Với tình hình giá gạo trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp, Sở Công Thương Thanh Hóa đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) sản xuất và các siêu thị, đại lý phân phối thóc, gạo trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch vừa để bình ổn giá cả mặt hàng gạo, vừa đảm bảo đủ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán.
Công ty CP Thương mại Sao Khuê đảm bảo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngay từ cuối tháng 7, giá nhiều loại gạo trong tỉnh đã tăng từ 10 – 20%, tuy nhiên mức tiêu thụ và đầu ra của sản phẩm được một số DN, đại lý và siêu thị đánh giá vẫn cao. Tình trạng thu mua ồ ạt, tạo làn sóng “khan hàng” giả để đẩy giá không xảy ra.
Ghi nhận tại một số đại lý bán lẻ gạo trong tỉnh, giá nhiều loại gạo đã tăng theo giá gạo xuất khẩu, đỉnh điểm là đầu tháng 8 có loại còn tăng giá theo ngày, trung bình từ 20 – 30 nghìn đồng/10 kg, tăng khoảng 15%. Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ đại lý gạo Hoa Châu (TP Thanh Hóa) cho biết: “Ban đầu khi nắm được tình hình chung về giá gạo tăng, tôi cũng lo lắng. Sợ rằng nhiều nơi sẽ dựa vào lý do này để thổi giá cũng như găm hàng, kéo theo hệ lụy chung cho toàn ngành. Mặt khác, nếu giá gạo tăng bất ngờ, sức mua ít nhiều cũng sẽ bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của cửa hàng… Tuy nhiên, sau một thời gian “nghe ngóng”, dù giá gạo liên tục “nhảy múa”, nhưng sức mua của người dân không hề giảm mà ngược lại còn tăng hơn trước”. Tại cửa hàng của chị Hoa, giá gạo có tăng nhưng đến thời điểm hiện tại đã được điều chỉnh với mức giá phù hợp. Cụ thể, giá gạo Jasmine 85 tăng từ 13.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg; gạo tám Thái từ 12.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; gạo Bắc Thơm từ 11.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg…
Khảo sát thêm tại một số chợ truyền thống, phần lớn mức tăng giá chủ yếu ở loại gạo tẻ bởi đây là loại gạo phổ thông được người dân chọn lựa nhiều nhất vì chất lượng nhỉnh hơn so với tầm giá, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Còn lại một số loại gạo nếp, gạo lứt giá cả vẫn giữ ở mức ổn định. Gạo nếp cái hoa vàng giao động từ 28.000 đồng đến 30.000 đồng/kg; gạo nếp cái hoa sen từ 22.000 đồng đến 27.000 đồng/kg; gạo nếp cái hoa cau từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg và gạo lứt có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Trước tình hình giá gạo có xu hướng tăng, một số DN chế biến lúa gạo đã chủ động trước được nguồn cung nên không gặp quá nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên để ổn định, các DN cũng phải mất một thời gian để đổi lại cách thức vận hành sao cho phù hợp với tình hình hiện tại. Đơn cử như Công ty CP Thương mại Sao Khuê, dù luôn là DN nhập nguyên liệu với số lượng lớn nhưng có thời điểm giá gạo tăng đã kéo theo giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng khiến DN gặp khó. Có thời gian, nguyên liệu đầu vào bị thiếu, không đủ cung ứng sản phẩm đầu ra cho thị trường. Tại thời điểm đó, công ty đã chuyển sang các loại gạo quê với giá thành rẻ hơn để chờ thị trường ổn định. Nói về nguyên nhân giá gạo tăng, ông Nguyễn Công Dương, Phó giám đốc Công ty CP Thương mại Sao Khuê, chia sẻ: Tình hình thời tiết bất lợi như nóng lên toàn cầu hay hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh… đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng lúa. Đây cũng chính là nguyên nhân giá nguyên liệu đầu vào tăng, từ đó giá thành sản phẩm cũng tăng theo. Ngoài ra, giá phân bón và xăng dầu tăng khiến việc vận chuyển lúa, gạo bị ảnh hưởng, vì vậy buộc giá thành sản phẩm phải tăng mới bù được vào những chi phí khác. Đến nay, lượng đơn đặt hàng và lượng hàng xuất ra thị trường của công ty đã bằng thời điểm trước khi giá gạo tăng, trung bình 1 tháng xuất bán được 3.000 tấn gạo.
Để đảm bảo bình ổn nguồn cung các mặt hàng lúa gạo, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã yêu cầu các DN chế biến, DN phân phối chủ động phương án sản xuất, thu mua, dự trữ, bảo đảm nguồn hàng.
Bài và ảnh: Chi Phạm