Chào mừng kỷ niệm 220 năm đô thị Tỉnh lỵ (1804 – 2024), 30 năm thành lập TP Thanh Hóa (1994 – 2024) và 10 năm đô thị loại I, Báo Thanh Hóa xin giới thiệu về những hình ảnh tư liệu sưu tầm về Trấn thành Thanh Hóa xưa.
Trấn thành Thanh Hóa dưới triều Nguyễn.
TP Thanh Hóa tọa lạc trên vùng đất cổ, có núi cao, ruộng đồng trù phú, sông Mã tự non cao đổ về dâng phù sa đắp bồi cho bãi đồng tươi tốt. Thế núi, hình sông tạc vào lịch sử. Nơi có Núi Đọ, xuất hiện những con người tối cổ, vùng đất của nền văn hóa Đông Sơn rạng rỡ, nổi tiếng từ thuở các Vua Hùng dựng nước. Sông núi linh thiêng, nơi đất lành chim Hạc tụ về.
Sơ đồ vùng đất Dương Xá.
Năm 1804, Trấn thành Thanh Hoa dời từ làng Dương Xá (thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa) về làng Thọ Hạc (huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa), đặt nền móng cho sự ra đời của tỉnh lỵ Thanh Hóa.
Trước năm 1804, Lỵ sở Thanh Hóa được đặt ở nhiều vùng khác nhau như: Tư Phố, Đông Phố, trấn thành Dương Xá, Duy Tinh (Hậu Lộc). Vùng đất Thiệu Khánh, Thiệu Dương (thuộc TP Thanh Hóa ngày nay) đã từng 2 lần là nơi đặt lỵ sở Thanh Hóa (Thành Tư Phố là nơi đặt quận trị Cửu Chân và huyện trị Tư Phố; Trấn thành Dương Xá từ thời Lê đến hết thời Tây Sơn).
Trấn thành Thanh Hóa dưới triều Nguyễn.
Trấn thành Thanh Hóa (Hạc thành hay thành Thọ Hạc), được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Thành có chu vi 630 trượng, cao 1 trượng, mở 4 cửa, hào rộng 8 trượng 8 thước, sâu 5 thước, 6 tốc. Hạc Thành được xây dựng trên một kiểu đất quý.
Dòng sông Mã phía Bắc chảy lượn như ôm, như bọc lấy vùng đất. Sông Bố Vệ ở đằng Nam gọi là “Tốn thủy” cũng rất tốt. Theo nhà lý học nổi tiếng Phạm Thành Đại: “Quý thủy nhiễu đông thành, vĩnh bất kiến đao binh”, tức là “Hạc Thành phi chiến địa”, mảnh đất bình yên muôn thủa, tránh cho khỏi bị “tật phong”. Phía Tây các núi Phượng Lĩnh (Rừng Thông – Sơn Viên), An Hoạch (núi Nhồi – Nhuệ Sơn), như phượng hoàng giang cánh, như voi ngựa họp bàn. Thành mở bốn cửa, cửa Nam là cửa Tiền, có núi Long, núi Hổ làm tiền án. Đó là “Long Hổ đồng hội kiến – Bằng hữu cộng tri giao – Xã tắc như thạch điện – Hổ hải bất ba đào” (Rồng – cọp cùng họp mặt như bạn bầu chung sống. Đất nước vững bền như tòa điện bằng đá. Sông biển chẳng bao giờ nổi sóng gió).
Đời sống bên trong Hạc Thành.
Chợ tỉnh (khoảnh đất giới hạn bởi các phố Tống Duy Tân, Lê Hoàn, Cao Thắng, Hàng Than); phố hàng, phường nghề được tập trung như: Hàng Hương, Hàng Đồng, Hàng Than, Hàng Thao, Thợ Thêu… là chợ lớn nhất trong tỉnh, tháng họp 3 phiên chính vào các ngày mồng bảy, mười bảy, hai bảy âm lịch….
Khung cảnh cuộc sống Thanh Hóa xưa.
Bản đồ về đô thị Thanh Hóa năm 1930.
Ngày 15/11/1945, tại Nhà máy Đèn, đồng chí Bùi Đạt, đại diện Tỉnh ủy đã triệu tập Hội nghị công bố Quyết định của Tỉnh ủy thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Thị xã (nay là Đảng bộ Thành phố Thanh Hóa), do đồng chí Trần Tiến Quân (Trịnh Huy Lãng) làm Bí thư.
Sự kiện thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên có ý nghĩa lớn lao trong đời sống chính trị của nhân dân Thị xã. Lần đầu tiên Nhân dân Thị xã Thanh Hóa có được Bộ tham mưu trực tiếp của mình để lãnh đạo Nhân dân tiến lên dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, cùng với Nhân dân trong tỉnh và cả nước hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà lịch sử giao phó.
Phần tiếp theo sẽ giới thiệu về những hình ảnh thị xã Thanh Hóa giai đoạn 1945 -1994.
Minh Hiếu (ST)
Nguồn: Sách ảnh TP Thanh Hóa xưa và nay
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hinh-anh-tran-thanh-thanh-hoa-giai-doan-1804-1945-232969.htm