Các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo và có nhiều đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, xúc tiến du lịch. Từ đó, góp phần đưa hình ảnh du lịch Thanh Hóa đi nhanh và đi xa hơn đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Nhờ đẩy mạnh quảng bá du lịch qua nền tảng số, du khách đến tham quan tại Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) ngày càng đông.
Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), cho biết: Việc đổi mới phương thức, nội dung, tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch mang lại nhiều lợi ích, đó là vừa hệ thống hóa các cơ sở dữ liệu, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp; đồng thời, cũng đưa du lịch tiếp cận được nhiều thị trường, khách hàng tiềm năng hơn. Do đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã lập website http//www.thanhnhaho.vn. Đồng thời, phát động phong trào thi đua trong toàn thể cán bộ viên chức, người lao động tham gia tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản Thành Nhà Hồ trên website http//www.thanhnhaho.vn và các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook; tập trung vào một số nội dung như, nghiên cứu chụp ảnh, làm các video, clip, câu chuyện, thông tin, đăng tải các hình ảnh đẹp về di sản, điểm check-in ấn tượng, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh di sản dưới nhiều góc độ khác nhau để làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng; giới thiệu các di tích phụ cận; cập nhật thông tin, hoạt động, điểm mới của di sản; các sản phẩm OCOP và các sản vật đặc trưng trên quê hương Vĩnh Lộc… Phấn đấu số lượt truy cập trên website của Thành Nhà Hồ mỗi năm tăng thêm 30%.
Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng và duy trì có hiệu quả ứng dụng tham quan 3D di sản trên webside http//www.thanhnhaho.vn. Với ứng dụng này, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại thông minh là du khách có thể khám phá được toàn bộ Thành Nhà Hồ, từng di tích, hiện vật cụ thể như, các bức tường thành, hào thành, các cổng thành… Cũng nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch mà trong thời gian qua số lượng khách biết và tìm đến tham quan, khám phá Thành Nhà Hồ ngày càng tăng cao.
Hiện nay, công nghệ cũng chính là “cầu nối” giúp các doanh nghiệp du lịch tăng cường liên kết tương tác với du khách, hình thành nên các tour, tuyến mới. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đều tận dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch. Nhiều cơ sở lưu trú (nhất là khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao) còn tích cực tham gia vào hệ thống online của các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài như agoda.com, booking.com, traveloka.com…
Anh Đỗ Hữu Phước, Quản lý Khu du lịch Puluong Natura (Bá Thước), cho biết: Ứng dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm du lịch giúp thu hút du khách hiệu quả, mở rộng thị trường, tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Trong khi các cách thức truyền thông, quảng bá cũ đã bắt đầu đi vào lối mòn, lạc hậu thì việc tiếp cận, khai thác “mảnh đất vàng” này là vô cùng cần thiết. Do đó, trong những năm qua Puluong Natura đã tích cực quảng bá du lịch trên nền tảng số, như facebook, youtube hay tiktok. Hiện tại trang facebook Puluong Natura do đơn vị thành lập đã thu hút được 21 nghìn lượt người theo dõi và tương tác thường xuyên. Tại trang này, chúng tôi liên tục đăng tải hình ảnh về khu du lịch Puluong Natura, cũng như các địa điểm du lịch tại Pù Luông, cách đặt phòng, địa điểm ăn uống,
check- in, phương tiện và cách di chuyển… Các bài viết đều kèm video, hình ảnh minh họa sinh động để thu hút du khách like và chia sẻ. Cũng nhờ đẩy mạnh quảng bá du lịch trên nền tảng số mà hình ảnh du lịch của Puluong Natura ngày càng được du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn, và cũng tìm đến tham quan, lưu trú nhiều hơn.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch qua nền tảng số cũng là cách làm mà Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã và đang chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh thực hiện mang lại hiệu quả cao. Thời gian qua, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện để tuyên truyền, thông tin về các địa danh lịch sử, “địa chỉ đỏ” để xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, góp phần cùng toàn tỉnh số hóa được 156 di tích lịch sử – văn hóa. Trong đó, nổi bật là các công trình thanh niên như, “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử văn hóa” tại Khu di tích lịch sử hang Co Phương, xã Phú Lệ (Quan Hóa); “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử – văn hóa”, tại Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông và Cụm di tích lịch sử đình Hàm Hạ (Đông Sơn)… Khi du khách đến các di tích này chỉ cần một thao tác quét mã QR bằng điện thoại thông minh là sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin và hình ảnh về di tích đó. Việc số hóa di tích mà các cấp bộ đoàn trong tỉnh đang thực hiện cũng chính là cầu nối đưa các di tích lịch sử, văn hóa đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương tới đông đảo bạn bè, du khách.
Có thể thấy rằng, quảng bá du lịch qua nền tảng số không chỉ hiệu quả, nhanh chóng mà còn có chi phí thấp, thậm chí là “miễn phí” nếu các đơn vị quản lý biết cách khai thác và tận dụng tối đa tiềm năng của các trang mạng xã hội, website, nền tảng trực tuyến. Bởi vậy, thời gian qua ngành du lịch trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, sử dụng các tiện ích nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, là đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các trang mạng xã hội, tiếp nhận thông tin phản hồi của du khách. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả dự án xây dựng cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa; dự án duy trì hoạt động hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý các hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa… Từ đó, góp phần đưa du lịch Thanh Hóa ngày càng phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/doi-moi-cong-tac-quang-ba-du-lich-trong-thoi-dai-cong-nghe-so-226017.htm