Chương trình nghệ thuật “Quê Thanh – Nghĩa Bắc – Tình Nam” tại Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và khánh thành khu lưu niệm đã để lại ấn tượng không bao giờ phai trong lòng đại biểu và đông đảo người dân. Với sự tham gia biểu diễn của gần 400 nghệ sĩ, diễn viên qua các trường đoạn diễn xuất liên tục biến hóa, chương trình đọng lại nhiều xúc cảm thiêng liêng…
Hình ảnh những người phụ nữ Nam bộ tiễn người thân lên đường ra đất Bắc.
Màn hoạt cảnh những người con của đất phương Nam, 70 năm trước đã cùng đồng đội, gia đình, bạn bè, người thân tập kết ra Bắc, đặt những bước chân đầu tiên trên cầu tàu cảng Hới, Sầm Sơn. Với nhiều lớp diễn có sự tương tác giữa nhân vật do diễn viên thể hiện với hình ảnh trên màn hình LED,… tạo cho khung cảnh tại Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trở nên lung linh, huyền ảo, sống động đa sắc màu.
Màn múa hát “Về với xứ Thanh”.
Hình ảnh những người phụ nữ Nam bộ tiễn chồng lên đường ra Bắc.
Chương trình nghệ thuật “Quê Thanh – Nghĩa Bắc – Tình Nam” gồm 3 chương. Trong đó, chương 1 tái hiện lại ký ức không bao giờ phai, vượt khó ươm mầm cách mạng của 70 năm về trước. Cuối năm 1954, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vinh dự là địa phương đầu tiên được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ giao nhiệm vụ đón tiếp, chăm sóc cán bộ, bộ đội và Nhân dân từ miền Nam tập kết ra Bắc. Địa điểm tập kết đầu tiên là Lạch Hới, Quảng Tiến, Sầm Sơn.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam chia tay người thân lên đường tập kết ra Bắc.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa nói chung thể hiện quyết tâm thực hiện tinh thần đùm bọc, “nhường cơm, sẻ áo”, dành những gì tốt nhất, bằng tất cả tấm lòng và tình cảm thân thương, ruột thịt cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam.
Cuộc chuyển quân huyền thoại với những cuộc chia ly thiêng liêng và cảm động của hàng chục vạn gia đình.
Mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, chồng tiễn vợ, con tiễn cha, mẹ lên đường tập kết ra Bắc với tinh thần “Đi vinh quang, ở dũng cảm”… Cuộc chia ly và đón tiếp giữa nghĩa Bắc – tình Nam là sự kiện hằn sâu trong ký ức của cả một thế hệ, đánh dấu một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Hình ảnh người mẹ miền Nam tiễn con lên đường tập kết ra Bắc.
Màn múa hát tạo hình mang tính biểu tượng thể hiện dòng chảy của thời gian.
Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam hòa chung cuộc sống trên đất Bắc.
Chương 2 của chương trình nghệ thuật: Huyền thoại thời hoa lửa, là âm hưởng hoài niệm, nhớ thương của đồng bào chiến sĩ miền Nam nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống mới trên đất Bắc với tinh thần sống và chiến đấu cho cả 2 miền Nam – Bắc sum họp một nhà.
Màn biểu diễn tái hiện lại hình ảnh những người mẹ khi đến các nghĩa trang liệt sĩ tưởng nhớ về các con của mình đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chương 3: Nhịp sống trào dâng sắc mới là ký ức về cảng Hới nghĩa tình, nơi đã làm sâu sắc thêm chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Kế thừa và phát huy thành quả cách mạng trong 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cùng với cả nước tiếp tục giữ vững đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân, khơi dậy khát vọng cống hiến, phát huy hiệu quả các nguồn lực, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh và thịnh vượng.
Minh Hiếu
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/an-tuong-chuong-trinh-nghe-thuat-que-thanh-nghia-bac-tinh-nam-228800.htm