Xác định phát triển bền vững các làng nghề tiểu thủ công nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhiều địa phương đã chú trọng công tác khôi phục các ngành nghề truyền thống, du nhập, phát triển nghề mới. Từ đó, giúp sử dụng triệt để lao động nông nhàn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa phương.
Nghề mây tre đan tại xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long đóng tại thôn Tân Giao, xã Thăng Long (Nông Cống) mỗi ngày trung bình sản xuất và tiêu thụ hàng tạ gạo làm miến. Các sản phẩm miến gạo của HTX được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và thường xuyên được trưng bày tại các hội chợ thương mại, có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và một số chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn. Được biết, nghề làm miến gạo thôn Tân Giao có hiện có 52 hộ với 148 lao động tham gia làm nghề; sản phẩm chủ yếu miến sợi, bánh phở, với sản lượng khoảng 2.500 tấn/năm, tổng giá trị đạt gần 30 tỷ đồng/năm…
Được biết, huyện Nông Cống là địa phương nổi tiếng có nhiều làng nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm tuổi, gắn liền với đời sống sản xuất, sinh hoạt hằng ngày của người dân. Trong đó, có một số làng nghề nổi bật như: làng nghề làm hương bài tại thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng, quy mô 62 hộ, với 113 lao động, sản lượng đạt khoảng 75.000 bó/năm, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Làng nghề chiếu cói và các sản phẩm từ cói, quy mô 461 hộ, thu hút 1.055 lao động, chủ yếu tại các xã Trường Giang, Minh Khôi, Tế Nông, Tượng Sơn…
Hiện nay, toàn tỉnh có 125 làng nghề đang hoạt động; trong đó có 85 làng nghề truyền thống và 40 làng nghề mới, các làng nghề đang tạo việc làm cho gần 60.000 lao động. Trong đó, nhóm làng nghề dệt chiếu có 30 làng nghề, tập trung chủ yếu tại các huyện Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống đang tạo việc làm cho khoảng 6.500 lao động với các sản phẩm chính là: chiếu, quại cói, đệm cói, dép cói, hộp cói, giỏ cói, thảm cói, túi cói… Nhóm làng nghề mây tre đan có 25 làng nghề, tập trung chủ yếu tại các huyện: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Nông Cống, tạo việc làm cho khoảng 2.700 lao động. Nhóm làng nghề mộc có 7 làng nghề, tập trung chủ yếu tại các huyện: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, tạo việc làm cho khoảng 2.100 lao động. Nhóm làng nghề chế biến thuỷ hải sản có 12 làng nghề tập trung chủ yếu tại huyện Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn, nhóm nghề này đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhóm làng nghề rèn, đúc đồng có 5 làng nghề chủ yếu tại huyện Hậu Lộc và Thiệu Hóa, tạo việc làm cho khoảng gần 700 lao động. Làng nghề chế biến bánh, nem giò chả có 5 làng nghề, tập trung chủ yếu tại TP Thanh Hóa, tạo việc làm cho gần 2.000 lao động, các sản phẩm chủ yếu là: chè lam, nem chua, bún, miến gạo, bánh đa, bánh gai, bánh lá răng bừa… Thu nhập từ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trung bình từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng tùy vào nghề và số lượng sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, lao động tham gia làm tại các nghề, làng nghề truyền thống lại có nhiều thuận lợi, đó là thời gian làm không bị gò bó, có thể tận dụng thời gian rảnh dỗi lúc nông nhàn hoặc tranh thủ làm cùng các công việc khác và đặc biệt có những nghề có thể thu hút nhiều đối tượng tham gia làm nghề, kể cả người ngoài độ tuổi lao động tham gia.
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển các ngành nghề vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: lao động tại các làng nghề chủ yếu chưa qua đào tạo, lao động tay nghề cao còn ít; thiếu vốn để mở rộng sản xuất và đầu tư mua sắm thiết bị máy móc; quy mô sản xuất của nhiều làng nghề còn nhỏ lẻ; chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu…
Để duy trì và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, như: hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; hỗ trợ đầu tư hệ thống thu gom xử lý rác thải, nước sản xuất tập trung tại các làng nghề… Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ người dân, HTX xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu; thường xuyên tổ chức hội chợ cho các chủ thể trưng bày, quảng bá sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, sẽ khôi phục, bảo tồn và công nhận mới thêm 5 nghề và 5 làng nghề, làng nghề truyền thống, có ít nhất 50% cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm OCOP.
Bài và ảnh: Minh Hà
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-nghe-truyen-thong-tao-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-234181.htm