Xác định vai trò quan trọng của công tác phát triển doanh nghiệp cũng như xem doanh nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua huyện Thường Xuân đã triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Công nhân Công ty TNHH South Fame Garments Limited (thị trấn Thường Xuân) trong ca sản xuất.
Được tạo điều kiện của chính quyền địa phương về đất đai và các thủ tục pháp lý khác, Công ty TNHH South Fame Garments Limited đóng trên địa bàn thị trấn Thường Xuân là công ty may có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên và lớn nhất đặt tại huyện Thường Xuân. Với số vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, công ty có 3 xưởng sản xuất và 2 kho hàng, chuyên may các sản phẩm len xuất khẩu sang thị trường Âu – Mỹ, Nhật Bản… Từ khi đi vào hoạt động, công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động địa phương và các huyện lân cận với mức thu nhập trung bình từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng. Từ khi đầu tư sản xuất vào năm 2020 đến nay, công ty luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương để công ty ổn định sản xuất.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện Thường Xuân đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền thân thiện theo phương châm xem doanh nghiệp là “người bạn đồng hành”. Theo đó, huyện đã đầu tư quy hoạch, xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo thuận lợi về mặt bằng để các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành nghề có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 cụm công nghiệp, gồm: Cụm Công nghiệp thị trấn Thường Xuân và Cụm Công nghiệp Khe Hạ, xã Luận Thành. Các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất đi vào hoạt động đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, huyện cũng tập trung cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Đây cũng là lý do những năm gần đây huyện Thường Xuân được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để gắn bó lâu dài.
Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp và nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. 8 tháng năm 2024 có 24 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 80,7% so với cùng kỳ và bằng 153,3% kế hoạch cả năm. Thường Xuân là một trong những huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hoàn thành sớm và vượt kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2024. Lũy kế đến nay, huyện đã có gần 220 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 5.000 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết việc làm ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Vi Ngọc Tuấn, cho biết: Địa phương luôn xác định, doanh nghiệp, doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp to lớn đối với sự phát triển của huyện. Do vậy, huyện thực hiện nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển tại địa phương. Trong đó, trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; tiến hành các hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu về lợi thế, tiềm năng của huyện. Cùng với đó là đẩy mạnh số hóa các số liệu, dữ liệu về công tác quy hoạch, môi trường đầu tư, các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, đầu tư trên địa bàn huyện.
Huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban, tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân, người lao động nâng cao tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tại chỗ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong thu hút, phát triển doanh nghiệp…
Bài và ảnh: Khánh Phương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhieu-cach-lam-hay-trong-phat-trien-doanh-nghiep-224251.htm