Từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng khách cũng như tổng doanh thu. Để có được kết quả đó, cùng với việc đầu tư phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm mới trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Lễ hội bánh chưng – bánh giày (TP Sầm Sơn).
Thời gian qua, cơ sở lưu trú của gia đình ông Vi Văn Tiên, bản Mạ (Thường Xuân) thu hút được khá đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ông Tiên cho hay: “Gia đình tôi bắt đầu kinh doanh cơ sở lưu trú từ năm 2016. Để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu của du khách, tôi đã đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú theo kiểu nhà sàn truyền thống. Để thu hút du khách đến tham quan, lưu trú, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, tôi đã chú ý đến việc đẩy mạnh quảng bá du lịch trên nhiều kênh như, qua mạng xã hội zalo, facebook. Qua các trang mạng xã hội này, tôi đã tích cực đăng tải hình ảnh về khu du lịch bản Mạ, cũng như homestay của gia đình. Đồng thời, cập nhật, hướng dẫn du khách cách đặt phòng, hoặc các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi qua mạng xã hội. Nhờ đó, homestay của gia đình tôi ngày càng được nhiều người biết và tìm đến tham quan, lưu trú nhiều hơn”.
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: Trong bối cảnh xu hướng du lịch liên tục thay đổi, du khách ngày càng yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ và gia tăng nhu cầu trải nghiệm đòi hỏi các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch phải có sự đổi mới về tư duy, có chiến lược bài bản, cách làm mới trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến. Thời gian qua, nhằm khai thác, phát huy những lợi thế để phát triển du lịch trên địa bàn, và để du khách biết đến hình ảnh du lịch Thường Xuân, huyện đã tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức, như quảng bá trên các phương tiện truyền thông, trên các nền tảng số, qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa và du lịch để thu hút khách. Cùng với đó, huyện còn tích cực tham gia các sự kiện, ngày hội văn hóa, du lịch do tỉnh tổ chức để giới thiệu sản phẩm, tiềm năng du lịch cũng như kết nối các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh để tiếp cận, mở rộng thị trường.
TP Sầm Sơn vốn là trọng điểm du lịch của tỉnh. Trong những năm qua, thành phố đã và đang đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao, góp phần khẳng định Sầm Sơn là điểm đến an toàn – hấp dẫn – thân thiện và mến khách đối với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, việc quảng bá du lịch qua nền tảng số được thành phố đặc biệt quan tâm, các địa điểm ăn uống, check-in, tham quan được các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch đăng tải thường xuyên trên các trang mạng xã hội. Cùng với đó, thành phố cũng tích cực tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao gắn với quảng bá du lịch. Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Sầm Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như, lễ hội cầu phúc đền Độc Cước, lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái, lễ hội cầu ngư – bơi trải, lễ hội bánh chưng – bánh giày, liên hoan ẩm thực, đặc sản xứ Thanh… Qua đó, góp phần đưa hình ảnh Sầm Sơn đến đông đảo bạn bè, du khách.
Thanh Hóa được biết đến là một trong những tỉnh có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc. Nguồn tài nguyên vô giá này giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế du lịch của tỉnh. Cùng với việc phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu du khách, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Theo đó, ngành du lịch của tỉnh đã xây dựng được biểu tượng du lịch với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa” làm cơ sở cho việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Thanh Hóa một cách nhất quán và chuyên nghiệp.
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch. Tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai việc số hóa và đưa vào sử dụng ứng dụng du lịch thông minh Smart Travel tại 9 khu, điểm du lịch nhằm hỗ trợ quảng bá, giúp khách du lịch tìm hiểu thông tin và trải nghiệm các điểm đến; triển khai thực hiện quảng bá du lịch trên các nền tảng số
facebook, fanpage, tiktok. Toàn tỉnh cũng đã số hóa được 71 khu, điểm du lịch, 65 cơ sở lưu trú du lịch, 50 bộ hồ sơ công ty lữ hành và 20 hồ sơ quy hoạch du lịch lên phần mềm ứng dụng quản lý khai thác và cơ sở dữ liệu du lịch tỉnh Thanh Hóa và đăng được 850 tin, bài ảnh quảng bá về du lịch Thanh Hóa trên website du lịch tỉnh Thanh Hóa. Hiện, UBND tỉnh đang giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Dự án Xây dựng Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, công tác xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và ngoài nước được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, đơn vị trong nước. Tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí các tỉnh, thành phố về khảo sát, xúc tiến đầu tư, kết nối các tour tuyến, sản phẩm du lịch Thanh Hóa. Cùng với đó, các cấp, ngành trong tỉnh cũng phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức xúc tiến du lịch tại thị trường Đài Loan; tỉnh Thanh Hóa cũng đã có các chuyến thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Qua đó, góp phần đưa hình ảnh du lịch Thanh Hóa đi xa hơn đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/day-manh-quang-ba-tao-dot-pha-nbsp-cho-du-lich-phat-trien-230431.htm