Với nhãn quan chính trị nhìn xa, trông rộng, ngày 4/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đặc phái viên vào TP Vinh (Nghệ An) mời Hoàng thân Xu-pha-nu-vông ra Hà Nội gặp gỡ. Cuộc tiếp kiến đó có tác động mạnh mẽ, quyết định con đường làm cách mạng của Hoàng thân, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thonglun Xixulít chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu cấp cao QTN và CGQS Việt Nam giúp Lào tại thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Lê Reo
Sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông trở về nước tham gia Chính phủ Kháng chiến Lào. Ngày 3/10/1945, hàng vạn người dân tỉnh Sa-va-na-khẹt tổ chức mít tinh chào đón Hoàng thân. Tại đây, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông tuyên bố: “Từ nay nước Lào là một quốc gia độc lập có chủ quyền ngang hàng với tất cả các dân tộc trên thế giới”. Hoàng thân nhấn mạnh “Quan hệ Lào – Việt Nam từ nay mở ra một kỷ nguyên mới…”.
Để giúp Chính phủ Lào xây dựng căn cứ và đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước tương trợ Việt- Lào, ký Hiệp định liên quân Lào – Việt. Đây là văn kiện pháp lý để hai nước thắt chặt quan hệ, đoàn kết, liên minh, chiến đấu chống kẻ thù chung.
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng Lào tại Sầm Nưa, tìm một số anh em Lào có tinh thần yêu nước, thành lập đội công tác xung phong đưa về Sầm Nưa xây dựng căn cứ và phát triển lực lượng kháng chiến. Đồng chí Cay-xỏn-phôn-vi-hẳn từ tuổi thiếu niên đến khi trưởng thành đã sống, học tập, rèn luyện trên đất Việt Nam, là sinh viên Trường Chu Văn An, Hà Nội, được giao nhiệm vụ thành lập, chỉ huy Đội xung phong Lào Bắc. Ngày 6/1/1949 đồng chí Cay-xỏn-phôn-vi-hẳn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Nhằm nâng cao tình đoàn kết, sức mạnh chiến đấu giữa các lực lượng quân sự Việt Nam với các lực lượng vũ trang cách mạng Lào theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Giúp bạn là tự giúp mình”, ngày 30/10/1949 Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định “Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng, lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc son lịch sử sáng chói, đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện (QTN) Việt Nam với hàng vạn lượt người nối tiếp nhau làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.
Từ ngày được mang danh nghĩa cao quý, QTN Việt Nam giúp Lào ngày càng phát triển lớn mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; chấp nhận vô vàn gian khổ, ác liệt, hy sinh, lăn lộn khắp mường xa, bản gần để xây dựng cơ sở chính trị, mở rộng và bảo vệ vùng giải phóng với hàng chục chiến dịch, hàng trăm trận đánh lớn, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên ngụy Lào, quân chư hầu, cố vấn Mỹ. Nổi bật là chiến dịch Nặm Thà (1962), Nặm Bạc (1963-1964), giải phóng Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (1964-1965), giải phóng Pha Thí – Sầm Nưa (1968), Kù Kiệt (1969-1971)…
Sau ngày thành lập nước CHDCND Lào, ngày 2/12/1975 toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Lào tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lúc đó, tình hình chính trị và an ninh của Lào bị đe dọa, quấy phá bởi các thế lực thù địch nước ngoài cấu kết với tàn quân ngụy Lào lưu vong quay trở lại phá hoại đời sống Nhân dân, bắt cóc, giết hại cán bộ… Theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và quân đội Nhân dân Lào, năm 1976, Đảng, Chính phủ và quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định cử Trung đoàn bộ binh 335 cùng lực lượng tinh nhuệ của Sư đoàn 324, Quân khu 4 kịp thời có mặt, chiến đấu cùng quân và dân Lào quét sạch hàng ngàn tên địch tại Phu Bia, Buôm Lọng (Viêng Chăn; Xiêng Khoảng), đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân Lào. Ngày 31/12/1987, QTN Việt Nam rút hết về nước, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang hơn 40 năm giúp cách mạng Lào.
