Xây dựng các cơ chế, chính sách sát đúng với thực tiễn là điều kiện cần, trong khi triển khai thực hiện một cách kịp thời, hiệu quả là điều kiện đủ để đưa chính sách vào cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững đang cho thấy sự “lệch pha” giữa chính sách và thực thi chính sách, dẫn đến tiến độ triển khai có độ trễ.
Mô hình chăn nuôi bò tại xã Phú Nghiêm (Quan Hóa). Ảnh: P.V
Thiếu đồng bộ, thống nhất
Theo phản ánh của các địa phương, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình), đang bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử như việc xác định tiêu chí “hộ mới thoát nghèo” là thoát hộ nghèo hay cả hộ cận nghèo, hiện vẫn chưa thống nhất, khiến cán bộ cơ sở lúng túng trong quá trình thực hiện. Bà Lê Thị Chung, cán bộ công chức văn hóa xã Thọ Lộc (Thọ Xuân), cho biết: “Do không rõ “hộ mới thoát nghèo” thuộc đối tượng nào, nên chúng tôi đã hỏi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện và được trả lời đó là hộ thoát khỏi diện hộ nghèo và hộ cận nghèo trong vòng 36 tháng. Thế nhưng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lại trả lời là chỉ có hộ thoát khỏi hộ nghèo mới thuộc diện được thụ hưởng chính sách. Vì vậy, địa phương không dám đưa đối tượng thoát cận nghèo vào thực hiện vì sợ nếu sai sẽ khó khắc phục…”.
Được biết, xã Thọ Lộc đã rà soát và lập danh sách hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò (thuộc Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo). Tuy nhiên, sau quá trình triển khai vận động, đến nay mới có 6/21 hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ (có lao động, có chuồng trại). Các hộ còn lại không đủ tiêu chuẩn hoặc không có nhu cầu. Ngoài triển khai mô hình sinh kế, thì việc triển khai tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững (thuộc Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững) hiện rất khó khăn. Nguyên nhân là do không có lao động đăng ký tham gia học nghề, bởi đối tượng nghèo, cận nghèo không có nhu cầu, hoặc đã hết tuổi lao động. Nhiều người trong số họ chỉ muốn “cho không thì nhận” chứ không muốn học nghề hay vay vốn tạo sinh kế.
Cũng giống như tiêu chí “hộ mới thoát nghèo”, tiêu chí “người lao động có thu nhập thấp” cũng đang khiến nhiều địa phương “không biết thế nào mà lần” trong quá trình xác định đối tượng thụ hưởng chính sách. Bởi, khái niệm thế nào là “thu nhập thấp”? căn cứ nào để xác định? “thu nhập thấp” khác nhau giữa từng vùng, miền ra sao…? là những điều đang khiến người thực thi chính sách ở cơ sở băn khoăn lúc này. Do đó, việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại đối với nhóm đối tượng “hộ mới thoát nghèo”, “người lao động có thu nhập thấp” khi tham gia học nghề theo quy định tại Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn (thuộc Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững), hiện các đơn vị, địa phương được giao vốn vẫn chưa thể giải ngân nguồn kinh phí này.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhưng năm 2022 mới triển khai thực hiện và mãi đến tháng 7/2022 kinh phí của Chương trình mới được phân bổ. Việc triển khai muộn đã ảnh hưởng đến việc tiến độ triển khai các dự án, trong khi một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình còn chậm ban hành, hoặc ban hành nhưng chưa đồng bộ, dẫn tới các ngành, các địa phương lúng túng trong thực hiện. Theo đó, phải đến ngày 24/6/2023, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Đến ngày 15/8/2023, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, theo đó bãi bỏ các thông tư có liên quan để thống nhất thực hiện các chương trình MTQG. Qua đó, mới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục thanh, quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình.
Ngoài nguyên nhân như văn bản hướng dẫn chậm ban hành, vẫn còn những hạn chế trong từng khâu, đoạn trong quá trình triển khai Chương trình. Trong đó, đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển, công tác khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ dự án, hồ sơ dự án bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh còn chậm. Một số dự án đầu tư chưa đủ cơ sở để thẩm định, trình phê duyệt. Thời gian thẩm định hồ sơ các dự án khởi công mới của các cơ quan chuyên môn chưa được rút ngắn; một số hồ sơ phải thẩm định nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Đến nay, vẫn còn một số dự án chưa lựa chọn được nhà thầu thi công; chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; chưa thực hiện, giải ngân. Một số dự án giao thông đã phê duyệt nhưng phải dừng thi công do đi qua đất rừng phải lập hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng…
Trong khi đó, đối với các dự án sử dụng vốn sự nghiệp, đa số các đơn vị, địa phương được giao vốn đều giải ngân chậm hoặc giải ngân đạt tỷ lệ rất thấp, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Theo đó, người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo và các nhóm đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn chậm được tiếp cận nguồn lực để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Điển hình trong đó phải kể đến như Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì). Tổng vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2023 phân bổ là 44,035 tỷ đồng, đến tháng 9/2023 dự án vẫn chưa giải ngân được và đến nay, chỉ mới giải ngân 6,583 tỷ đồng, đạt 14,95%/tổng số vốn được giao. Theo ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, diễn ra vào ngày 10/10/2023): Tiến độ giải ngân nguồn vốn 2022, 2023 còn chậm là do các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn là địa bàn tập trung nhiều hộ nghèo, một số địa phương còn giữ tập quán canh tác cũ, kém hiệu quả; chưa tạo được sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết… Do đó, hiệu quả thoát nghèo gắn với hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế bền vững cho người nghèo còn thấp.
