Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với các nội dung dự thảo luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Các quy định mới được sửa đổi, bổ sung cơ bản giải quyết được các bất cập trong thực tiễn, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và xu hướng cải cách thuế của quốc tế.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai)
Về mức thuế suất, dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%. Thảo luận về vấn đề này, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, khi Quốc hội và Chính phủ bàn những lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp thì không thể ban hành một chính sách nào để gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, bởi trên hết sẽ hướng tới chính sách tốt nhất cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, việc áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bởi doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ không bị ảnh hưởng và sẽ góp phần giảm được giá bán của phân bón.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) thống nhất với phương án Chính phủ trình, nêu rõ, quy định như vậy sẽ hỗ trợ sản xuất trong nước, tạo cơ hội đầu tư phát triển, nâng cao công nghệ, tạo công ăn việc làm, tự chủ về phân bón, góp phần bảo đảm an ninh, lương thực. Doanh nghiệp trong nước được khấu trừ đầu vào 5% bảo đảm tối ưu chi phí, cơ hội giảm giá khi bán cho nông dân, nông nghiệp, tạo sự bình đẳng trong sản xuất kinh doanh với hàng hóa nhập khẩu hiện nay.
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa)
Còn ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, việc áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón chính là việc cùng lúc chúng ta thực hiện được mục tiêu mở rộng cơ chế thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất; đồng thời, phục hồi hỗ trợ sản xuất trong nước. Về dài hạn sẽ tạo sự bền vững, ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước được phát triển, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng phân bón. Như vậy, người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được hưởng lợi từ việc thay đổi này.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc không quy định mặt hàng phân bón chịu thuế VAT 5% do lo ngại ảnh hưởng đến nông dân, gia tăng chi phí và giá thành của sản xuất nông nghiệp.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc
Cùng quan điểm với các ý kiến của các đại biểu, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh và thống nhất với đề xuất của Chính phủ chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%.
Đại biểu cho biết việc sửa đổi thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, diễn ra từ năm 2014, đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước do không được khấu trừ thuế đầu vào, tác động đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và cản trở đầu tư vào công nghệ mới. Ngược lại, phân bón nhập khẩu lại được hưởng lợi từ chính sách thuế hiện tại.
Nếu không khắc phục tình trạng này, ngành sản xuất phân bón trong nước có nguy cơ tiếp tục gặp khó khăn và suy giảm như giai đoạn 2015-2020. Việc áp dụng thuế VAT đầu ra sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính và tăng cường đầu tư.
Đại biểu nhấn mạnh rằng ngành phân bón rất quan trọng cho an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, và việc chuyển đổi chính sách thuế sẽ mang lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Cần có các chính sách thuế hỗ trợ ngành này phát triển bền vững, nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Huy Tùng
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/dc166545-2e63-4b88-9748-02a1c3d91ca0