Với việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa” ngày càng lan tỏa đến các thị trường khách trong nước và quốc tế. Cũng thông qua đó, nhiều điểm đến, doanh nghiệp dần khẳng định sự chuyên nghiệp và đem lại nhiều trải nghiệm, tiện ích cho du khách.
Với ứng dụng du lịch thông minh Smart Travel giúp du khách có những trải nghiệm tốt hơn khi đến tham quan Di sản Thành Nhà Hồ.
Tháng 11 vừa qua, Trường Đại học Hồng Đức đã phối hợp với Hội Du lịch Lữ hành TP Thanh Hóa tổ chức chương trình đào tạo “Nâng cao năng lực quản trị theo mô hình chuyển đổi số trong du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Chương trình tập trung vào một số nội dung, như: xây dựng và quản trị hoạt động marketing số trong du lịch; ứng dụng số và đổi mới sáng tạo sản phẩm du lịch, tối đa hóa trải nghiệm khách hàng; vận hành mô hình kinh doanh du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số; trải nghiệm và tư vấn chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch… Qua đó, góp phần định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng quản trị, khai thác dữ liệu tốt hơn, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Du lịch Lữ hành TP Thanh Hóa, Phạm Tiến Hải cho biết: “Đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP Thanh Hóa đã cơ bản hoàn tất việc chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm và tiếp cận khách hàng. Những tiện ích ứng dụng công nghệ số đã giúp doanh nghiệp lữ hành nói riêng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nói chung tối ưu hóa mọi hoạt động và tiếp cận thị trường khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số, ứng dụng du lịch thông minh vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng tôi mong rằng, chương trình đào tạo là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi hình thức tiếp cận, chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, công nghệ số. Hướng đến sử dụng các ứng dụng du lịch thông minh, phát triển sản phẩm có chất lượng để tối ưu hóa trải nghiệm cho du khách”.
Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã đưa vào sử dụng website hoặc trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, sản phẩm; chấp nhận thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Đối với các cơ sở lưu trú 4 – 5 sao đã sử dụng phần mềm quản lý, tích hợp các tiện ích từ phòng ở, ăn uống, bể bơi và các dịch vụ đi kèm khác trong chiếc thẻ phòng. Từ đó giúp khách hàng chủ động sử dụng dịch vụ, đồng thời giảm bớt nhân sự và kiểm soát chặt chẽ ở các khâu.
Tổng Quản lý Khách sạn Melia
Vinpearl Thanh Hóa, Ngô Hữu Nhựt cho biết: “Chúng tôi đã áp dụng công nghệ số vào tất cả các khâu, từ quản trị nhân sự đến cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hiện nay, mọi thủ tục check-in và check-out được tiến hành nhanh chóng và thuận tiện thông qua phần mềm Staff app & Esign. Khi du khách check-in sẽ được cung cấp thẻ phòng đã được tích hợp đầy đủ các dịch vụ mà du khách đăng ký và sử dụng khi đến đây lưu trú. Du khách chỉ cần quét thẻ phòng sẽ đến đúng tầng lưu trú đã đăng ký; đồng thời việc sử dụng các dịch vụ như: spa, bơi lội, gym, ăn sáng… sẽ được bỏ qua các bước đăng ký hoặc khai báo thông tin số phòng như trước đây. Qua đó mang đến cho du khách sự riêng tư, tiện ích, giúp khách sạn giảm bớt nhân sự, nâng cao chất lượng phục vụ”.
Để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực phát triển mới cho du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai số hóa và đưa vào ứng dụng du lịch thông minh Smart Travel tại 8 khu, điểm du lịch (Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ, Di tích lịch sử văn hóa Đền Nưa – Am Tiên, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng bản Mạ, Thác Mây, đền Sòng Sơn, đền Cửa Đạt). Đồng thời tiến hành số hóa 71 khu, điểm du lịch và 25 cơ sở lưu trú du lịch, cập nhật lên phần mềm ứng dụng quản lý khai thác và cơ sở dữ liệu du lịch tỉnh Thanh Hóa (tại đường dẫn http://csdl.thanhhoa.travel). Đăng tải gần 1.000 tin, bài, video, hình ảnh quảng bá “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa” trên website du lịch tỉnh Thanh Hóa (tại đường dẫn http://thanhhoa.travel). Ngoài ra, du khách có thể truy cập cổng thông tin du lịch Thanh Hóa (http://dulichthanhhoa.org) để tìm hiểu thêm về các sản phẩm, lịch trình di chuyển… và phản ánh chất lượng du lịch.
Hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch thông minh, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung thực hiện một số giải pháp như: hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực du lịch; triển khai các ứng dụng du lịch thông minh tại các khu, điểm du lịch; tuyên truyền quảng bá du lịch trên nền tảng truyền thông số… Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần chủ động hơn nữa trong việc áp dụng các ứng dụng, phần mềm du lịch trong quản lý, phát triển sản phẩm dựa trên nền tảng số, góp phần gia tăng trải nghiệm, đem đến tiện ích và sự hài lòng cho du khách khi sử dụng dịch vụ.
Bài và ảnh: Lê Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thuc-day-ung-dung-cong-nghe-so-du-lich-thong-minh-232589.htm