Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những điểm nghẽn cho tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp nhằm phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn đối với nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. (Ảnh: BTC/Vietnam+)
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài đang là vấn đề được quan tâm trong những tháng cuối năm 2024.
Ngày 3/12, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 53 điểm cầu tại các Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để đánh giá tình hình giải ngân 11 tháng đầu năm và đề ra các biện pháp thúc đẩy giải ngân trong thời gian còn lại.
Những “nút thắt” dai dẳng
Để thúc đẩy giải ngân cả nguồn vốn đầu tư trong nước và vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết đã triển khai nhiều biện pháp, như đôn đốc các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, nhập dự toán trên hệ thống TABMIS.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức đoàn công tác đến Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 8 địa phương (Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Ninh Thuận và Điện Biên) để hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, như rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ rút vốn. Mặc khác, Bộ Tài chính cũng làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài (WB, ADB, JICA, AFD, KfW, Kexim) để đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các hiệp định vay.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thông tin cho bết mặc dù kế hoạch vốn năm 2024 được giao thấp hơn năm 2023, song các địa phương vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch. Tính đến 30/11, cả nước chỉ có 6/53 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 60% và thậm chí có 5 địa phương chưa giải ngân được đồng nào. Nguyên nhân chủ yếu là do một số dự án đã kết thúc, không còn nhu cầu giải ngân hoặc một số dự án chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.
Về kết quả giải ngân, tỷ lệ đến thời điểm này đạt 30,3% và cao hơn mức 24,89% của cùng kỳ năm 2023, nhưng kết quả này vẫn còn thấp so với mục tiêu 95% mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Theo Bộ Tài chính, tình trạng giải ngân chậm vẫn vướng ở những “nút thắt” như giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại, chậm trễ trong nghiệm thu, thanh toán, thiếu kế hoạch vốn. Và, đặc biệt là việc nhiều dự án (chiếm 22% số dự án đang giải ngân) cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, hoặc đề nghị sử dụng vốn dư.
Tại hội nghị, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp nhằm phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn đối với nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ rút vốn, trực tiếp làm việc với các ban quản lý dự án và địa phương để tháo gỡ khó khăn đồng thời tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ để đơn giản hóa thủ tục. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ thủ tục gia hạn bố trí vốn và bổ sung kế hoạch vốn trung hạn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần khẩn trương giao kế hoạch vốn và nhập dữ liệu lên TABMIS, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ giải ngân, báo cáo hoàn chứng từ chi tiêu kịp thời. Các ban quản lý dự án cần chủ động hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng, di dân, tái định cư và giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, giải quyết vướng mắc trong đấu thầu và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
“Bức tranh nhiều gam màu”
Trong cùng ngày, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức hội nghị với các bộ, ngành về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài.
Theo báo cáo tại hội nghị, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài của các Bộ, ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt tỷ lệ giải ngân trên 50%. Đáng lưu ý, có 4/10 Bộ, ngành vẫn chưa giải ngân được vốn nước ngoài trong năm 2024, bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành cũng nêu ta một số nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân “ì ạch,” như chậm giải phóng mặt bằng, chậm đấu thầu, thiết kế kỹ thuật. Đặc biệt là việc nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, hoặc chờ ý kiến của nhà tài trợ.
Để tháo gỡ khó khăn, các kiến nghị giải pháp đã được đưa ra, như tăng cường giám sát tiến độ, tập trung triển khai các dự án đã hoàn thành chuẩn bị đầu tư và khẩn trương xử lý các vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, các Bộ, ngành sẽ tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025), một năm hết sức quan trọng trong việc tạo sự bứt phá và chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu trung hạn. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy hàng hóa sản xuất trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển, giúp phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Do đó, Bộ Tài chính và các Bộ ngành đã thống nhất sẽ theo dõi sát sao và quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn (như Nghị quyết 01/NQ-CP đã đặt ra)./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/con-5-dia-phuong-chua-giai-ngan-von-trong-nuoc-va-4-bo-chua-giai-ngan-von-oda-232299.htm