Năm 2022, từ nguồn tin nhắn 1400 gửi về ủng hộ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2, tỉnh Thanh Hóa được trao hỗ trợ kinh phí thực hiện 2 mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo xã biên giới, trong đó có mô hình tổ hợp tác (THT) chăn nuôi lợn đen giống bản địa ở bản Hậu, xã Tam Lư (Quan Sơn). Mô hình có tổng kinh phí 100 triệu đồng, thu hút 10 hộ gia đình hội viên nghèo, cận nghèo tham gia.
Cán bộ hội thăm mô hình nuôi lợn nái đen bản địa tại hộ gia đình chị Lò Thị Miên ở bản Hậu, xã Tam Lư.
Mô hình này được Hội LHPN tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh trực tiếp triển khai, nhằm liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, giám sát, giúp đỡ nhau chăm sóc con giống phát triển tốt; mở rộng đàn lợn và phát huy lợi thế của kinh tế tập thể, tạo cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng biên còn nhiều khó khăn. Trong quá trình khảo sát thực hiện mô hình, các đơn vị đã làm việc với cấp ủy, chính quyền xã Tam Lư cùng đánh giá tiềm năng, nhu cầu và tính khả thi của mô hình để triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Hội LHPN và Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân xã Tam Lư thường xuyên phối hợp kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các thành viên của mô hình thực hiện đúng hướng dẫn, tập huấn kiến thức, tiêm phòng định kỳ, quản lý vốn vay, xây dựng kế hoạch trả số tiền vay theo định kỳ 5 triệu đồng/lần/năm, đảm bảo sau 2 năm các hộ hoàn trả được hết số vốn đã vay ban đầu để tiếp tục hỗ trợ hộ khác tham gia mô hình. Hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện mô hình nhằm phát huy cách làm hay và khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Tham gia mô hình THT chăn nuôi lợn đen giống bản địa tại bản Hậu, các hộ được trao ban đầu 6 con lợn nái và 44 lợn con giống trị giá 100 triệu đồng. Sau 1 năm triển khai thực hiện, mô hình phát triển khá hiệu quả từ 50 con lợn ban đầu tăng lên 159 con tổng đàn. Các hộ đã bán được 139 con lợn thịt. Theo đánh giá của thương lái và các hộ sử dụng thực phẩm, chất lượng thịt lợn đen bản địa thơm, ngon, thịt chắc, nhiều nạc rất được người dân tin dùng, thị trường tiêu thụ nhanh, ổn định. Theo thống kê sơ bộ của Ban điều hành mô hình THT, tổng số tiền bán lợn thịt của các hộ đạt 333 triệu đồng, trừ chi phí, 10 hộ thu lợi nhuận 193 triệu đồng. Đến nay, các hộ tiếp tục duy trì và phát triển thêm lợn nái mẹ lên 60 con để nhân đàn, mở rộng mô hình ra các hộ khác trong xã, giúp thêm nhiều hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập.
Chị Vi Thị Trọng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quan Sơn chia sẻ: Để mô hình đạt hiệu quả bền vững, Huyện hội đã chỉ đạo sát sao cơ sở hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu thực sự của hội viên và thực tiễn tại địa phương để tham mưu chính xác những nội dung cần thực hiện mô hình. Cùng với đó, cán bộ Huyện hội và Hội phụ nữ xã thường xuyên sâu sát đến từng hộ gia đình thành viên THT để tuyên truyền cho hộ biết, hiểu về các chủ trương, kế hoạch, định hướng phát triển mô hình có hiệu quả. Việc “cầm tay chỉ việc” của hội đối với các hộ không chỉ giúp các hộ yên tâm mà còn tạo động lực và nâng cao nhận thức tự giác, tính chủ động của các hộ khi tham gia mô hình.
Chị Lò Thị Dư, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lư cho biết thêm: Mô hình THT chăn nuôi lợn nái đen giống bản địa ở bản Hậu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn thu nhập ổn định. Qua hơn 1 năm thực hiện, THT đã có 3/10 hộ thoát nghèo góp phần tích cực vào chương trình phát triển kinh tế giảm nghèo, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng xã NTM. Đặc biệt, mô hình đã tạo sự đoàn kết, tương thân, tương ái, san sẻ khó khăn với những chị em khác, thu hút hội viên tham gia tổ chức hội.
Bài và ảnh: Hà Lê
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ho-tro-mo-hinh-sinh-ke-cho-phu-nu-bien-cuong-tu-tin-nhan-1400-220718.htm