Đi suốt cuộc trường chinh gần nửa thế kỷ, các thế hệ QTN và chuyên gia quân sự (CGQS) Việt Nam đã có 5 lần kề vai sát cánh với quân và dân Lào chống kẻ thù chung. Lần thứ nhất có mặt tại Lào từ tháng 10/1949, rút quân về nước ngày 16/6/1954 (gần 5 năm). Lần thứ hai có mặt ở Lào ngày 16/7/1954, rút quân về nước ngày 15/1/1958 (4 năm). Lần thứ ba có mặt ở Lào tháng 9/1959, rút quân về nước cuối năm 1962 (3 năm). Lần thứ tư có mặt tại Lào ngày 7/8/1963, rút quân về nước ngày 24/9/1975 (12 năm). Lần thứ năm có mặt ở Lào tháng 5/1976, rút quân về nước ngày 31/12/1987 (hơn 11 năm). Trước năm 1949 cũng đã có hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ QTN Việt Nam sang giúp nước bạn Lào.
Đi suốt chặng đường 50 năm giúp cách mạng Lào chống kẻ thù chung, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tiễn đưa hàng vạn lượt người con sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược trong đội hình các Sư đoàn 316, 324, 968, 678, Trung đoàn 217 công binh… Họ đã chấp nhận muôn vàn gian khổ, hy sinh, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đó, có nhiều cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc, được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, như Anh hùng Lò Văn Bường, xã Xuân Lẹ (Thường Xuân), Anh hùng Lê Văn Trung, xã Thiệu Ngọc (Thiệu Hóa)… Đã có hơn 4 vạn QTN Việt Nam hy sinh và gần 6 vạn thương, bệnh binh. Trong số liệt sĩ còn hàng ngàn hài cốt nằm lại trên đất nước Lào.
Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống QTN Việt Nam giúp Lào, Thanh Hóa đã thành lập Ban liên lạc QTN tỉnh Thanh Hóa với 4.600 hội viên tại 24 huyện, thị xã, thành phố và đoàn truyền thống tham gia. Ban liên lạc QTN Thanh Hóa là thành viên tập thể của Hội Hữu nghị Việt – Lào, thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thanh Hóa. Từ ngày thành lập đến nay đã 15 năm hoạt động, ban liên lạc đã tổ chức thành công 3 lần đại hội nhiệm kỳ. Trong 3 nhiệm kỳ qua, ban liên lạc thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống tinh thần và bảo vệ quyền lợi của hội viên; thực hiện kê khai và trao tặng huân, huy chương của Nhà nước Lào cho hơn 3.500 hội viên. Trong đó, có nhiều cán bộ, hội viên thực hiện tốt công tác đối ngoại Nhân dân, được nhận khen thưởng của Trung ương nước Lào, ban liên lạc toàn quốc và UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ghi nhận những chiến công và truyền thống vẻ vang của QTN và CGQS Việt Nam giúp Lào suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào đã trao tặng những phần thưởng cao quý như: Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (năm 1999); Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng Huân chương Vàng Quốc gia (năm 2009); Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” (năm 2019). Ngoài ra, hàng vạn lượt cán bộ, hội viên QTN và CGQS Việt Nam giúp Lào được Nhà nước Lào tặng Huân chương Ít-xa-la (Huân chương Tự do) và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống vẻ vang của QTN và CGQS Việt Nam giúp Lào, là dịp để ôn lại và vinh danh những công lao, cống hiến và hy sinh to lớn của các thế hệ QTN và CGQS Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đối với cách mạng Lào. Qua đó, tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, niềm vinh dự, tự hào của QTN để giữ gìn và vun đắp tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Đại tá Lê Hồng Ngoan
Trưởng Ban liên lạc QTN và CGQS Việt Nam giúp Lào tỉnh Thanh Hóa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/gin-giu-vun-dap-quan-he-dac-biet-viet-nam-lao-mai-mai-xanh-tuoi-doi-doi-ben-vung-228421.htm