Chiều 18/10, Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Bến En tổ chức Hội nghị tham vấn Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bến En đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” và Quảng bá, xúc tiến du lịch tại VQG Bến En năm 2024.
Các đại biểu tham dự hội nghị tham vấn Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bến En đến năm 20230, tầm nhìn đến 2045”.
Tiềm năng du lịch Bến En
VQG Bến En được thành lập theo Quyết định số 33/CT, ngày 27/1/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). VQG Bến En có tổng diện tích 14.305,09ha thuộc địa bàn 2 huyện Như Xuân, Như Thanh. Bến En không chỉ có cảnh quan rừng và hang động trên các dãy núi đá vôi; mà yếu tố tạo điểm nhấn cho bức tranh thiên nhiên nơi đây là hồ nước rộng gần 3.000ha và 21 hòn đảo, bán đảo được bao quanh bởi ba cánh cung núi đá, núi đất và rừng.
Các đảo trên hồ là nơi trú ngụ của các loài động thực vật phong phú, đặc biệt, có nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam 2007 và IUCN 2013… Đồng thời, sự kết hợp hài hòa giữa cấu trúc địa hình rừng, núi và hồ nước đã tạo cho Bến En một vùng tiểu khí hậu mát mẻ, thích hợp cho các hoạt động nghỉ ngơi, tham quan, vui chơi.
Cùng với nguồn tài nguyên tự nhiên nổi bật, trong vùng đệm của VQG Bến En còn có hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa như đền Khe Rồng, đền Phủ Sung, di tích Lò Cao kháng chiến Hải Vân; các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Từ Bến En có thể kết nối đến các di tích trên địa bàn huyện, tỉnh; du khách tham quan cảnh quan hồ và đa dạng sinh học bằng xuồng; các dịch vụ cắm trại, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ cũng là những hoạt động thu hút được sự quan tâm của du khách…
Ông Lê Công Cường, Giám đốc Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Bến En phát biểu tại hội nghị.
Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương và sự giúp đỡ của các đơn vị tư vấn, đến nay Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng VQG Bến En đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã cơ bản được định hình. Hội nghị tham vấn ý kiến của các chuyên gia sinh thái, du lịch cộng đồng, các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị du lịch lữ hành sẽ góp phần hoàn thiện đề án, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Phấn đấu trở thành điểm du lịch hấp dẫn
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện đơn vị tư vấn Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển thuyết trình Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng VQG Bến En đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Đề án với mục tiêu chung là VQG Bến En trở thành điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc riêng; tạo ra nguồn thu bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ và phát triển rừng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế; thúc đẩy tăng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước tạo bước đệm cho Vườn Quốc gia Bến En.
Lãnh đạo UBND huyện Như Thanh phát biểu tại hội nghị
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, tổng lượt khách ước đạt trên 100.000 lượt; khách lưu trú hơn 10.000 lượt (khách quốc tế khoảng 25%). Doanh thu từ dịch vụ du lịch trên 80 tỷ đồng (mức chi tiêu khoảng 800.000 đồng/ khách); lao động trực tiếp trên 500 người. Hoàn thành cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó đưa vào hoạt động ít nhất 30 cơ sở dịch vụ lưu trú và ăn uống tại các điểm du lịch. Hoạt động du lịch tại VQG Bến En được kết nối với tất cả các điểm đến khác trên địa bàn hai huyện Như Thanh, Như Xuân và tỉnh Thanh Hóa. Duy trì độ che phủ rừng trên 74% và bảo vệ môi trường hồ sông Mực.
Đến năm 2045, tổng lượt khách đạt 800.000 lượt, khách lưu trú trên 150.000 lượt (khách quốc tế 30%). Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 800 tỉ đồng tính theo thời giá hiện tại (bình quân chi tiêu 1.000.000 đồng/khách); số lao động trực tiếp lĩnh vực du lịch trên 2.000 người tại các doanh nghiệp trọng điểm, hợp tác xã và cơ sở du lịch tư nhân. VQG Bến En trở thành trung tâm du lịch lớn của tỉnh với các sản phẩm chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, góp phần xây dựng huyện Như Thanh thành thị xã du lịch theo Quyết định số 1664/QĐ-UBND, ngày 16/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Định hướng phát triển các loại hình du lịch trọng tâm như: Du lịch sinh thái (cắm trại trong rừng, ven hồ, du thuyền trên mặt hồ); du lịch vui chơi giải trí (cáp treo, công viên nước trên hồ, trò chơi); du lịch cộng đồng (văn hóa bản địa, ẩm thực); du lịch văn hóa – lịch sử (các di tích danh lam thắng cảnh địa phương); du lịch nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khỏe (nghỉ dưỡng, spa); du lịch thể thao, mạo hiểm (trên hồ, trong rừng); giáo dục môi trường (trồng cây). Đề án đã xác định các phân khu, điểm du lịch nội khu, ngoại khu; kết nối các tuor, tuyến, điểm với các địa phương lân cận như: Sầm Sơn, Nghi Sơn, Lam Sơn, và các khu du lịch lân cận trên địa bàn 2 huyện Như Thanh, Như Xuân… Đồng thời, định hướng lựa chọn và thuyết minh các điểm tham quan, du lịch.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá tổng quát điều kiện và hiện trạng hoạt động du lịch tại rừng đặc dụng VQG Bến En, cho ý kiến đánh giá, góp ý vào Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng VQG Bến En đến năm 20230, tầm nhìn đến 2045”, cũng như đề xuất các giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch tại Bến En, góp phần để Bến En trở thành điểm đến hấp dẫn, phát triển.
Các đại biểu đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các công ty du lịch lữ hành, Ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương, Phong Nha- Kẻ Bàng đề nghị VQG Bến En cần tiếp tục hoàn thiện về cơ sở vật chất, đẩy mạnh chiến lược truyền thông, tăng trải nghiệm dịch vụ; khai thác tiềm năng hiện tại, hướng đến phát triển du lịch xanh; chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, du lịch cần có sự tham gia của cộng đồng, cải thiện sinh kế; nâng cao nhận thức về môi trường, đa dạng sinh học cho du khách…
Đồng chí Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa cảm ơn sự tham gia góp ý của các đại biểu góp phần hoàn thiện để án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bến En đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đề án đi vào thực tiễn, hiệu quả, ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đề nghị Ban Quản lý VQG Bến En cần tiếp tục hoàn thiện đề án, trong lộ trình, mục tiêu đề ra trong đề án, nhất là các giải pháp về phát triển du lịch đảm bảo các quy định, quy chế trong công tác quản lý, bảo tồn sinh thái VQG; tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng…
Trong khuôn khổ của hội nghị tham vấn đề án, các đại biểu tham quan các điểm du lịch tại Bến En.
Một số hình ảnh về Bến En:
Khách du lịch tham quan Bến En tại đập Bến Mẫy
Du khách đi xuồng trên lòng hồ sông Mực
Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch Bến En
Bến En được ví như “Hạ Long” trên cạn của xứ Thanh
Bức tranh thiên nhiên đẹp ở Bến En, với nhiều hòn đảo lớn nhỏ
Trải nghiệm ở Bến En
Khám phá giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thuộc các xã vùng đệm VQG Bến En. Hình ảnh: Bà con dân tộc Thái xã Xuân Thái biểu diễn khua luống.
Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch Bến En
Ngọc Huấn
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tham-van-de-an-du-lich-sinh-thai-va-quang-ba-xuc-tien-tai-vuon-quoc-gia-ben-en-228008.htm