Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện 8) đặt mục tiêu đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 30 – 40% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia và tỷ lệ này có thể đạt 50 – 60% vào năm 2045. Cùng với khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư các hệ thống điện năng lượng tái tạo tự dùng, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực thực hiện các giải pháp xúc tiến thu hút các dự án mới theo đúng lộ trình này.
Vận hành hệ thống thu hồi nhiệt dư phát điện tại Nhà máy Xi măng Long Sơn.
Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 39 dự án nhà máy điện được quy hoạch với tổng công suất 5.486MW. Hiện nay, đã có 19 dự án đã đi vào vận hành với tổng công suất hơn 2.488MW; 6 dự án đang và chuẩn bị đầu tư với tổng công suất 906MW. Trong đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã phát triển được 5 hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư với tổng công suất 99,2MW; Nhà máy Điện mặt trời Yên Thái đóng trên địa bàn xã Yên Thái (Yên Định) với công suất 30MW; 3 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 47,7MW của 3 nhà máy sản xuất đường mía Lam Sơn, Việt Đài và Nông Cống. Toàn tỉnh cũng đã phát triển được 619 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 67.126,6KWp. Nhiều dự án điện năng lượng tái tạo đã phát huy hiệu quả trong việc vừa cung ứng điện sạch, góp phần giảm phát thải nhà kính và bước đầu đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh, bền vững theo xu hướng tất yếu của thị trường.
Nhà máy điện mặt trời Yên Định đi vào vận hành từ đầu năm 2019, sau gần 5 năm đã đạt sản lượng công suất thiết kế. Theo đại diện nhà máy, các điều kiện về vị trí địa lý và yếu tố phát điện tại Thanh Hóa khá tốt cho phát triển điện mặt trời, điển hình như cường độ bức xạ, thời gian bức xạ – yếu tố quyết định cho sản xuất điện mặt trời. Do đó, đơn vị đang chờ các cơ chế cụ thể sắp tới để thực hiện thủ tục triển khai các bước xây dựng giai đoạn 2, nâng công suất của nhà máy lên 60MW.
Tại Nhà máy Xi măng Long Sơn (thị xã Bỉm Sơn), hệ thống thu hồi nhiệt dư để phát điện đã sản xuất được khoảng 260 triệu kWh điện/năm. Lượng điện này đáp ứng được tới hơn 40% nhu cầu sử dụng điện của nhà máy, giúp DN tiết kiệm được từ 300 – 400 tỷ đồng chi phí về điện mỗi năm. Theo giám đốc sản xuất Trương Văn Lợi, ngoài ích lợi tận dụng nhiệt dư phát điện, giảm đáng kể tiêu thụ điện lưới, tăng hiệu quả sản xuất, thì hệ thống này cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đây chính là “điểm cộng” lớn trong tiêu chí sản xuất “xanh”, giúp sản phẩm của DN chinh phục thành công nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan…
Tại quy hoạch điện 8, Thanh Hóa đã được quy hoạch một số dự án năng lượng tái tạo mới, trong đó có một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực điện khí, điện gió. Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đang tích cực thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư Dự án điện khí LNG Nghi Sơn công suất 1.500MW. Dự án điện gió Bắc Phương – Nghi Sơn công suất 100MW và Dự án điện gió Mường Lát 200MW cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận lắp cột đo gió để khảo sát.
Nhiều DN tại KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga đầu tư điện mặt trời áp mái phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Nhằm gia tăng tỷ lệ điện năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung, cập nhật một số nội dung Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8; trong đó Thanh Hóa đang đề nghị được ưu tiên quy hoạch và cập nhật thêm vào kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8 các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế, trong đó có tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tỉnh đề xuất bổ sung các nhà máy điện tái tạo như dự án: Điện sinh khối Như Thanh (10MW), Nhà máy điện rác Nghi Sơn (20MW), Nhà máy điện rác Thọ Xuân (12MW), Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I (160MWp)… vào kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8.
Hiện nay, để thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, thu hút thành công các nhà đầu tư có kinh nghiệm, tài chính và năng lực trong lĩnh vực điện gió, điện khí, điện sinh khối, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tăng cường thúc đẩy giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch, cải thiện thủ tục hành chính rút ngắn thủ tục đầu tư; đồng thời tăng cường tích cực tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư xứ Thanh tới các nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới trong lĩnh vực.
Theo đại diện Sở Công Thương, cùng với các giải pháp trên, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tiến tới loại bỏ nhiệt điện than trước năm 2040; tham mưu thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đơn vị sẽ cùng ngành điện tham mưu, quan tâm quy hoạch phát triển các hệ thống lưới điện thông minh, cải tiến công nghệ lưu trữ năng lượng, nâng cấp hệ thống truyền tải điện nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và khả năng kết nối giữa các khu vực.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tiep-tuc-dinh-huong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-233372.htm