Hướng tới kỷ niệm 70 năm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ lựa chọn là một trong những nơi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, sáng 2/10 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc – 70 năm sâu nặng nghĩa tình”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Toàn cảnh hội thảo.
Các đồng chí chủ trì hội thảo.
Các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy và TS Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, đại diện Ban liên lạc học sinh miền Nam của Trung ương, chủ trì hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo.
Dự hội thảo có Ban liên lạc học sinh miền Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các vụ, viện, trường đại học, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở Trung ương có bài tham luận tại hội thảo; đại biểu các tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban, đoàn thể, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; các nhà khoa học.
Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu đề dẫn hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của việc Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ quyết định lãnh đạo, chỉ đạo công tác đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc. Theo đó, cuối tháng 8/1954, sau đúng 1 tháng ký Hiệp định Giơnevơ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị, trong đó nêu rõ: “Cần tổ chức một cuộc tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng cho cán bộ và đồng bào ở địa phương về nghĩa vụ đón tiếp bộ đội, thương binh, cán bộ và đồng bào miền Nam ra… Phải làm cho cán bộ và nhân dân nhận thấy việc đón tiếp và giúp đỡ này là một nghĩa vụ và cũng là một vinh dự của mình. Cần có thái độ ân cần, chăm sóc, giúp đỡ như đối với anh chị em ruột thịt, càng không phải là có thái độ ban ơn, mà chính là phải có thái độ đối với những người có công đối với Tổ quốc, có công với bản thân mình và đã cùng mình chiến đấu gian khổ lâu nay”…
Có thể nói, đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân mang trong đó những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng – đào tạo đội ngũ cán bộ, chỉ phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sau này.
Sự kiện này chứng tỏ, Nhân dân hai miền Nam – Bắc luôn đoàn kết một lòng, sẵn sàng vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, dũng cảm trong xây dựng và chiến đấu, góp phần viết nên trang sử oanh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Thời điểm lịch sử ấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vinh dự là địa phương đầu tiên được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ giao, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tại các địa điểm: Sầm Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa… Địa điểm đầu tiên đón tiếp là Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn). Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã diễn ra chu đáo, thân tình, với tình cảm ruột thịt Bắc – Nam một nhà.
Từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, Thanh Hóa đã đón tiếp 7 đợt gồm 1.869 thương bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc. Tỉnh đã chỉ đạo Ty Thương binh mượn nhà dân để thành lập và tổ chức 12 trạm đón tiếp. Ngành y tế đã xây dựng một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn, 2 trạm y tế đặt ở 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), xây bệnh xá ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) để kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam. Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất đón tiếp, tỉnh đã chỉ đạo các huyện ủng hộ bằng vật chất để giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.
Ngay khi vừa đặt chân lên mảnh đất Sầm Sơn, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã được Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa tiếp đón bằng tất cả sự chân thành, yêu thương và tình cảm thương ruột thịt. Sống trong vòng tay yêu thương trên đất Bắc, hàng vạn người con phương Nam đã học tập, lao động, công tác, rèn luyện và chiến đấu. Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt; khi đêm về thì đau đáu nỗi nhớ quê, tìm đến nhau, thông báo từng mẩu tin nơi quê nhà, rồi lặng im nhìn nhau, đong đầy niềm thương nhớ. Đáp lại nghĩa tình sâu nặng của nhân dân Thanh Hóa và nhân dân miền Bắc, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết, đã coi Thanh Hóa, coi miền Bắc là quê hương thứ hai của mình, ra sức học tập, lao động, sản xuất, công tác, đóng góp nhiều thành tích vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Nhiều cán bộ, thương binh, bệnh binh, con em miền Nam sau khi dưỡng bệnh, học tập, rèn luyện, lại tự nguyện làm đơn lên đường nhập ngũ, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội vào miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Nhiều học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, sau này đã trở thành những “hạt giống đỏ”, trở thành những cán bộ cốt cán, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; nhiều người công tác ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều người trở thành các tướng lĩnh quân đội, công an; trở thành nhà giáo, y bác sỹ, nhà khoa học, nghệ thuật, doanh nhân thành đạt… đã có những cống hiến, đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Với truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc – 70 năm sâu nặng nghĩa tình”, là dịp để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhận thức sâu sắc và mãi khắc ghi một sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của đất nước; càng tự hào với truyền thống đoàn kết, yêu nước trong suốt hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc; tự hào với tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhận được gần 60 báo cáo tham luận của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí nguyên là con em, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các cơ quan, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Mỗi tham luận gửi đến hội thảo là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, tâm huyết của các tác giả, các tập thể, được tiếp cận từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau, từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng tất cả đều khẳng định chủ trương, đường lối vô cùng sáng suốt, đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu đối với cuộc chuyển quân này; khẳng định những đóng góp to lớn cả về tinh thần và vật chất của các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung, đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đồng thời, khẳng định tình cảm sâu sắc của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đối với Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và Nhân dân các tỉnh miền Bắc.
Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận làm sáng rõ hơn tình hình quốc tế, khu vực và đất nước trong bối cảnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, để làm sâu sắc thêm tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc để đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc sau này. Đây cũng chính là một luận điểm khoa học sâu sắc về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và trong mọi hoàn cảnh.
Cùng với đó, làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tại thời điểm địa phương còn muôn vàn khó khăn, nhưng đã lãnh đạo, chỉ đạo, vận động quân và dân trong tỉnh với tinh thần đoàn kết, cách mạng, sẻ chia, đã huy động cao nhất cả về tinh thần và vật chất, để đón tiếp, chăm sóc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, ngay từ những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất Thanh Hóa.
Làm rõ thêm những tình cảm sâu nặng của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đối với Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói riêng và miền Bắc nói chung. Sự trưởng thành và những đóng góp của các thế hệ học sinh, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Báo Thanh Hóa điện tử tiếp tục cập nhật…
Minh Hiếu
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cap-nhat-hoi-thao-khoa-hoc-thanh-hoa-voi-dong-bao-can-bo-chien-si-va-hoc-sinh-mien-nam-tap-ket-ra-bac-70-nam-sau-nang-nghia-tinh-226434.htm