Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Thanh Hóa. Trong khi một số ý kiến cho rằng du lịch xanh là xu hướng phát triển hậu COVID-19 thì một số ý kiến lại khẳng định rằng việc thúc đẩy du lịch xanh chính là xây dựng mô hình du lịch tương lai bền vững.
Di sản văn hóa – nguồn lực nội sinh thúc đẩy phát triển du lịch xanh của xứ Thanh (Trong ảnh: Du khách tham quan Khu Di tích lịch sử Lam Kinh). Ảnh: Hoài Anh
Khi du lịch phát triển “nóng”
Được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa có tới 102km đường bờ biển, với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Bãi Đông… Cùng với đó là những thắng cảnh nổi tiếng đã, đang được kiến tạo trở thành “điểm đến xanh”, hấp dẫn du khách như: Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Quan Hóa, Bá Thước), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), thắng cảnh Hàm Rồng – sông Mã (TP Thanh Hóa)… Đáng chú ý hơn cả, Thanh Hóa là nơi hội tụ không gian văn hóa đa sắc màu của 7 dân tộc anh em gồm Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú, với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc còn lưu giữ nguyên giá trị. Tất cả là những “chất liệu” quý giá, là động lực nội sinh để tỉnh Thanh Hóa phát triển đa dạng sản phẩm du lịch xanh và nâng tầm thương hiệu “Hương sắc bốn mùa”.
Thực tế, những năm gần đây, các sản phẩm du lịch của tỉnh như: nghỉ dưỡng biển, văn hóa – lịch sử – tâm linh, sinh thái cộng đồng, nông nghiệp, trải nghiệm, thể thao – mạo hiểm… ngày càng khẳng định sức hút với du khách bởi không gian xanh, trải nghiệm xanh của điểm đến và “chuyển đổi xanh” trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã đón gần 14,5 triệu lượt khách, đạt 104,7% kế hoạch năm; doanh thu ước đạt gần 32 nghìn tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh vượt mục tiêu đón khách cả năm chỉ trong 9 tháng. Tuy vậy, việc tăng trưởng “nóng” ở một số trọng điểm du lịch của tỉnh cũng cho thấy những mặt trái, khi lượng khách quá tải ở những tháng cao điểm du lịch hè đã, đang đe dọa đến tính bền vững của môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học.
Hiện nay, ở hầu hết các khu vực ven biển, do hoạt động du lịch phát triển mạnh có nguy cơ đe dọa đến môi trường tự nhiên, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và suy thoái môi trường. Theo Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn, vào mùa du lịch cao điểm (tháng 5 đến tháng 8), ước tính mỗi ngày người dân và du khách dùng từ 60 – 120kg túi nilon và có nguy cơ xả thẳng ra các khu vực ven biển. Có thời điểm, tổng lượng rác thải lên tới 150 tấn/ngày. Trong khi tỷ lệ thu gom chất thải rắn hiện chỉ đạt khoảng 80 – 90%, thậm chí vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ này còn thấp hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số loại rác thải nhựa như: túi nilon, hộp xốp, chai nhựa, ống hút nhựa, bàn chải, lược… cần ít nhất 100 – 200 năm mới có thể phân hủy…
Với lợi thế đường bờ biển dài, cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông thuận tiện, lượng khách đến các khu du lịch biển Thanh Hóa trong những năm gần đây ngày càng tăng một cách “đột biến”, chiếm khoảng 70% tổng lượng khách toàn tỉnh mỗi năm. Thực trạng trên đang khiến nhiều địa phương như TP Sầm Sơn, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước do lượng rác thải lớn và khó có thể phát triển du lịch xanh trong một tương lai gần.
“Chìa khóa” cho du lịch phát triển bền vững
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh…), phát triển sản phẩm du lịch xanh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành chính sách và nhiều hoạt động liên quan đến du lịch xanh như: Ban hành Bộ tiêu chí “Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh”; tổ chức “Tuần văn hóa Du lịch di sản xanh – Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”…
Bãi biển Sầm Sơn – điểm đến “nóng” dẫn đầu lượng khách toàn tỉnh.
Tại tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây đã, đang khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển du lịch xanh, trọng tâm là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cộng đồng, văn hóa, thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp… Với quan điểm nhất quán là “không đánh đổi môi trường”, phát triển du lịch phải hướng tới sự bền vững, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội.
Tuy nhiên, khi được hỏi “phát triển du lịch xanh là xu hướng hay yêu cầu tất yếu?”, một số ý kiến nhận định rằng đó là xu hướng. Đại diện một điểm du lịch nông trại tại huyện Đông Sơn cho rằng, trước mắt họ phát triển du lịch xanh nhằm bắt kịp xu hướng và đáp ứng nhu cầu của du khách. Với nguồn vốn hạn hẹp, việc phát triển du lịch xanh ở thời điểm hiện tại giúp họ tận dụng được tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan hiện có để kiến tạo nên một điểm đến xanh, phục vụ nhu cầu ăn uống, tham quan, check-in. Tuy nhiên, trong tương lai điểm đến hoàn toàn có thể được đầu tư xây dựng quy mô hơn, hiện đại hơn và chuyển đổi sang hình thức kinh doanh du lịch theo hướng khác để bắt kịp xu hướng mới.
Thực tế cho thấy, một số mô hình du lịch xanh hiện nay ra đời nhằm bắt kịp xu hướng, với định hướng chiến lược chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, theo báo cáo du lịch bền vững năm 2023 của Booking.com cho biết, trên toàn cầu có tới 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ. Còn tại Việt Nam, 75% du khách cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận và 83% du khách bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi.
Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, du lịch xanh trước hết là yêu cầu thiết yếu từ chính du khách, bởi họ ngày càng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống trong mỗi chuyến đi. Và thực tế cũng đã chứng minh, các sản phẩm du lịch xanh, điểm đến xanh ngày càng được đông đảo du khách lựa chọn và đánh giá cao.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng cho biết: “Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa của tỉnh, việc phát triển du lịch xanh được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành “công nghiệp không khói” trong tình hình mới. Với những “liên kết xanh”, hay “hành lang an toàn đón khách” trong thời điểm du lịch “đóng – mở” do dịch COVID-19 và giai đoạn phục hồi cũng đã chứng minh rằng “du lịch xanh” có sức hút vô cùng lớn, là yêu cầu tất yếu để phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Chỉ khi có một nền tảng “du lịch xanh”, du lịch Thanh Hóa mới vừa có thể bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra về tăng trưởng lượng khách, doanh thu, mặt khác giảm thiểu tác động đến môi trường, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững”.
Hoài Anh
Bài 2: Áp lực với những cơ sở tiên phong “chuyển đổi xanh”
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-du-lich-xanh-chuyen-khong-de-bai-1-la-lua-chon-hay-yeu-cau-tat-yeu-228854.htm