Sau Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện phương án đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường phục vụ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, giải quyết nhu cầu vật liệu cho các công trình xây dựng.
Sản lượng cát xây dựng được dự báo sẽ thiếu hụt so với nhu cầu xây dựng trong những năm tới.
Cụ thể, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung kịp thời các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường vào quy hoạch khoáng sản được phê duyệt và tích hợp toàn bộ vào Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023. Trong đó, có 187 mỏ, với trữ lượng khoảng 652 triệu m3 đá làm VLXD thông thường, 156 mỏ đất san lấp, trữ lượng khoảng 183 triệu m3 và 124 mỏ cát xây dựng với trữ lượng khoảng 18 triệu m3.
Trên cơ sở đó, từ năm 2023 đến đầu tháng 6/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đấu giá thành 69 mỏ cát, đá, đất làm VLXD thông thường, gồm 29 mỏ đất san lấp, 35 mỏ đá xây dựng, 4 mỏ cát và 1 mỏ đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel. UBND cấp huyện cũng đã thẩm định, chấp thuận 51 phương án cải tạo để tận thu đất san lấp khoảng 2,7 triệu m3 đất… Cùng với số mỏ được cấp phép đang tiến hành khai thác, đã góp phần tích cực giải quyết tình trạng khan hiếm, thiếu hụt VLXD trong thời gian qua.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, tính đến tháng 5/2024, tổng trữ lượng đá VLXD thông thường đã cấp phép còn lại khoảng 174 triệu m3 với công suất khai thác như hiện tại thì sản lượng từ nay đến năm 2030 sẽ có khoảng 91 triệu m3, trong khi nhu cầu được dự báo chỉ khoảng 35,77 triệu m3. Như vậy, nguồn cung đá làm VLXD thông thường đáp ứng được nhu cầu. Phần còn lại có thể cung cấp vật liệu để sản xuất cát nghiền thay thế một phần cát bê tông và vữa.
Tuy nhiên, nguồn cát xây dựng và đất, cát san lấp thì không mấy khả quan. Bởi hiện tại, trữ lượng theo quy hoạch mới đạt khoảng 18 triệu m3 trong khi nhu cầu đến năm 2030 được dự báo khoảng 26,01 triệu m3, vẫn còn thiếu khoảng 8,01 triệu m3. Kể cả tính trên thực tế, với trữ lượng cấp phép khai thác còn lại và bổ sung thêm từ nguồn cát nghiền nhân tạo thì tổng công suất đạt khoảng 2 triệu m3/năm, sản lượng khai thác đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 14 triệu m3. So với nhu cầu khoảng 26,01 triệu m3, thì nguồn cát xây dựng sẽ còn thiếu khoảng 12,01 triệu m3. Đó còn chưa kể nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình quốc gia trên địa bàn tỉnh và nhu cầu xây dựng nhà dân còn đang rất lớn.
Và thực tế thiếu nguồn cát xây dựng đã xảy ra đối với địa bàn huyện Mường Lát. Theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Lát Hà Văn Tế, trên địa bàn huyện đã được tỉnh quy hoạch 6 điểm mỏ khai thác cát, gồm 3 điểm trên sông Mã và 3 điểm trên suối Xim. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở lại đây, huyện Mường Lát không có mỏ cát nào còn hạn cấp phép khai thác. Mặc dù được tỉnh cho phép tận thu ở một số vị trí, nhưng sản lượng cát vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Buộc các nhà thầu phải mua cát từ các huyện lân cận và tỉnh Hòa Bình với giá cao do cung đường vận chuyển dài.
Cũng theo Sở Xây dựng, tổng trữ lượng quy hoạch có khoảng 183 triệu m3 vật liệu san lấp công trình, trong khi nhu cầu đến năm 2030 khoảng 233,63 triệu m3, còn chưa kể nhu cầu công trình quốc gia trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó trưởng Phòng VLXD, Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: “Trước tình hình dự báo sản lượng cát xây dựng và đất san lấp thiếu hụt, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh xem xét bổ sung quy hoạch, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp phép mới, đấu giá quyền khai thác các mỏ đất san lấp. Đồng thời đề nghị các đơn vị trúng đấu giá tăng công suất khai thác để đảm bảo nguồn cung VLXD cát xây dựng, đất, cát san lấp”.
Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành chức năng, thực trạng này cũng đang đặt ra vấn đề sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn VLXD từ chính các chủ đầu tư công trình, dự án, nhất là cát xây dựng, đất cát san lấp. Bởi hiện nay các chủ đầu tư là các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện là chủ đầu tư đồng thời của nhiều dự án. Trong số này thì có dự án cần mua đất, cát, đá; có dự án lại phải đào đất, phá đá thừa đổ thải. Nếu các chủ đầu tư nghiên cứu chuyển tận thu từ nguồn VLXD phải đổ thải nếu đủ điều kiện để phục vụ san lấp công trình cần sử dụng thì không những tiết kiệm tài nguyên mà còn tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Cùng với đó, các chủ đầu tư cần nghiên cứu các quy định của pháp luật để lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng đảm bảo ràng buộc trách nhiệm trong việc cung cấp vật liệu để thi công xây dựng công trình đúng tiến độ, có chế tài xử lý cụ thể khi nhà thầu vi phạm hợp đồng do chậm tiến độ. Cương quyết xử lý, xử phạt đối với các nhà thầu thi công vi phạm hợp đồng xây dựng với lý do thiếu VLXD…
Bài và ảnh: Đỗ Đức
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dam-bao-nguon-cung-vat-lieu-xay-dung-221313.htm