Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phục hồi diện tích cây trồng bị ngập, dựng lại cây trồng bị gãy đổ và thu hoạch diện tích lúa vụ mùa còn lại để giải phóng đất làm vụ đông.
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác khôi phục sản xuất tại huyện Yên Định.
Từ ngày 21 đến 25/9, do ảnh hưởng của bão số 4 và các hình thái thời tiết gây mưa lớn, 468ha rau màu các loại của huyện Thiệu Hóa ngập lụt. Những ngày này, trên các cánh đồng ở xã Thiệu Tiến, Thiệu Duy, Thiệu Thành, thị trấn Hậu Hiền, thị trấn Thiệu Hóa…, nông dân đang tất bật thu dọn ruộng đồng, trồng lại diện tích bị ngập úng và chăm sóc rau màu cho kịp thời vụ.
Ông Phạm Văn Việt ở thị trấn Hậu Hiền (Thiệu Hóa) cho biết: “Trong đợt mưa vừa qua gia đình tôi bị ngập nhiều diện tích rau màu. Sau khi nước rút, gia đình đã huy động nhân lực vệ sinh đồng ruộng, bón phân, vun xới đất để giúp cây trồng nhanh phục hồi”.
Nông dân xã Thiệu Duy (Thiệu Hóa) giải phóng đất làm vụ đông.
Tại huyện Thạch Thành, trải qua 2 trận lụt liên tiếp trong tháng 9/2024, hàng nghìn ha cây trồng bị thiệt hại. Cụ thể, trong cơn bão số 3, toàn huyện có 979ha lúa, 1.079,6ha mía, 87ha ngô và rau màu khác bị ngập. Cơn bão số 4 và mưa lũ cũng làm ngập 273,5ha lúa, 22,96ha rau màu, 456,98ha cây trồng hàng năm…
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành Bùi Thanh Hiếu cho biết: Sau khi nước rút, đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn huy động người dân tập trung thu hoạch diện tích lúa chín từ 80% trở lên theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ đông. Đến ngày 4/10, toàn huyện đã gặt được 3.674,5ha/4.528.7ha lúa. Một số diện tích lúa bị thiệt hại hoàn toàn không thu hoạch được bà con đang giải phóng đất gieo trồng vụ đông. Đối với diện tích mía và cây màu bị ngập úng, ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con tạo rãnh thoát nước, rửa lá làm sạch bùn đất và thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc phục hồi… Đồng thời, khuyến cáo bà con bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh của các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Người dân xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa) trồng ớt xuất khẩu vụ đông.
Từ đầu tháng 9 năm 2024 tới nay, tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng liên tiếp của 2 cơn bão (cơn bão số 3 và số 4) và nhiều đợt mưa lớn, lũ kéo dài gây ngập úng, gãy đổ hàng nghìn ha cây trồng các loại. Theo đó, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 2.446ha lúa, 639ha hoa màu, rau màu, 1.191ha cây trồng hàng năm, 14,5ha cây ăn quả… bị thiệt hại. Trong bão số 4 và mưa, lũ từ ngày 17 đến ngày 24/9, toàn tỉnh có 760ha lúa, 2.036ha hoa màu, rau màu, 1.255ha cây trồng hàng năm, 67ha cây ăn quả bị ngập, thiệt hại.
Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thời tiết gây ra, bảo vệ kết quả sản xuất vụ mùa năm 2024 và triển khai vụ đông năm 2024-2025, đến ngày 4/10, nông dân trong tỉnh đã huy động phương tiện, nhân lực thu hoạch được 133.945,3ha/154.629,42ha cây trồng vụ mùa, đạt 86,61% kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa toàn tỉnh đã thu hoạch 103.282,3ha/112.204,95ha, đạt 92,05% kế hoạch. Một số huyện đã thu hoạch cơ bản xong diện tích cây trồng vụ mùa, như: Yên Định, Đông Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Triệu Sơn…
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác khôi phục sản xuất tại huyện Vĩnh Lộc.
Với phương châm “sáng lúa, chiều cây màu vụ đông”, đến ngày 4/10 toàn tỉnh đã gieo trồng cây vụ đông được 15.178ha/47.000ha cây trồng các loại, đạt 32,3% kế hoạch. Một số huyện đã gieo trồng diện tích khá, như: Yên Định 2.083ha, Thọ Xuân 2.011ha, Nông Cống 1.427ha… chủ yếu là cây ngô, ớt, khoai lang, rau đậu, lạc…
Để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông năm 2024-2025 tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc…
Qua kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Văn Hiệp cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3, bão số 4 và mưa, lũ, các loại cây trồng vụ đông ưa ấm như cây ngô lấy hạt, cây đậu tương, cây ớt… cơ bản đã hết khung thời vụ gieo trồng tốt nhất. Mặc dù, gặp khó khăn trong giai đoạn đầu sản xuất vụ đông, nhưng đây cũng là cơ hội để mở rộng diện tích các loại cây rau màu ngắn ngày đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp.
Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cac-dia-phuong-tich-cuc-khoi-phuc-san-xuat-sau-mua-lu-226661.htm