Huyện Như Xuân nằm ở phía tây Nam tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 60km; diện tích tự nhiên hơn 721,7km2, có 1 thị trấn và 15 xã; dân số năm 2023 của huyện hơn 72 nghìn người, với 4 dân tộc anh em là Thái, Kinh, Thổ, Mường cùng sinh sống. Là vùng đất có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân có tinh thần đoàn kết, gắn bó, kiên cường, anh dũng trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Cơ sở hạ tầng thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân được đầu tư ngày càng hiện đại. Ảnh: Minh Hiếu
Ngày 25/8/1949, tại doanh trại của An toàn khu thuộc thôn Đồng Ớt, xã Yên Cát (nay là xã Hóa Quỳ), Đảng bộ huyện Như Xuân được thành lập, đánh dấu mốc son lịch sử, bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng huyện nhà. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, với 23 kỳ đại hội, Đảng bộ huyện đã đề ra các chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo phong trào cách mạng phù hợp với thực tiễn địa phương.
Trong thời kỳ kháng chiến, với vị trí chiến lược quan trọng, huyện Như Xuân cùng với các địa phương khác trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Nhân dân Như Xuân đã đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu; huy động hàng nghìn dân công vượt núi, băng rừng vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ các chiến dịch. Đã có hàng nghìn thanh niên ưu tú của quê hương lên đường nhập ngũ; trong số đó nhiều người đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ghi nhận những đóng góp lớn lao đó, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 3 xã và 2 cá nhân; 37 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là từ khi chia tách huyện (năm 1996), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Như Xuân đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung khắc phục khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội qua các nhiệm kỳ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất luôn ở mức cao so với các huyện khu vực miền núi; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến nay tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ chiếm hơn 70%. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển từ phương thức sản xuất tự túc, tự cấp, khai thác tự nhiên sang áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với chế biến và sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp và xây dựng được quan tâm phát triển; nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất được thành lập trên địa bàn đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… góp phần quan trọng cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi. Chương trình NTM được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả; đến nay bình quân toàn huyện đạt 15 tiêu chí/xã, có 5 xã và 54 thôn đã đạt chuẩn NTM, 3 thôn đạt NTM kiểu mẫu, 1 xã đạt NTM nâng cao; có 20 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, dẫn đầu các huyện miền núi.
Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, hằng năm có trên 81% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa và thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên, giáo dục mũi nhọn duy trì ổn định trong nhóm 5 huyện đứng đầu các huyện miền núi. Công tác y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm, 100% xã, thị trấn đã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Công tác giảm nghèo được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; năm 2018 huyện Như Xuân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngày càng được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm cả về số lượng và chất lượng; từ 5 chi bộ với 40 đảng viên trong những ngày đầu thành lập, đến nay Đảng bộ huyện đã có 35 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy, 272 chi bộ trực thuộc cấp ủy cơ sở với trên 4.630 đảng viên; trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với những thành tích và kết quả đã đạt được, nhiều tập thể, cá nhân của huyện đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, huân chương, huy chương và bằng khen các loại. Đặc biệt, năm 2014 Nhân dân và cán bộ huyện Như Xuân đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Đây là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện vững bước tiếp tục phấn đấu vươn lên trong giai đoạn mới.
Đồng chí Lương Thị Hoa, Bí thư Huyện ủy Như Xuân (người đứng thứ hai bên trái) trao đổi với cán bộ lãnh đạo xã Xuân Hòa về định hướng phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn.
Để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra, phấn đấu đến năm 2025 đưa Như Xuân trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh; thời gian tới Đảng bộ huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và những kết quả đạt được trong 75 năm qua, giữ vững đoàn kết, nêu cao hơn nữa tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh; tranh thủ thời cơ, vận hội mới; huy động tối đa nguồn lực và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển nhanh và bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của huyện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình trọng tâm, 2 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII.
Hai là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và XDNTM. Kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản tạo thành chuỗi liên kết giá trị. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch gắn với phát huy lợi thế tuyến đường Hồ Chí Minh, đường ngang Bãi Trành nối với cảng Nghi Sơn.
Ba là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm là thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân để XDNTM theo hướng “xanh – hài hòa – bản sắc”; phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 7 xã và 66/112 thôn đạt chuẩn NTM.
Bốn là, thường xuyên chăm lo, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc, các di tích lịch sử – văn hóa, điểm du lịch. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giữ vững quốc phòng – an ninh, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội.
Năm là, tập trung xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Với truyền thống lịch sử và bề dày thành tích cùng với những kinh nghiệm quý báu được rút ra từ thực tiễn cách mạng; sự quan tâm lãnh đạo, ủng hộ, giúp đỡ của tỉnh và các địa phương, đơn vị bạn; cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Phát triển”, quyết tâm phấn đấu đưa Như Xuân trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Lương Thị Hoa
Bí thư Huyện ủy Như Xuân
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-huy-truyen-thong-ve-vang-75-nam-xay-dung-va-truong-thanh-phan-dau-nbsp-dua-nhu-xuan-tro-thanh-mot-trong-nhung-huyen-dan-dau-khu-vuc-mien-nui-cua-tinh-222706.htm