“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo liêm chính, trí tuệ, mẫu mực, được Nhân dân yêu mến và kính trọng. Ở Tổng Bí thư hội tụ một cách dung dị và sinh động hình ảnh, nhân cách của người Việt Nam tự tin mà khiêm nhường, cứng cỏi mà hiền hòa, quyết liệt mà bao dung”. Đó là tình cảm trân quý mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thanh Hóa dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi chia sẻ với chúng tôi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và nói chuyện với Nhân dân xã Mường Chanh (Mường Lát). Ảnh tư liệu của Minh Hiếu
14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật, đưa tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Thế nhưng, Tổng Bí thư vẫn luôn giữ phong thái giản dị, điềm đạm và hết sức khiêm tốn. “Không chỉ là nhà lãnh đạo lỗi lạc, trí tuệ và tài năng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một hình mẫu cho phong cách lãnh đạo giản dị, gần gũi, thân thiết. Chính sự thân tình, gần gũi ấy khiến tôi cảm thấy không còn khoảng cách mỗi lần được gặp Tổng Bí thư” – đồng chí Đinh Tiên Phong, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thanh Hóa chia sẻ.
Được gặp gỡ, làm việc với Tổng Bí thư nhiều lần khi còn đang đương chức, đồng chí Đinh Tiên Phong cho biết: “Trong bộn bề công việc chung của đất nước nhưng Tổng Bí thư vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với xứ Thanh. Từ khi giữ chức Chủ tịch Quốc hội và sau là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần về thăm Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa. Lần cuối cùng cách đây tròn 10 năm, khi ấy tôi đang làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Với tầm nhìn xa trông rộng, hiểu rõ vị thế chiến lược của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Tổng Bí thư đã gợi mở, định hướng nhiều vấn đề lớn khi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh nhà. Tổng Bí thư đã chỉ rõ rằng, muốn phát triển nhanh và mạnh, Thanh Hóa phải tìm ra hướng phát triển công nghiệp, đưa công nghiệp trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, muốn cho các huyện miền núi tiến kịp miền xuôi thì phải quan tâm đầu tư phát triển khu vực miền Tây Thanh Hóa. Đối với khu vực nông thôn, Tổng Bí thư nhấn mạnh người dân không chỉ sống bằng cây lúa mà cần ưu tiên phát triển cây trồng vốn là thế mạnh của từng vùng, từng miền để tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao”. Với sự chỉ đạo và định hướng rất rõ ràng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đổi mới tư duy, quyết liệt hành động, đồng thời tranh thủ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để xây dựng tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh. Theo đó, trong phát triển kinh tế, Thanh Hóa ưu tiên phát triển các vùng công nghiệp động lực, tạo tiền đề và nền tảng quan trọng để công nghiệp “cất cánh” những năm sau đó và “bứt phá” vượt trội những năm gần đây. Đối với khu vực miền Tây, Thanh Hóa đã ban hành nhiều chương trình, đề án, đồng thời lồng ghép hiệu quả một số chính sách của Trung ương để kích cầu phát triển kinh tế – xã hội, đưa các huyện miền Tây xứ Thanh “bứt phá” đi lên.
Trong mạch nguồn câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Đinh Tiên Phong cho biết thêm: “Những lần làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thanh Hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều căn dặn: Cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thanh Hóa phải đoàn kết, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân, bởi đoàn kết là sức mạnh để giúp nhau cùng phát triển, nếu không đoàn kết sẽ không làm được gì”. Đáp lại sự quan tâm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa đã chung sức đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gặt hái được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Nền kinh tế của tỉnh những năm gần đây luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá và toàn diện, năng lực cạnh tranh được nâng cao và luôn đứng trong top đầu cả nước. Nhìn lại chục năm về trước – năm 2014 khi Tổng Bí thư về thăm và làm việc tại tỉnh ta, Thanh Hóa vẫn chỉ là vùng đất nghèo, chưa có nhiều phát triển nổi bật. Thế nhưng 10 năm sau, Thanh Hóa hoàn toàn có quyền tự hào khi trở thành điểm sáng của cả nước trên thang bậc phát triển kinh tế – xã hội với nhiều chỉ tiêu quan trọng đã xác lập những con số ấn tượng chưa từng có.
