Khi tờ lịch lật sang tháng Tám, trong lòng mỗi người con đất Việt không chỉ xốn xang mà còn trào lên cảm xúc tự hào về những mùa thu xưa, mùa thu cách mạng. Cách đây tròn 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Một góc của Phòng truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa (1858-1945) ở Bảo tàng tỉnh.
Từ những tư liệu lịch sử
Sách “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020) Những dấu ấn và thành tựu nổi bật” đã ghi rất rõ về những thập niên đầu của thế kỷ XX với sự có mặt của các tổ chức cách mạng ở Thanh Hóa. Đặc biệt, cuối năm 1943 đầu năm 1944 phong trào đuổi giặc cứu nước đã thực sự bước sang giai đoạn cao trào. Bên cạnh các cuộc đấu tranh có vũ trang diễn ra ở nhiều huyện đồng bằng, phong trào Việt Minh đuổi giặc cứu nước cũng bắt đầu bùng phát ở thị xã, với việc rải truyền đơn cách mạng, kêu gọi quần chúng ủng hộ và tham gia vào tổ chức mặt trận Việt Minh.
Trước sự biến chuyển của tình hình trong nước và thế giới, nắm bắt kịp thời tinh thần chỉ đạo của Trung ương, ngày 24/6/1944 Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã được tổ chức tại làng Vĩ Liệt (nay thuộc xã Hà Tân, huyện Hà Trung) để ra nghị quyết “chuẩn bị khởi nghĩa”. Tiếp đó, ngày 15/9/1944, Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa ra chỉ thị “Kíp sửa soạn khởi nghĩa”. Và đến đầu năm 1945, nhiệm vụ chuẩn bị khởi nghĩa được xúc tiến một cách khẩn trương, Tỉnh Đảng bộ đã quyết định cho đổi tên tờ báo “Đuổi giặc nước” thành “Khởi nghĩa” để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước tình hình mới. Ngay trong số đầu tiên ngày 15/2/1945, báo “Khởi nghĩa” đã ra lời kêu gọi: “… Hỡi các giới đồng bào yêu nước! Hỡi các đồng chí cứu quốc! Cơ hội khởi nghĩa không đợi người, bỏ lỡ dịp tốt này là tội lớn”.
Cũng từ đó, nhiều cuộc khởi nghĩa đã diễn ra. Cụ thể, từ sau cuộc khởi nghĩa ở Hoằng Hóa (24/7/1945) đến những ngày đầu tháng 8/1945, ở các huyện đồng bằng và vùng biển trong tỉnh, cùng huyện miền núi Thạch Thành, không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra đều khắp và sôi nổi hơn bao giờ hết. Ngày 13/8/1945, Tỉnh Đảng bộ đã triệu tập cuộc hội nghị mở rộng tại làng Mao Xá (nay thuộc xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) để bàn biện pháp chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trên phạm vi cả tỉnh. Ngày 15/8/1945 nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng phe đồng minh vô điều kiện, hội nghị thống nhất nhận định thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến.
Sáng 18/8/1945, lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương đã về đến Thanh Hóa. Vì đã có sự chuẩn bị từ trước nên khi nhận được lệnh, các huyện, thị có đủ điều kiện như Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) và huyện miền núi Thạch Thành đã nhất loạt khởi nghĩa vào lúc nửa đêm, rạng sáng ngày 19/8/1945 với khí thế “long trời, lở đất”.
Từ chiều ngày 19/8 đến sáng ngày 20/8 chính quyền lâm thời của các huyện, thị đều chính thức ra mắt trước toàn thể Nhân dân. Mặc dù ở Thiệu Hóa có đổ máu với 12 chiến sĩ hy sinh và 20 chiến sĩ khác bị thương, nhưng ngay buổi sáng 19/8, lực lượng khởi nghĩa vẫn chiếm được phủ lỵ trong niềm vui khôn xiết.
Đến những hiện vật
Sau 79 năm, thời gian có thể làm người ta lãng quên rất nhiều sự kiện, nhưng với người dân Hoằng Hóa nói riêng, Thanh Hóa nói chung, sự kiện ngày 24/7/1945 diễn ra tại Cồn Mã Nhón, Cồn Ba Cây thì luôn được khắc ghi. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã diễn ra cuộc chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, táo bạo của các chiến sĩ tự vệ và Nhân dân, bắt sống tri phủ và đơn vị bảo an binh, giành chính quyền cách mạng về tay Nhân dân. Đây là thắng lợi mở đầu cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao.
