Chiều 12/9, Thường trực Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị thống nhất cơ chế phối hợp trong tham mưu, chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng ngừa, giải quyết các vụ việc tập trung đông người khiếu kiện gây mất an ninh, trật tự (ANTT). Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ; Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh; Lê Anh Xuân, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hoá; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo 16 huyện, thị xã, thành phố; Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn TP Thanh Hoá.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Thời gian qua, Thường trực Tỉnh uỷ đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ngành, MTTQ, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết khiếu kiện đông người, phức tạp trong Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành chức năng đã làm tốt công tác tiếp dân định kỳ, đột xuất, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe các vấn đề Nhân dân kiến nghị, phản ánh; trực tiếp đối thoại với người dân trong các vụ việc phức tạp để giải quyết các vấn đề Nhân dân bức xúc dẫn đến khiếu kiện. Từ năm 2023 đến nay, người đứng đầu cấp uỷ đảng các cấp đã tiếp 3.245 lượt người về 1.812 vụ việc…
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố ngày càng được quan tâm hơn, bảo đảm việc thường xuyên, kịp thời giải thích, hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý đơn theo quy định; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện chặt chẽ, xử lý hiệu quả các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh với nhau và với cấp uỷ, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong phòng ngừa, giải quyết khiếu kiện được thực hiện chặt chẽ.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ khó khăn, vướng mắc, bất cập, những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, phối hợp, giải quyết các vụ việc tiềm ẩn, đang xảy ra khiếu kiện; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương, đơn vị; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phòng ngừa, giải quyết khiếu kiện, tập trung đông người trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lại Thế Nguyên nêu rõ: Thanh Hóa là tỉnh lớn, dân số đông, địa bàn rộng, trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhiều dự án lớn; dự án có tính trọng điểm quốc gia, vùng, trọng điểm của tỉnh được triển khai… song tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh rất ổn định; tuy có các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp xảy ra, song với tính chất của tỉnh lớn, đang phát triển kinh tế, thu hồi đất triển khai các dự án lớn… thì những vụ việc vẫn nằm trong sự kiểm soát của cấp ủy, chính quyền các cơ quan bảo vệ pháp luật trong tỉnh.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị.
Công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó nhận thức của các cấp, các ngành về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân ngày càng được nâng lên; coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.
Trách nhiệm tiếp dân định kỳ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã trở thành nền nếp và được chấp hành nghiêm túc, trở thành công việc thường xuyên của các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Cấp ủy, chính quyền đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung giải quyết các vụ việc khiếu kiện, tố cáo theo thẩm quyền; tình trạng đùn đẩy, né tránh đã được khắc phục cơ bản; đơn thư vượt cấp cũng giảm đáng kể.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lại Thế Nguyên phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đã tập trung chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định tình hình ở cơ sở; công tác hòa giải trong giải quyết KNTC được quan tâm và phát huy. Các vụ việc khiếu kiện có tính chất phức tạp, tập trung đông người, vượt cấp ở một số địa phương đã được các ngành của tỉnh vào cuộc chủ động, quyết liệt, phối hợp hướng dẫn cấp ủy chính quyền có giải pháp ngay từ đầu nên tình hình được kiểm soát, đảm bảo ANTT tại các địa bàn và toàn tỉnh.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đã nêu lên những vấn đề đặt ra trong công tác giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh thời gian tới; đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp mà trước hết là đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu các ngành, lĩnh vực phải chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân; và phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu các ngành, cơ quan đơn vị phải trực tiếp tiếp dân và phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết KNTC của công dân trên địa bàn, cơ quan, đơn vị mình phụ trách và chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về công tác này. Phải thực hiện thật nghiêm lịch tiếp công dân theo định kỳ, để lắng nghe Nhân dân phản ánh những tâm tư, bức xúc, những kiến nghị, đề xuất để giải quyết kịp thời. Gắn việc tiếp công dân với chỉ đạo, giải quyết dứt điểm KNTC của công dân và theo dõi, đôn đốc vụ việc đến cùng, đến khi có kết quả. Cùng với tiếp công dân, nên đối thoại với người dân, vận động, thuyết phục người dân thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước, chính sách của tỉnh, của địa phương.
Khi phát sinh KNTC tại cơ quan, đơn vị, địa phương, các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, cơ quan có thẩm quyền giải quyết một cách khách quan, đúng luật, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm; giải quyết thấu tình, đạt lý những phản ánh, kiến nghị của công dân.
Bất cứ KNTC của người dân nào cũng đều phải thụ lý xem xét, giải quyết, không được đùn đẩy, né tránh gây bức xúc, căng thẳng trong dân. Khi phát sinh KNTC đông người, phức tạp, đồng chí Bí thư cấp ủy, đồng chí Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu cơ quan đơn vị trực tiếp chỉ đạo làm rõ nội dung, nguyên nhân, xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý và tình hình thực tiễn để chỉ đạo giải quyết. Đồng thời phải tổ chức đối thoại công khai với người KNTC để lắng nghe và để có thêm thông tin chỉ đạo giải quyết vụ việc bảo đảm thấu tình, đạt lý.
Để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải quyết có hiệu quả công tác KNTC trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp, có nguy cơ phát sinh thành điểm nóng để nghiên cứu cụ thể, thấu đáo từng vụ việc trên cơ sở quy định của pháp luật để tham mưu giải quyết dứt điểm, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường…
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nắm chắc tình hình, chỉ đạo xử lý nghiêm những hành động quá khích, kích động khiếu kiện tập trung đông người, kích động gây rối, chống người thi hành công vụ trong các vụ khiếu kiện đông người, nhất là các vụ việc có nguy cơ trở thành điểm nóng về ANTT. Đồng thời, chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm tình hình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người ở địa phương, không để bị động, bất ngờ; ngăn chặn kịp thời các âm mưu kích động của các phần tử xấu lợi dụng khiếu kiện để chống phá cấp quỷ, chính quyền; gây mất ANTT tại địa phương. Cùng với đó có giải pháp để giải quyết tình trạng nhiều người liên kết để đi khiếu kiện đông người, vượt cấp.
MTTQ và các tổ chức chính trị phải tăng cường hoạt động giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; giám sát việc giải quyết KNTC đối với các vụ việc mà MTTQ và các tổ chức chính trị chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, MTTQ và các đoàn thể cũng phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định trong giải quyết KNTC, chấp hành pháp luật về KNTC, không tụ tập đông người, không nghe xúi giục, kích động. Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân; chấm dứt KNTC không đúng sự thật, cố tình không chấp hành quy định giải quyết KNTC khi đã đúng pháp luật.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn cung cấp thông tin các vụ việc KNTC một cách chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan, góp phần định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nêu rõ: Cơ chế phối hợp giải quyết phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp uỷ đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ cấp uỷ và Thường trực cấp uỷ. Trong đó cơ quan nội chính, cơ quan công an, thanh tra là nòng cốt tham mưu, phối hợp giải quyết và đảm bảo tình hình; đồng thời có sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức thành viên.
Quốc Hương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phoi-hop-phong-ngua-giai-quyet-khieu-kien-dong-nguoi-phuc-tap-224663.htm