Từng công tác tại Công an tỉnh, ông Nguyễn Hữu Lô, Bí thư chi bộ Tổ dân phố Phú Thọ 1, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Có thể nói, một trong những thành công lớn để lại dấu ấn đậm nét trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây chính là thành quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà đồng chí Tổng Bí thư là người đã nhóm lửa, truyền lửa và giữ lửa cho cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Chưa bao giờ công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm này mang lại làm nức lòng dân đến vậy”. Ông Nguyễn Hữu Lô cho rằng những câu nói dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện nhưng rất sâu sắc và thấm thía của Tổng Bí thư đã trở thành “thông điệp” mạnh mẽ, là “mệnh lệnh” góp phần đẩy lùi “cuộc chiến” chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng. “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” hay “Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” đã thể hiện rất rõ tinh thần quyết liệt không khoan nhượng của Tổng Bí thư. Chống tham nhũng không có vùng cấm, nhưng không phải chỉ nhăm nhăm vào kỷ luật cán bộ, mà “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Xử lý kỷ luật cán bộ phải kết hợp với xây dựng đội ngũ cán bộ, xây là chính, tạo môi trường khích lệ cán bộ làm việc. Ðó cũng là một trong những nội dung thể hiện quan điểm nghiêm minh nhưng rất nhân văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm bản Sáng, xã Quang Chiểu (Mường Lát) năm 2011. Ảnh tư liệu của Minh Hiếu
Phát triển bền vững cần sự cân đối, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất, thì văn hóa chính là nền tảng tinh thần cho mọi sự phát triển. Kinh tế tăng trưởng sẽ tạo tiền đề vững chắc để các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ. “Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà lãnh đạo xuất sắc trên mặt trận văn hóa của Đảng đã dành nhiều tâm huyết xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước” – giảng viên Lê Đình Hải, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nhấn mạnh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện, sâu sắc lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, hội nghị văn hóa toàn quốc của Đảng sau hơn 75 năm là dấu mốc gắn kết tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Nếu chỉ nói hai chữ “kính trọng” thì ắt hẳn chưa đủ để mỗi đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên có thể diễn tả hết tình cảm của mình dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” – anh Lê Ngọc Anh, Bí thư Thành đoàn TP Thanh Hóa chia sẻ. Là Bí thư Thành đoàn trẻ tuổi, Lê Ngọc Anh nhớ mãi lời căn dặn của Tổng Bí thư với thanh niên về “5 tiên phong” trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027. Trong đó “tiên phong” đầu tiên mà Tổng Bí thư dặn dò thanh niên Việt Nam là “tiên phong trong việc trau dồi đạo đức cách mạng”. Đạo đức cách mạng là một trong những cụm từ được Tổng Bí thư sử dụng thường xuyên khi bàn về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và chính đồng chí là một tấm gương sáng ngời để cán bộ, đảng viên và thanh niên Việt Nam noi theo. “Dù chưa có cơ hội được gặp trực tiếp Tổng Bí thư nhưng hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với tôi vô cùng gần gũi. Càng kính trọng và nhớ về những lời căn dặn mà đồng chí Tổng Bí thư đã dành cho thế hệ trẻ, chúng tôi càng phải ra sức phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong học tập và công tác để thể hiện sự tiên phong mà Tổng Bí thư đã gửi gắm cho thế hệ trẻ cả nước” – Bí thư Thành đoàn TP Thanh Hóa Lê Ngọc Anh nhấn mạnh.
“Ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng răn mình, giũa sáng tứ đức “cần, kiệm, liêm, chính” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã dạy. Người dân chúng tôi luôn dành sự kính trọng và yêu mến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người luôn nhất quán giữa nói và làm, lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích của dân làm mục tiêu phấn đấu, luôn gần dân, sát dân và có một trái tim vô cùng nhân hậu. Tổng Bí thư đã giành được trọn vẹn “lòng tin” của dân và sống trong “lòng dân” chúng tôi”. Đó là suy nghĩ của bà Tống Thị Cơ cũng như nhiều người dân thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) khi nói về vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kính trọng, ngưỡng mộ, tiếc thương, quý mến… là những tình cảm chân thành mà mỗi người dân xứ Thanh dành cho Tổng Bí thư. Một trái tim lớn đã ngừng đập, một con người tài ba, bình dị và liêm chính đã đi xa. Đau thương mất mát nhưng rất đỗi tự hào. Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn nữa nhưng cuộc đời hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cùng tình cảm, sự quan tâm mà đồng chí dành cho Thanh Hóa sẽ mãi là điểm tựa, là nguồn động viên tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa không ngừng phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, góp phần cùng với cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Tố Phương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nha-lanh-dao-binh-di-trong-long-dan-220142.htm