Trong số hàng nghìn trẻ em, thanh thiếu niên, phụ huynh, giáo viên tham gia STEAMese Festival 2024 để khám phá sức mạnh của giáo dục STEAM, có nhiều trẻ em gái hào hứng với sân chơi công nghệ này.
STEAMese Festival 2024 được tổ chức bởi STEAM for Vietnam, UNICEF, Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổ chức Scratch và ĐH Bách Khoa Hà Nội. Chương trình mang đến nhiều hoạt động vừa học vừa chơi nhằm khơi gợi sự tò mò, đổi mới và hợp tác.
Khoảng 2.500 trẻ em và thanh thiếu niên từ 8-16 tuổi đã tham gia các thử thách chính, bao gồm Mê cung mã hóa, Vương quốc Trí tuệ nhân tạo (AI), Thành phố Robot. Mỗi hoạt động đều được thiết kế để truyền cảm hứng cho kỹ năng giải quyết vấn đề, sáng tạo và làm việc nhóm. Những hoạt động này nhấn mạnh các kỹ năng và năng lực quan trọng để giúp các em thích ứng, định hình và có cái nhìn về một tương lai sáng tạo hơn.
Cùng mẹ đến tham dự sự kiện STEAMese Festival 2024, nữ sinh lớp 7 Đàm Ngọc Ngân Giang (trường THCS Nguyễn Quý Đức, Hà Nội) rất háo hức, mong chờ được trải nghiệm các hoạt động về công nghệ. Khi thấy diễn giả giới thiệu về robot, Ngân Giang cảm thấy rất phấn khích. Em ngay lập tức lấy điện thoại quay lại con robot đó.
Ngân Giang cho biết, ngày bé, khi xem ti vi, thấy robot có nhiều ứng dụng trong cuộc sống, em đã rất say mê robot và tự tìm kiếm, học hỏi những kiến thức về lập trình. Hiện tại, chế tạo ra robot là ước mơ lớn nhất của em. “Gần nhà em có một người bạn tự kỷ. Em muốn chế tạo ra con robot để có thể làm bạn với trẻ em, để các em không bị các vấn đề về tâm lý”, Ngân Giang hào hứng chia sẻ ước mơ của mình.
Từ năm học lớp 4, Ngân Giang đã viết được code và có thể “hack” được máy tính, tài khoản ngân hàng của mẹ. Từ năm lớp 6, Ngân Giang được mẹ cho đi học lập trình bài bản. Em đang viết phần mềm để xây dựng trang web hỗ trợ các bạn từ lớp 6 đến lớp 8 học các môn khoa học.
“Trước đây, em không giỏi các môn khoa học. Thế nhưng, từ ngày khám phá được phương pháp học, em thấy những môn này rất thú vị và dễ học. Em nhận ra, không có môn học nào khó, không có môn học nào chán, chỉ là do mình chưa tìm ra phương pháp học phù hợp. Chính vì vậy, em muốn tạo ra ứng dụng để giúp các bạn gặp khó khăn về môn khoa học, khiến các bạn trở nên yêu thích các môn học này”, Ngân Giang cho biết.
Theo Ngân Giang, hiện tại STEAM vẫn là khái niệm xa lạ với nhiều học sinh. “Nhiều bạn không biết STEAM nên luôn nghĩ STEAM khó và khô cứng, không có gì thú vị. Em tin, nếu các bạn học sinh được tiếp cận STEAM từ sớm, thì sẽ rất nhiều bạn yêu thích môn khoa học này”.
Tại các workshop của STEAMese Festival 2024, bên cạnh đông đảo các trẻ nam thì cũng có khá nhiều các bé gái bị cuốn hút, say mê bởi các sản phẩm công nghệ. Tham dự sự kiện này, Quỳnh Anh (lớp 7 trường THCS Hoàng Mai) quan tâm đến Sáng tạo nghệ thuật cùng GEN AI như Chỉ huy dàn nhạc AI, Sáng tạo giai điệu từ nét vẽ, Âm thanh hóa thành tranh vẽ…
“Em hay được bố rủ tham gia các sự kiện về STEAM. Bố muốn em được truyền cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế để khơi gợi trong em sự tò mò, yêu thích về các môn khoa học, công nghệ”, Quỳnh Trang chia sẻ.
Chia sẻ ý nghĩa của sự kiện STEAMese Festival 2024, bà Silvia Danailov – đại diện UNICEF Việt Nam nói: “Chúng ta cần đảm bảo rằng trẻ em và thanh thiếu niên được trang bị tốt hơn trong quá trình thế giới chuyển đổi. Các nhà tuyển dụng trên toàn Việt Nam đã nhận thấy rằng các kỹ năng chuyển đổi, như giải quyết vấn đề, giao tiếp và tư duy sáng tạo vẫn chưa có ở hầu hết các bạn trẻ mới tốt nghiệp- cả nam lẫn nữ. Việc nâng cao và đầu tư vào giáo dục STEAM và các kỹ năng chuyển đổi là một ưu tiên quan trọng cho Việt Nam và là một cam kết sâu sắc của UNICEF”.
Bà Silvia Danailov cho biết thêm: “Thông qua các đối tác, UNICEF đang đầu tư vào cơ hội học tập kỹ thuật số để chuẩn bị cho thanh thiếu niên Việt Nam sẵn sàng cho tương lai”.
“STEAMese Festival 2024 không chỉ là một chương trình sự kiện mà còn là sự khởi đầu của một chương mới với STEAM 2.0. Khi chúng ta bước vào tương lai cùng AI và công nghệ tiên tiến, sứ mệnh của chúng tôi là trao quyền cho giáo viên và truyền cảm hứng cho học sinh trở thành những nhà sáng tạo của ngày mai”, TS. Hùng Trần – nhà sáng lập STEAM for Vietnam – chia sẻ.