Với hàng trăm sản phẩm hàng hóa trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Thanh Hóa đang có nhiều nỗ lực kết nối nhằm nâng tầm sản xuất và mở rộng mạng lưới phân phối, kinh doanh. Các tỉnh phía Bắc với thị trường tiêu thụ rộng lớn, với khả năng kết nối liên vùng thuận lợi đang được Thanh Hóa xác định là đối tác tiềm năng trong thời gian tới.
Ký kết biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Thanh Hóa và doanh nghiệp đến từ TP Hà Nội.
Hiếm có địa phương nào, lại hội tụ từ những sản phẩm có quy trình sản xuất phức tạp hàng đầu khu vực và thế giới, đến những sản phẩm đậm chất truyền thống tồn tại hàng trăm năm tuổi. Trong số các dự án đi vào hoạt động tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, đã xuất hiện những tên tuổi thuộc top 200 thế giới như: Tập đoàn Idemitsu Kosan; Marubeni Corporation, Mitsui Chemicals; Taiheiyo Cement Corporation (Nhật Bản); Tập đoàn Kepko Hàn Quốc; SK Engineering & Construction (Hàn Quốc); Kuwait Petroleum International (Cô-oét); Tập đoàn Musim Mas (Singapore)… Các nhà máy tầm cỡ quốc gia và quốc tế của các nhà đầu tư này đi vào hoạt động đã nâng tầm uy tín, vị thế của sản phẩm hàng hóa xứ Thanh, không chỉ với trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế.
Cùng với công nghiệp, nông nghiệp Thanh Hóa không chỉ dồi dào, mà còn thành công với những chuỗi cung ứng chất lượng, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) tên tuổi. Thanh Hóa còn nổi tiếng với những làng nghề có sức sống bền bỉ theo thời gian, đặc biệt có tới 522 sản phẩm OCOP, đứng thứ 2 cả nước.
Thuận lợi kết nối, thông thương với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không, đặc biệt là có Cảng nước sâu Nghi Sơn là thuận lợi đặc biệt để Thanh Hóa tăng cường giao lưu, kết nối, thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ ra thị trường rộng lớn.
Xây dựng “bước đệm” cho các kết nối ở cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương, tạo cơ hội để chủ thể sản xuất, phân phối, tiêu thụ gặp gỡ, giao lưu, chuyển giao công nghệ sản xuất, nhiều chương trình kết nối được tỉnh Thanh Hóa tổ chức liên tục thời gian gần đây. Thông qua các hoạt động này, kỳ vọng hướng tới những “cái bắt tay” thực chất nhằm hiện thực hóa nhiều mối quan hệ vững bền trong tương lai.
Tại Hội nghị kết nối DN sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024, Tổng Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại và Đầu tư quốc tế Việt Nam (TP Hà Nội) Nguyễn Thị Dung, bày tỏ: “Đã từ rất lâu tôi mới trở lại Thanh Hóa nhưng vô cùng bất ngờ khi được tìm hiểu, giới thiệu về các sản phẩm đa dạng, độc đáo và có điểm nhấn của xứ Thanh. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với cách làm của tỉnh Thanh Hóa khi các cấp chính quyền, ngành chức năng luôn tạo thật nhiều cơ hội cho DN tiếp cận từ công nghệ sản xuất tới gặp gỡ đối tác thương mại, thiết lập và thúc đẩy hoạt động tiêu thụ. Với vai trò là DN kết nối, đưa tinh hoa Việt Nam ra thế giới, tôi sẽ tìm hiểu và giới thiệu, đưa các sản phẩm xứ Thanh có uy tín đến với những thị trường mới trong tương lai”.