Dự án nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất tre luồng tại cụm công nghiệp Bãi Bùi, thị trấn Lang Chánh, do Công ty CP Bamboo King Vina đầu tư xây dựng.
Cũng theo ông Cường, do năm đầu triển khai thực hiện các chương trình MTQG, một số quy định của Trung ương phân quyền cho các địa phương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nên cần thời gian để nghiên cứu xây dựng, thẩm định, ban hành đã làm chậm tiến độ. Trong khi đó, Nghị định 27/2022/NĐ-CP còn một số bất cập trong cơ chế lồng ghép nguồn lực các chương trình MTQG, cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, cơ chế quay vòng vốn… làm cho các địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện, khiến thời gian kéo dài. Một số địa phương còn lúng túng trong việc rà soát, lựa chọn nội dung, quy mô dự án triển khai thực hiện sao cho phù hợp giữa khả năng, điều kiện của đối tượng tham gia với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, dẫn tới thời gian xây dựng, phê duyệt dự án còn kéo dài…
Trách nhiệm thực thi
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan cản trở việc triển khai thực hiện Chương trình, không thể không nhấn mạnh đến các nguyên nhân chủ quan. Đây cũng là điều đã được đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG tỉnh, giai đoạn 2021-2025 chỉ rõ khi phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đó là: Năng lực lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy đảng, chính quyền còn hạn chế, chưa linh hoạt, sáng tạo, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở còn thiếu, năng lực còn hạn chế và thường xuyên thay đổi. Một bộ phận cán bộ vẫn còn tư tưởng muốn “ở lại” xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn để được thụ hưởng các chính sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình chưa nhịp nhàng, hiệu quả chưa cao, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của Chương trình.
Thực tế cho thấy, ở đâu cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì ở đó các nội dung của Chương trình được triển khai tương đối hiệu quả; và ngược lại. Do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc… đã khiến các dự án không thể triển khai đúng yêu cầu, tiến độ. Cụ thể, các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như thị xã Nghi Sơn, các huyện Hậu Lộc, Cẩm Thủy, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn. Ngược lại, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, như thị xã Bỉm Sơn, TP Sầm Sơn, các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thạch Thành, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Hà Trung, Nông Cống, Ngọc Lặc, Mường Lát.
Theo ông Trần Văn Hùng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, kinh phí đã cơ bản giao cho cấp huyện, nếu muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì vai trò, trách nhiệm chủ yếu vẫn từ phía cấp huyện. Trong khi đến thời điểm này, các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách đã cơ bản đã được “khơi thông”. Cho nên “điểm nghẽn” cần tháo gỡ chính là sự thụ động của người thực thi chính sách, của công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành ở cơ sở. Thực tế cho thấy, những huyện đôn đốc, tích cực vào cuộc thì xã sẽ làm. Dù ban đầu có vướng về cơ chế chính sách (dự án phát triển sản xuất; cơ chế quay vòng; nhà ở…) nhưng dám làm, dám chịu trách nhiệm thì nhiều huyện vẫn triển khai tốt và giải ngân trên 90% một số dự án mà các nơi kêu khó. Chẳng hạn như Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Yên Định… Cho nên, vấn đề về cơ chế chính sách chỉ là một phần chứ không phải “điểm nghẽn” lớn. Quan trọng vẫn là cách làm, cách triển khai mà thôi.
Ông Lê Viết Xuân, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Quan Sơn, cho biết: Địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn khi cùng một thời điểm phải triển khai 3 chương trình MTQG, với nguồn kinh phí được phân bổ rất lớn và một khối lượng công việc quá tải, trong khi nhân lực hạn chế, có nơi không đáp ứng yêu cầu. Nhiều thời điểm nhân sự của Phòng Kinh tế – Hạ tầng không đủ để thẩm định các dự án đầu tư cho kịp tiến độ. Do đó, việc giải ngân các nguồn vốn chậm, ngoài nguyên nhân khách quan còn có các nguyên nhân chủ quan như công tác chỉ đạo thực hiện của một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thẩm định chưa bảo đảm thời gian quy định…
Với quyết tâm cao nhất để đạt kết quả khả quan nhất trong giải ngân vốn của Chương trình, ông Xuân cho biết, địa phương đã và đang yêu cầu các đơn vị được giao nguồn vốn phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và định kỳ báo cáo giao ban để bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, cũng như chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, chương trình, đồng thời coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 của tập thể, cá nhân. Ngoài ra, đề nghị các sở, ngành được giao phụ trách từng dự án, chương trình phải bám sát cơ sở, có văn bản trả lời kịp thời cho các địa phương, đơn vị về những vấn đề vướng mắc, tồn tại và các kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
Phải thẳng thẳn thừa nhận rằng, cơ chế chính sách là như nhau, nhưng có nơi làm tốt, có nơi trì trệ, thì không thể đổ lỗi cho chính sách, mà cần nhìn nhận lại trách nhiệm của người thực thi chính sách, hay cách thức triển khai của các ngành, địa phương, đơn vị. Do đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của các cấp, các ngành chính là “chìa khóa” để giải bài toán đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Lê Dung – Trần Hằng
Bài cuối: Khơi “điểm nghẽn” để “chạy nước rút”.