Thành phố Thanh Hóa nằm soi bóng sông Mã, ôm ấp trong lòng mình biết bao giá trị. Những danh lam thắng cảnh, vỉa tầng lịch sử – văn hóa đan xen đã trở thành tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, độc đáo, hấp dẫn ít nơi nào có được. Trên hành trình xây dựng và phát triển, thành phố vẫn luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa truyền thống, xem đó là điểm tựa, nguồn sức mạnh nội sinh vững vàng, thúc đẩy kinh tế – xã hội.
Lễ hội Thái miếu nhà Hậu Lê, phường Đông Vệ.
Dạo một vòng quanh thành phố, du khách có thể ghé thăm các danh lam thắng cảnh, di tích, công trình văn hóa – tâm linh tiêu biểu như: khu vực Hàm Rồng – sông Mã; Thái miếu nhà Hậu Lê; đền thờ Dương Đình Nghệ; lăng quận mãn Lê Trung Nghĩa; Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tượng đài Lê Lợi; Quảng trường Lam Sơn; Công viên Hội An; Công viên Thanh Quảng; Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng; Khu tưởng niệm các giáo viên, học sinh hy sinh trên công trường đê sông Mã; Tượng đài Thanh niên xung phong chiến thắng, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa; Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, chùa Đại Bi, chùa Thanh Hà, chùa Tăng Phúc, Đông Sơn cổ tự, nghè Nguyệt Viên…
Gắn với hệ thống di tích, công trình văn hóa – tâm linh là các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống. Theo thống kê sơ bộ, TP Thanh Hóa hiện có hơn 40 lễ hội truyền thống; các lễ hội thu hút khách thập phương trong và ngoài tỉnh về dự, dâng hương và tham quan như: lễ hội Thái miếu nhà Hậu Lê; lễ hội đền Đức Thánh Cả, làng cổ Đông Sơn; lễ hội đền Tống Duy Tân; lễ hội đền Chu Văn Lương; lễ hội Phủ Bà; lễ hội đền Ái Sơn; lễ hội đền thờ Dương Đình Nghệ; lễ hội nghè Nguyệt Viên…
Bức tranh lịch sử – văn hóa của thành phố được tô đậm sắc màu, rộn ràng thanh âm bởi sự hiện diện của nhiều trò chơi, trò diễn độc đáo, tiêu biểu như: trò diễn Tú Huần (xã Hoằng Quang); trò chạy chữ “Thiên – Hạ – Thái – Bình”, trò chơi dân gian bịt mắt tung cù (phường Quảng Thắng); làn điệu “Hò sông Mã” (bao gồm các phường, xã dọc 2 bên bờ sông Mã như: Nam Ngạn, Hàm Rồng, Tào Xuyên, Long Anh, Hoằng Quang, Thiệu Khánh, Thiệu Dương); cờ người, bài điếm, tổ tôm, cờ thẻ (phường Đông Vệ)… Vài năm trở lại đây, mỗi dịp vui tết đón xuân, UBND thành phố lại tổ chức chương trình “Tết xưa làng cổ” tại không gian làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn du khách.
Theo phân vùng phát triển du lịch trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP Thanh Hóa được xác định là 1 trong 3 cụm trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh và trở thành khu du lịch đô thị, du lịch tìm hiểu lịch sử – cách mạng, du lịch tìm hiểu khảo cổ, lịch sử. Thành phố xác định nhiệm vụ phát triển các sản phẩm du lịch phải có tính đặc thù, hấp dẫn, có chất lượng cao, mang đậm sắc thái bản địa.
Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, bám sát chức năng, nhiệm vụ, ngành văn hóa TP Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, cố gắng đổi mới các nội dung, hình thức hoạt động, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức văn hóa – nghệ thuật, nâng cao đời sống cho người dân đô thị. Theo đó, ngành văn hóa đã chủ động tham mưu với UBND thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước, tỉnh và thành phố về lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, du lịch, thể dục – thể thao… với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ngành văn hóa thành phố chủ trì, liên kết, phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lớp tập huấn luyện tập, thực hành các trò chơi, trò diễn dân gian, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đã phối hợp với UBND TP Thanh Hóa, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Thanh Hóa mở lớp tập huấn “Hỗ trợ luyện tập, thực hành trò Tú Huần và Thiên Hạ Thái Bình tại TP Thanh Hóa – năm 2024” với sự tham gia của 100 học viên là các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa – văn nghệ, các cháu thiếu niên thuộc xã Hoằng Quang và phường Quảng Thắng. Trong 3 ngày diễn ra lớp học, các học viên đã được hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động đội văn nghệ cơ sở; biên đạo, dàn dựng hoàn thiện 2 trò diễn… Thông qua lớp tập huấn, đội ngũ hạt nhân văn nghệ của 2 phường, xã được giao lưu, học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, xây dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào văn hóa cơ sở, từ đó làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…
Cùng với đó, ngành văn hóa thành phố đã làm tốt việc phát triển các phong trào văn hóa – văn nghệ quần chúng; phát huy hiệu quả các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố (dãy phố cổ Hội An, Không gian phố đi bộ Phan Chu Trinh, chương trình Điểm hẹn cuối tuần, Tết xưa làng cổ…) góp phần tạo thêm không gian để các trò chơi, trò diễn dân gian có dịp giao lưu, biểu diễn, lan tỏa, quảng bá nét đẹp đến đông đảo công chúng; kết nối các giá trị văn hóa bản địa…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng trên địa bàn TP Thanh Hóa còn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách về kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tác động của quá trình đô thị hóa mạnh mẽ… Ông Hoàng Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Thanh Hóa, cho biết: “TP Thanh Hóa đang phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế thế mạnh, với tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Để đạt được mục tiêu ấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung cần được quan tâm, đầu tư xứng tầm hơn nữa với sự chung tay, góp sức của cả xã hội. Bởi lẽ, những giá trị lịch sử – văn hóa truyền thống ấy chính là tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng, động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội.
Bài và ảnh: Đăng Khoa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/net-dep-van-hoa-phi-vat-the-giua-long-do-thi-223589.htm