Chợ truyền thống là trung tâm của các hoạt động thương mại và văn hóa ở các vùng quê. Những năm gần đây, nhờ sự thay đổi mạnh mẽ trong các hoạt động mua bán, cách thức phục vụ khách hàng, nên nhiều chợ truyền thống đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm.
Chợ Bái Thượng, xã Xuân Bái (Thọ Xuân).
Từ xưa đến nay, chợ phiên phố Đoàn, xã Lũng Niêm (Bá Thước), đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước để mua sắm, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo tìm hiểu được biết: Chợ phiên phố Đoàn còn được gọi là chợ phố Đòn, đã có từ rất lâu đời. Chợ chỉ họp vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Nếu như trước đây, chợ chỉ bán những sản vật của đồng bào các DTTS sinh sống tại địa phương như, măng khô, cá suối, các mặt hàng thổ cẩm, rượu cần. Thì hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội và để đáp ứng nhu cầu của người dân, khách du lịch mua sắm thì chợ phiên phố Đoàn đã có thêm nhiều mặt hàng thiết yếu như, cam quýt, rượu cần, cua ốc, các loại gia vị như hạt tiêu, mắc khén, tới các sản phẩm kim khí vàng bạc.
Là người thường xuyên đến chợ phiên phố Đoàn để buôn bán, bà Vi Thị Anh, xã Lũng Niêm (Bá Thước), cho biết: Vào các phiên chợ tôi thường đem các mặt hàng như, rau, gà, gạo nếp, măng… do nhà tự nuôi, trồng đến bán. Những năm gần đây, nhờ du lịch phát triển, nhất là ở Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông nên du khách thường tìm đến để mua sắm, tham quan, do đó lượng hàng hóa của chúng tôi bán được khá nhiều.
Đây là lần thứ 2 ghé qua chợ phiên phố Đoàn để mua sắm, anh Đỗ Văn Minh (TP Thanh Hóa), chia sẻ: Mỗi khi có dịp cùng gia đình, bạn bè lên tham quan tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông nếu đúng dịp chợ phiên phố Đoàn chúng tôi đều ghé vào chợ để mua sắm, tham quan. Đến đây, tôi không chỉ được lựa chọn những đặc sản của người dân miền núi mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của địa phương.
Nằm bên dòng sông Chu, chợ Bái Thượng, xã Xuân Bái (Thọ Xuân) có lịch sử hình thành trên 100 năm, được xem là chợ trung tâm – điểm trung chuyển các mặt hàng kết nối giữa huyện Thọ Xuân với các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc. Những năm gần đây, nhờ du lịch ở các huyện này phát triển nên chợ cũng thu hút được khá đông du khách đến mua sắm. Có mặt tại chợ vào buổi sáng, chúng tôi thấy ở đây có khá nhiều mặt hàng được bày bán và chia ra thành các khu thuận tiện cho người dân, du khách mua sắm, như, khu vải vóc, khu thóc gạo, trầu cau, khu thực phẩm, khu chuyên sản xuất và bán nông cụ. Bà Đỗ Thị Hoa, tiểu thương trong chợ cho biết: Tôi buôn bán ở chợ cũng đã mấy năm nay, với mặt hàng là rau, củ, quả. Ở đây không chỉ thu hút được người dân trong vùng đến mua sắm mà còn có nhiều đoàn khách du lịch khi đến Thường Xuân cũng rẽ vào chợ mua sắm. Để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng, ngoài rau, củ, quả do gia đình trồng tôi còn thu mua thêm sản phẩm của bà con địa phương như măng tươi, măng khô, ốc nhồi và một số loại gia vị khác như hạt tiêu, mắc khén…
Đi chợ truyền thống là một trong những thói quen của người Việt, bởi họ có thể vừa tham quan, vừa mua sắm, nhất là các mặt hàng quê, đặc trưng, đặc sản… lại vừa có thể giao lưu với người dân bản địa. Do đó, việc phát triển du lịch gắn với chợ truyền thống đang là hướng đi mà nhiều địa phương quan tâm thực hiện, từ đó thu hút du khách đến tham quan, mua sắm. Theo đó, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng chợ khang trang, sạch đẹp, chú trọng xây dựng chợ an toàn thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường vận động tiểu thương thay đổi cách phục vụ, buôn bán, đa dạng hóa các mặt hàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Cùng với đó là đẩy mạnh quảng bá chợ truyền thống, buôn bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook… Hướng đi này, không chỉ giúp các chợ truyền thống mở rộng thị trường, gia tăng sức mua, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương, mà còn thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển và góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của làng quê.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-du-lich-gan-voi-nbsp-cho-truyen-thong-234187.htm