Hiện nay, các đơn vị quản lý, bảo trì đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm kéo dài thời gian khai thác và sử dụng các công trình giao thông ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Các đơn vị quản lý, bảo trì đường thủy nội địa lắp đặt hệ thống biển báo trên tuyến sông Chu đoạn qua huyện Thiệu Hóa dễ quan sát.
Trên địa bàn tỉnh hiện đang quản lý, bảo trì 23 tuyến sông, kênh, có chiều dài 761km. Trong đó, ĐTNĐ quốc gia 8 tuyến dài 213km, ĐTNĐ địa phương 15 tuyến dài 548km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 56 bến thủy nội địa, 53 bến khách ngang sông. Hoạt động vận tải ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ, lẻ trên các tuyến sông thông qua các cửa sông nối với tuyến đường thủy ven biển đi các tỉnh khu vực phía Bắc và các tỉnh miền Trung. Nhằm bảo đảm an toàn giao thông ĐTNĐ, trong thời gian qua các đơn vị quản lý, bảo trì ĐTNĐ đã triển khai lắp đặt 1.429 các loại biển báo trên bờ, trên cầu, dưới nước và đèn tín hiệu. Các loại biển báo hiệu trên các tuyến sông được bố trí phù hợp, màu sắc rõ ràng, chủ các phương tiện lưu thông dễ dàng nhận biết.
Trong công tác quản lý được các đơn vị thực hiện quyết liệt với việc kết hợp nhiệm vụ kiểm soát hoạt động cảng, bến thủy nội địa với quản lý, bảo trì, điều tiết bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi trên các tuyến ĐTNĐ. Đồng thời, các đơn vị thường xuyên kiểm tra luồng tuyến, hệ thống cơ sở hạ tầng ĐTNĐ, rà soát các phao tiêu báo hiệu bị hư hỏng trên tuyến, kịp thời sửa chữa, bổ sung lắp đặt các biển báo hiệu, cọc tiêu, phao tiêu, biển chỉ dẫn… đảm bảo an toàn luồng chạy tàu, thuyền, phòng ngừa tai nạn, va chạm xảy ra. Hàng năm, các đơn vị quản lý, bảo trì ĐTNĐ phối hợp với 15 huyện, thị xã và 2 thành phố có đường thủy đi qua tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông ĐTNĐ và ký cam kết về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy tới các chủ công trình, bến đò chở khách qua sông…
Theo đại diện của Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và Xây dựng giao thông Thanh Hóa, công tác quản lý, bảo trì ĐTNĐ được đơn vị thường xuyên triển khai thực hiện theo phương án bảo đảm luồng tuyến, biển báo hiệu trên tuyến lắp đặt đúng số lượng, chủng loại, vị trí. Hàng năm, hệ thống phao tiêu được đưa lên bờ, vệ sinh, gõ rỉ, kiểm tra bổ sung phụ kiện và sơn bảo dưỡng đảm bảo màu sắc sáng rõ; một số phao tuyến cửa sông được bơm chất chống chìm và bọc sợi composits… Đối với các trạm quản lý ĐTNĐ, các trạm điều tiết trực thuộc công ty thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình luồng tuyến thuộc phạm vi được giao. Qua đó, phát hiện sự biến đổi của luồng lạch, chướng ngại vật, kịp thời thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông ĐTNĐ. Ngoài ra, các trạm phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn các chủ phương tiện, chủ bến, chủ công trình và Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ. Cùng với đó, các đơn vị theo dõi thường xuyên mực nước, thủy văn, lưu lượng vận tải trên các tuyến sông.
Để đảm bảo duy trì hoạt động vận tải ĐTNĐ, Sở Giao thông – Vận tải đã đề xuất UBND tỉnh, Cục ĐTNĐ thực hiện các dự án thanh thải chướng ngại vật, nạo vét bãi cạn để đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực vận tải ĐTNĐ. Trên cơ sở đó, năm 2021, Cục ĐTNĐ đã thực hiện Dự án thanh thải bãi đá ngầm khu vực đền Hàn trên sông Lèn đoạn Km46+400 – Km49+200 với tổng mức đầu tư 38,4 tỷ đồng. Năm 2023, triển khai thực hiện Dự án nạo vét đảm bảo giao thông bãi cạn cửa Lạch Sung – tuyến sông Lèn đoạn Km2+600 – Km5+200 với tổng mức đầu tư 17,8 tỷ đồng. Hiện Sở Giao thông – Vận tải đang tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông – Vận tải, Cục ĐTNĐ xem xét triển khai thực hiện các công trình nạo vét, đảm bảo giao thông đường thủy các đoạn cạn Km2+800 – Km5+300 cửa Lạch Trường, sông Tào với tổng mức đầu tư 16 tỷ đồng; đoạn từ Km1+00 – Km2+00 tuyến Lạch Bạng – Đảo Mê với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng và Dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm đoạn từ Km0 – Km1+00 tuyến Lạch Bạng – Đảo Mê với tổng mức đầu tư khoảng 45 tỷ đồng. Đồng thời, Sở Giao thông – Vận tải tham mưu cho UBND tỉnh đưa Dự án cảng Đò Lèn (tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng) vào danh mục kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2023-2030. Cùng với đó, thực hiện rà soát trên các tuyến sông có một số cầu không bảo đảm kích thước khoang thông thuyền theo cấp kỹ thuật đường thủy, nhiều vị trí nguy hiểm và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, nhất là vào mùa bão, lũ để có biện pháp xử lý, khắc phục.
Với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trong công tác quản lý, bảo trì giao thông ĐTNĐ của ngành giao thông – vận tải cùng với các ngành có liên quan của tỉnh, địa phương có ĐTNĐ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa của người dân.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tich-cuc-cong-tac-quan-ly-bao-tri-duong-thuy-noi-dia-221569.htm