Giới thiệu với chúng tôi, ông Mai Văn Linh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Hoằng Đạo, cho biết: Trước kia, Cồn Mã Nhón cây cối rậm rạp, xung quanh là đồng lầy, chỉ có duy nhất một con đường nhỏ chạy qua. Lực lượng tự vệ của ta vốn thông thạo địa hình nên bố trí mai phục ở đây để hoạt động tiến lui dễ dàng. Ở làng quê nhỏ này, vinh dự là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Thanh Hóa, của huyện Hoằng Hóa từ năm 1941 đến năm 1945. Từ nơi sình lầy ấy, trên diện tích hơn 500m2, Khu Di tích lịch sử Cồn Mã Nhón đã được xây dựng gồm có nhà truyền thống, nhà bia tưởng niệm 13 tự vệ trong cuộc chiến đấu đầu tiên với đội lính bảo an Nhật cùng hệ thống khuôn viên cây xanh và các công trình khác.
Khi đến Di tích lịch sử nhà ông Nguyễn Xuân Oanh (xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân), chúng tôi đã được nghe kể lại về sự kiện quan trọng diễn ra trong tháng 2/1941. Đặc biệt, tại đây diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa để hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và quyết định thành lập vành đai căn cứ địa cách mạng. Đại hội này đã quyết định sự phát triển phong trào cách mạng trong tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Nhuần (sinh năm 1947) người con thứ 3 của đồng chí Nguyễn Xuân Oanh, giới thiệu về hành trình tìm hiện vật và ảnh bố. “Bố tôi chết trong tù khi tôi chưa đầy 1 tuổi, gần 70 năm sau, tôi mới biết mặt bố mình qua tấm ảnh chụp bố khi thực dân Pháp bắt, được gia đình tìm thấy ở Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước”.
Một tấm ảnh chân dung đen trắng cùng số tù 9514 đã nhiều chỗ ố vàng nhưng luôn là “tài sản” quý của gia đình trong 20 năm nay để nhắc nhở con cháu về truyền thống lịch sử quê hương, sự dũng cảm của ông cha mình.
Trong không gian của phòng truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa (1858-1945) ở Bảo tàng tỉnh có hàng nghìn hình ảnh và hiện vật (vũ khí, quần áo, cờ…). Trong đó, được lưu giữ tại vị trí trang trọng là Lời tuyên ngôn của Ủy ban lâm thời do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch lâm thời đọc trong buổi ra mắt đồng bào tại thị xã Thanh Hóa ngày 23/8/1945. Ngoài ra, qua các tờ báo được lưu giữ ở đây, như: Tiến lên, Hồn lao động, Tia sáng, Tự do, Dân cày, Việt Nam Độc lập, Cờ Giải phóng, Cứu quốc, Đuổi giặc nước… đã cho thấy, ngoài các tờ báo của Trung ương Đảng, các tổ chức đoàn thể ở hầu hết các địa phương thời kỳ đó đều bí mật xuất bản báo. Các tờ báo này là một mặt trận đấu tranh sắc bén, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cán bộ, đảng viên và các hội viên cứu quốc trong cao trào đấu tranh cách mạng. Bên cạnh đó, chiếc trống lệnh dùng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa năm 1945; hay chiếc vỏ ốc được Nhân dân xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) dùng làm hiệu lệnh chống Nhật khủng bố đàn áp phong trào cách mạng; rồi hình ảnh đình làng Ngô Xá Hạ (Thiệu Hóa), nơi Ủy ban lâm thời chuẩn bị tiến về thị xã ra mắt đồng bào; là ngôi nhà mẹ Tơm (Hậu Lộc), cơ sở hoạt động bí mật của Đảng, đồng thời là cơ sở in báo Đuổi giặc nước; hay hình ảnh phá kho thóc của Nhật cứu đói cho Nhân dân ở Hoằng Hóa… tất cả đã ghi lại không khí hào hùng của cuộc Cách mạng Tháng Tám trên đất Thanh Hóa. Bà Hoàng Thị Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục sưu tầm, bổ sung, làm phong phú thêm hệ thống hiện vật trưng bày tại bảo tàng qua các trung tâm lưu trữ, các ngành, các địa phương và trực tiếp từ gia đình các chiến sĩ cách mạng trung kiên.
Từ mùa Thu cách mạng 1945, cả dân tộc đã đi qua nhiều chặng đường với không ít mất mát, đau thương nhưng đầy vinh quang, kiêu hãnh. Trong chiều dài lịch sử ấy vừa là sự ngưỡng vọng về những giá trị thiêng liêng của cuộc trường chinh “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, vừa là ước vọng về sự đổi thay, vươn mình của đất nước. “Tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” chúng ta có được ngày nay, một phần rất lớn là công sức, xương máu của thế hệ ngày hôm qua đã dựng xây.
CHI ANH
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nho-ve-mua-thu-cach-mang-qua-cac-hien-vat-va-tu-lieu-222505.htm