Gần 7 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo “thẻ vàng” với ngành khai khác hải sản của Việt Nam, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp cấp bách và quyết liệt xử lý vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế đòi hỏi cơ quan chức năng cần mạnh tay, xử lý nghiêm vi phạm để công tác chống khai thác IUU đạt hiệu quả, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, giúp Việt Nam sớm gỡ “thẻ vàng”.
Lực lượng chức năng của tỉnh thực hiện kiểm tra, kiên quyết lập biên bản, xử phạt hành chính đối với những tàu cá vi phạm quy định về chống khai thác IUU khi khai thác trên biển.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã tích cực vào cuộc chống khai thác IUU, đạt được nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, song tại một số địa phương vẫn còn tình trạng tàu cá bị gián đoạn, mất kết nối hành trình khi khai thác trên biển; một số tàu cá trên 15m không vào cảng cá chỉ định bốc dỡ thủy sản; cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời, thiếu đồng bộ…
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), cho biết: “Thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, tỉnh, thành phố về chống khai thác IUU, phường đã thành lập Tổ rà soát IUU để tuyên truyền việc thực hiện các quy định của chủ tàu trên địa bàn. Theo đó, 30/30 tàu khai thác xa bờ của địa phương đã ký cam kết duy trì thiết bị giám sát hành trình khi khai thác trên biển. Với một số tàu “3 không”, “2 không”, phường đã tuyên truyền, vận động để chủ tàu thực hiện đăng ký, đăng kiểm và các thủ tục cần thiết để được “định danh” hợp pháp khi khai thác. Trong quá trình thực hiện rà soát IUU, phường xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lập biên bản gửi cơ quan chức năng, Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa… kiên quyết không cho hành nghề khi có vi phạm và dấu hiệu vi phạm. Với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ phối hợp với cơ quan cấp trên, lực lượng chức năng xử lý phạt hành chính, bắt giữ tàu và làm các thủ tục xử lý theo quy định”.
Nhờ thực hiện tuyên truyền phù hợp và kiên quyết xử lý vi phạm nên việc chấp hành quy định về khai thác IUU của ngư dân, chủ tàu trên địa bàn phường Quảng Tiến đã đạt kết quả tích cực. Nhiều tháng gần đây, không có tàu cá vi phạm quy định, cộng đồng ngư dân hoạt động hiệu quả, khai thác bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, tính đến tháng 8/2024, tỉnh Thanh Hóa có 6.116 tàu cá khai thác thủy sản; trong đó, có 764 tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, 1.095 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên, còn lại là tàu khai thác ven bờ. Tuy đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và rà soát xử lý nghiêm, triệt để song vẫn còn 90 tàu cá “3 không”, “2 không”; ý thức chấp hành quy định của một bộ phận ngư dân chưa cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tập trung lực lượng, thành lập các đoàn tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, các cửa lạch, tại cảng cá và các vụ việc phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá, phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm 95 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hơn 1,021 tỷ đồng. Các trường hợp vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình, các hành vi chủ tàu đã không thông báo các thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi vào cảng theo quy định; giấy chứng nhận an toàn tàu cá hết hạn, không viết số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định; không mua bảo hiểm thuyền viên dưới 3 thuyền viên làm việc trên tàu cá; thuyền trưởng không có văn bằng chứng chỉ; thuyền viên không có tên trong danh bạ… Ông Trần Văn Đức, Tổ trưởng Tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) đánh giá, việc cơ quan tăng cường xử phạt vi phạm IUU được dư luận đánh giá cao, nhưng nhìn chung mức xử phạt bằng tiền vẫn chưa có tác dụng răn đe, cần những biện pháp “mạnh tay” hơn để giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn hoàn toàn hành vi vi phạm IUU.
Mới đây, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản”. Nghị quyết ra đời được kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự góp phần tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản và sinh kế ngư dân ven biển.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04 của Tòa án Nhân dân tối cao, Chính phủ đã mở đợt cao điểm công tác thực thi pháp luật, xử lý hành vi vi phạm về chống khai thác IUU từ Trung ương đến địa phương để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang huy động sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và lực lượng chức năng có liên quan với quyết tâm cao nhất vì mục tiêu chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng”, hướng tới ngành khai thác hải sản bền vững.
Bài và ảnh: Lê Hòa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xu-ly-nghiem-nhung-truong-hop-vi-pham-chong-khai-thac-iuu-224173.htm