Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các di tích lịch sử – văn hóa, khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, góp phần tạo không gian cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá.
Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thu hút du khách đến tham quan.
Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Những năm gần đây, du lịch tâm linh đang là “xu hướng” được đông đảo du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của du lịch tâm linh cũng tạo sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên nói chung và môi trường tại các khu di tích, danh thắng nói riêng. Xuất phát từ thực tế đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có điểm di tích, danh thắng có giá trị lớn trong phát triển du lịch đã chú trọng đến công tác BVMT, cảnh quan thiên nhiên.
Nói về vấn đề này, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), Nguyễn Xuân Toán cho biết: Thời gian qua, du khách tìm đến tham quan, dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh rất đông, do đó đơn vị luôn chú trọng đến công tác BVMT để giữ cho di tích luôn xanh – sạch – đẹp. Theo đó, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác BVMT trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đến du khách, Nhân dân sinh sống quanh khu vực thông qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, loa phát thanh. Xung quanh đường đi, lối lại trong khu di tích đều được bố trí, lắp đặt thùng rác và có biển hướng dẫn du khách vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi ra môi trường. Ngoài ra, tại khu di tích cũng đã thành lập đội vệ sinh môi trường, hàng ngày cắt tỉa, chăm sóc cây xanh, thu gom, vận chuyển rác xung quanh khu di tích đến nơi tập kết rác thải. Ban quản lý khu di tích cũng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân quanh khu vực khu di tích thực hiện các quy định về BVMT…
Tại các địa phương có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên như Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân…; việc đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch đang là một trong các ưu tiên hàng đầu. Do đó, công tác BVMT, cảnh quan thiên nhiên luôn được các địa phương quan tâm thực hiện. Điển hình tại huyện Bá Thước đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường trong phát triển du lịch. Trong đó, huyện đã xây dựng, ban hành quy chế BVMT tại các khu, điểm du lịch; bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện, có bảng hướng dẫn phân loại rác; bố trí lực lượng thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định. Để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong công tác BVMT, huyện đã tích cực tổ chức đào tạo, tập huấn về các nội dung liên quan đến BVMT, nhất là nơi có khu, điểm du lịch. Phối hợp với hội, đoàn thể, quần chúng tại cơ sở duy trì và phát động các phong trào BVMT. Cùng với đó, huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch; giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch, BVMT, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch… Nhờ đó, đến nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt các quy chế về BVMT, nhất là thu gom và xử lý chất thải rắn; 100% cơ sở lưu trú và kinh doanh ăn uống cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những năm gần đây, Thanh Hóa đã đón lượng lớn du khách đến tham quan, khám phá. Do đó, để xây dựng hình ảnh du lịch Thanh Hóa văn minh, thân thiện, an toàn trong lòng du khách, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến công tác BVMT. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 7,5 tỷ đồng từ nguồn Chương trình phát triển du lịch cho các địa phương xây dựng 25 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn (300 triệu đồng/nhà) để phục vụ khách du lịch tại các di tích, danh thắng, nâng tổng số nhà vệ sinh được hỗ trợ xây dựng trên địa bàn tỉnh lên 92 khu vệ sinh…
Đến nay, hầu hết các dự án đầu tư du lịch đã có hồ sơ BVMT được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng. Một số khu, điểm du lịch lớn trên địa bàn tỉnh đã đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung. Phần lớn các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được trang bị thùng đựng rác, lắp biển báo chỉ dẫn nhằm nâng cao ý thức của du khách trong công tác BVMT.
Tuy nhiên, công tác BVMT đối với hoạt động du lịch còn hạn chế và khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề đã ảnh hưởng tới việc phát huy các giá trị làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Công tác thu gom rác thải ở các huyện miền núi và một số địa phương ven biển chưa triệt để, còn tình trạng rác tồn đọng dọc bãi biển và một số điểm du lịch gây mất mỹ quan. Việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ tiên tiến còn chậm, chủ yếu là chôn lấp (chiếm gần 70%). Nhiều bãi chôn lấp rác thải đã quá tải, xuống cấp gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, để tạo chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan tại các khu, điểm du lịch, trở thành nền tảng quan trọng để du lịch Thanh Hóa phát triển bền vững trong tương lai, cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/bao-ve-moi-truong-gop-phan-thuc-day-du-lich-phat-trien-232590.htm