Thanh Hóa hiện có 300 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Với sự gia nhập các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, DN trong ngành có nhiều cơ hội để “hưởng lợi” từ các chính sách ưu đãi thuế quan. Vậy nhưng, ngành may mặc Thanh Hóa hiện lại chưa tiếp cận được nhiều chính sách này do phụ thuộc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Bày tỏ về kỳ vọng kết nối với các DN đã và đang đầu tư sản xuất, tham gia cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Trịnh Xuân Lượng cho biết: “DN của chúng tôi có 10 nhà máy với hơn 10.000 lao động. Chúng tôi luôn xác định ưu tiên sử dụng tối đa các nguồn nguyên, phụ liệu trong nước trong cấu thành sản phẩm. Tại hội nghị này là cơ hội để chúng tôi trao đổi, kết nối với các DN đã và đang đầu tư sản xuất, tham gia cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may. Đây cũng là định hướng của DN trong việc chủ động nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài; đồng thời tăng tỷ lệ sản xuất theo phương thức ODM (tự thiết kế, thu mua vải và nguyên phụ liệu, cắt, may, hoàn tất, đóng gói và vận chuyển), giảm dần tỷ lệ may gia công, tăng hiệu suất lợi nhuận cho DN”.
Cùng với hoạt động giới thiệu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và giới thiệu sản phẩm, năng lực sản xuất, quy mô sản xuất; tình hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khả năng cung cấp và nhu cầu tiêu thụ, liên kết, hợp tác kinh doanh, hoạt động bên lề hội nghị với không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2024 cũng đã tạo cơ hội để DN giới thiệu tới khách hàng, nhà phân phối trải nghiệm sản phẩm và hình thành các quan hệ hợp tác. Những biên bản ghi nhớ, ký kết hợp tác cũng đã được thực hiện, nhằm kết nối sản xuất, tiêu thụ những sản phẩm uy tín của xứ Thanh.
Công ty CP Thương mại vận tải và chế biến Long Hải hiện được xếp vào top 5/45 DN trong nước được các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản và Nga ưa chuộng với dòng sản phẩm ưu thế là Surimi. Mới đây, DN “trình làng” dòng sản phẩm mới mang tên “Chả cá biển Long Hải” với định hướng ở thị trường nội địa. Tổng giám đốc công ty Trịnh Thị Cúc cho biết: “Hiện các sản phẩm của công ty đều được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP và các chứng chỉ quốc tế theo yêu cầu của các thị trường. Tại hoạt động trưng bày này, không chỉ có cơ hội giới thiệu, khách hàng, nhà phân phối còn được cảm nhận trực tiếp, từ đó có những đánh giá, góp ý về sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người Việt”.
Trải nghiệm sản phẩm tại không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2024.
Câu chuyện “cung vượt cầu” hay “được mùa mất giá” vẫn là một trong những vấn đề “nóng” hiện nay trong tiêu thụ hàng hóa. Tại Thanh Hóa, hoạt động tiêu thụ dù bước đầu đạt được những kết quả, tuy nhiên, theo như phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi tại hội nghị kết nối DN sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024 thì: “Tỷ trọng hàng hóa được phân phối qua hệ thống liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng theo chuỗi giá trị còn thấp; chưa hình thành được các chuỗi liên kết bao tiêu, phân phối quy mô lớn và ổn định, làm hạn chế việc mở rộng sản xuất, thị trường kinh doanh, xuất khẩu… Những hạn chế đó đòi hỏi các cấp, ngành phải đồng hành cùng DN nắm rõ thực trạng, nghiên cứu giải pháp khắc phục. Đặc biệt, các hoạt động giao lưu, kết nối giữa các DN sản xuất trong tỉnh với DN phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tới các thị trường trọng điểm cần được chú trọng nhiều hơn nữa”.
Còn theo Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh, từ những kết quả về sản xuất khả quan, Thanh Hóa cần chú trọng hơn tới việc thiết lập các kênh phân phối theo hướng liên kết vùng. Những lợi thế đặc biệt về giao thông, nhất là đường biển với hệ thống Cảng nước sâu Nghi Sơn, Thanh Hóa có thể kết nối sâu với các chuỗi tiêu thụ, xuất nhập khẩu theo vùng với khu vực phía Bắc đã hình thành và phát triển chuyên nghiệp, từ đó gia tăng hoạt động tiêu thụ cho DN trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời phát triển dịch vụ Logistics xứng tầm lợi thế.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/mo-ra-co-hoi-hop-tac-moi-222418.htm