Tháng 7 – tháng của tri ân và tưởng niệm. Cùng với các hoạt động dâng hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ thành phố đến phường, xã của TP Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho người có công (NCC) với cách mạng nhằm thấm sâu và lan tỏa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Đồng chí Trần Anh Chung, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa thăm, tặng quà thân nhân người có công ở phường Quảng Thắng.
Xúc động xen lẫn tự hào khi được Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Trần Anh Chung đến thăm hỏi, động viên và tặng quà nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, thương binh Nguyễn Văn Nghĩa ở phường Quảng Thịnh cho biết: “Trong chiến tranh, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Vì thế, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi được trở về sau cuộc chiến. Đặc biệt, tôi rất phấn khởi và cảm động vì những gì mình đóng góp cho Tổ quốc luôn được các thế hệ hôm nay quan tâm và trân trọng. Tôi sẽ sống xứng đáng với sự quan tâm đó để lan tỏa tinh thần của người lính Cụ Hồ trong thời đại mới”.
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, TP Thanh Hóa có 26.320 người đã lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. Chiến tranh kết thúc, TP Thanh Hóa có 4.285 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, 4.146 thương binh, 1.254 bệnh binh, 288 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 73 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1.551 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Những con số ấy nói lên sự mất mát, đau thương và khốc liệt mà chiến tranh gây ra; đồng thời cũng phản ánh tinh thần quật cường, quả cảm, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân TP Thanh Hóa, góp phần cùng với quân dân cả nước tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cấp ủy, chính quyền TP Thanh Hóa luôn quan tâm chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa. Hiện nay, thành phố có 7.052 NCC và thân nhân NCC đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Để chăm lo đời sống cho NCC, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thành phố triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Trong đó, công tác rà soát, xem xét, lập danh sách, phê duyệt đối tượng được UBND các phường, xã và UBND thành phố thực hiện đúng theo quy định. Vì vậy, số hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với NCC, thân nhân NCC trên địa bàn thành phố luôn đạt tỷ lệ cao.
TP Thanh Hóa hiện nay không còn NCC là hộ nghèo, hộ cận nghèo; 100% NCC, thân nhân NCC với cách mạng trên địa bàn thành phố đều có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ thành phố đến phường, xã trong việc kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Giai đoạn 2021-2023, thành phố đã kêu gọi, vận động được hơn 2,1 tỷ đồng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, vượt chỉ tiêu Ban Chỉ đạo quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh giao. Từ nguồn quỹ này, thành phố và phường, xã đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới 16 ngôi nhà cho NCC. Nhờ đó, thành phố đã hoàn thành xong việc xây mới và sửa chữa nhà ở cho NCC, không còn gia đình nào phải ở trong những căn nhà tạm bợ, xuống cấp.
Với mong muốn bù đắp phần nào những mất mát, hy sinh, giúp những NCC và thân nhân NCC được sống vui, sống khỏe mỗi ngày, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác định số đối tượng NCC và thân nhân NCC được hưởng chế độ điều dưỡng theo quy định. Cùng với đó, thành phố đã trang cấp phương tiện, dụng cụ chỉnh hình cho 622 lượt đối tượng; phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho các thương, bệnh binh. Các phường, xã thường xuyên rà soát, thống kê danh sách đối tượng thuộc diện được cấp thẻ BHYT để mua và cấp thẻ kịp thời. Giai đoạn 2021-2023, thành phố đã cấp thẻ BHYT cho 16.614 lượt NCC với số tiền hơn 14 tỷ đồng và 7.055 lượt thân nhân NCC với số tiền hơn 5,9 tỷ đồng.
Cùng với chăm lo đời sống vật chất, TP Thanh Hóa cũng luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của NCC với cách mạng. Nhân các ngày lễ, tết, đặc biệt là Ngày Thương binh – Liệt sĩ, ngoài những phần quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các phường, xã đều tổ chức nhiều đoàn đến thăm, trao tặng những phần quà ý nghĩa cho NCC và thân nhân NCC. Những ngày này, hòa vào dòng chảy tri ân, thành phố và các phường, xã đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ như: thăm, tặng quà cho 100 NCC và thân nhân NCC; tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân tưởng nhớ sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng; dâng hoa, dâng hương tại Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã, Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng và Tượng đài Thanh niên xung phong. Ngoài ra, thành phố còn thành lập 2 đoàn đi dâng hoa, dâng hương viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm (Bá Thước), Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngọc Lặc và viếng các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Để thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, TP Thanh Hóa tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, để lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng” ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Bài và ảnh: Minh Khôi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tham-sau-va-lan-toa-truyen-thong-uong-nuoc-nho-nguon-220315.htm