nhận Quyết định công nhận là đô thị loại I. Trước thời điểm đó, những hiểu biết trong tôi về TP Thanh Hóa rất ít ỏi. Bởi lẽ, trước đây, khi cây cầu Nguyệt Viên chưa được xây dựng, từ quê tôi lên TP Thanh Hóa phải ngược lên cầu Hoằng Long rồi men theo Quốc lộ 1A, quãng đường xa gấp đôi bây giờ. Bố công tác xa ở vùng giáp biên, mẹ chẳng biết đi xe máy, tưởng chừng như cuộc sống của chúng tôi chẳng có mối liên hệ gì với phố. Nhưng rồi, tôi may mắn gắn bó với TP Thanh Hóa cũng đã ngót nghét gần chục năm.
Thành phố hôm nay lại rộn ràng khí thế chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 220 năm đô thị tỉnh lỵ (1804–2024), 30 năm thành lập TP Thanh Hóa (1994–2024) và 10 năm đô thị loại I (2014–2024). Cho đến hôm nay và mãi về sau, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn thành phố quê hương đã bao dung đón chào, cho tôi cơ hội để khẳng định mình. Chẳng dám nghĩ mình sẽ làm được điều gì lớn lao để đáp lại nghĩa cử cao đẹp của phố, mỗi ngày qua đi, tôi tự hứa với bản thân mình phải nỗ lực thật nhiều, cố gắng thật nhiều, cống hiến thật nhiều để phố hiểu được tấm chân tình, thành ý của chúng tôi, để góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, quê hương.
Thảo Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tu-su-cung-pho-233978.htm