Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về thị trường tiêu thụ, công nghệ và lao động, nhiều làng nghề tại Thanh Hóa với hướng đi riêng vẫn trường tồn cùng năm tháng. Không chỉ lưu giữ được bản sắc văn hóa, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nhiều làng nghề đã trở thành niềm tự hào về tinh thần lao động, sáng tạo của con người xứ Thanh.
Sản phẩm của làng nghề rèn Tiến Lộc được Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài phát triển thành sản phẩm OCOP 3 sao và được chứng nhận top 10 thương hiệu uy tín quốc gia.
Những làng nghề trường tồn cùng thời gian
Nhắc đến những làng nghề “trăm tuổi” ở xứ Thanh, không thể thiếu làng nghề đúc đồng Trà Đông (làng Chè), xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Không ai biết chính xác nghề đúc đồng ở làng Trà Đông có tự bao giờ, chỉ biết rằng nghề đã lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có những bước phát triển mới. Đỉnh cao nhất, các nghệ nhân đã nghiên cứu, phục dựng thành công trống đồng theo phương pháp thủ công truyền thống sau nhiều thế kỷ bị thất truyền. Những chiếc trống đồng, đồ đồng làng Trà Đông ngày nay đã vượt ra khỏi lũy tre làng, mang theo niềm tự hào của người dân “Kẻ Chè” và xứ Thanh tới khắp mọi miền đất nước. Năm 2018, nghề đúc đồng cổ truyền làng Trà Đông đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là một trong những làng nghề hiếm hoi trên cả nước có giá trị sản xuất vượt ngưỡng 200 tỷ đồng/năm. Không những tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động, nghề đúc đồng nơi đây đã đóng góp một phần quan trọng trong lưu giữ tiếng trống đồng vang vọng của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Hiện nay, trên địa bàn xã Thiệu Trung có 132 cơ sở đúc đồng, chiếm 35,2% số hộ trong làng. Nghề đúc đồng truyền thống đã tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương. Ở Trà Đông, nhiều hộ gia đình nhờ nghề truyền thống cũng đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, có đời sống kinh tế khá giả.
Với vùng nguyên liệu cói khoảng 2.000ha, Thanh Hóa cũng có tới hàng chục làng nghề dệt chiếu và đồ thủ công mỹ nghệ từ cói, tập trung chủ yếu ở các huyện Nga Sơn và Quảng Xương. Hiện nay, có 5 làng nghề làm chiếu cói, 14 làng nghề làm chiếu cói truyền thống tại huyện Nga Sơn, 5 làng nghề tại huyện Quảng Xương đã được UBND tỉnh công nhận.
Bắt đầu từ những sản phẩm dân dã, thôn quê đơn thuần là chiếu cói, ngày nay, những nhánh cói dài, dai đặc trưng đã được những đôi tay tài hoa, sáng tạo của người thợ “thổi hồn” thành nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, độc đáo, giá trị cao như dép đi trong nhà, gương trang trí, bình hoa cói xanh, khay, đĩa… Theo chân các doanh nghiệp như Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, Công ty TNHH Ngân Khương, Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh… sản phẩm cói xứ Thanh đã có mặt tại nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cộng hòa Séc…
Theo thống kê của Sở Công Thương, riêng trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, toàn tỉnh hiện có 18 làng nghề và 53 làng nghề truyền thống đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí. Các làng nghề này đang tạo việc làm cho khoảng 65.000 lao động với thu nhập bình quân từ 4 – 10 triệu đồng/người/tháng… Nhiều làng nghề có sức sống bền bỉ, phát triển ngày càng hưng thịnh như nghề rèn xã Tiến Lộc (Hậu Lộc); nghề mộc làng Đạt Tài (Hoằng Hóa); nghề đá mỹ nghệ làng Mai, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc); làng nghề chế biến thủy sản xã Hải Bình (thị xã Nghi Sơn)…
Bắt kịp xu thế
Tuy có lợi thế với thương hiệu “truyền miệng”, tuy nhiên, bí quyết để nhiều làng nghề có sức sống lâu bền phụ thuộc rất nhiều vào tư duy nhạy bén để hội nhập với thị trường. Nhiều làng nghề ở xứ Thanh ngày nay có những chủ thể là những người trẻ tuổi, với những tìm tòi, sáng tạo mới và sẵn sàng bắt nhịp với thị hiếu, phương thức tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tiến Lộc (Hậu Lộc), từ nhỏ anh Phạm Văn Tiến (sinh 1995) đã có niềm đam mê đặc biệt với nghề rèn truyền thống mà cha ông để lại. Năm 2013, anh Tiến bắt đầu lập nghiệp và dành thời gian đi nhiều làng rèn ở các tỉnh, thành trong cả nước. Anh Tiến cho biết: “Không chỉ học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, cách quản lý sản xuất kinh doanh, đó còn là cơ hội để mình nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài học hỏi trong nước, tôi còn tìm kiếm, nghiên cứu thêm các thông tin về việc chế tác dao ở một số nước phát triển, đặc biệt là Nhật Bản thông qua mạng internet”.
Sau gần chục năm vừa nghiên cứu, học hỏi, tích lũy nguồn vốn, năm 2022, anh Tiến đã quyết định thành lập Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài tại làng nghề rèn trên quê hương Tiến Lộc và đầu tư gần 1 tỷ đồng mua sắm máy plasma, máy đột dập, lò tôi cao tần, máy cắt tôn để sản xuất dao thép trắng không gỉ. Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện trên thị trường, sản phẩm dao thép trắng không gỉ đã thu hút người tiêu dùng, bởi dao vẫn giữ những nét truyền thống của làng rèn Tiến Lộc, song độ chống gỉ đạt tới 96%. Năm 2023, sản phẩm dao thép không gỉ XR Tấn Lộc Tài đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và được chứng nhận top 10 thương hiệu uy tín quốc gia. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình, đến nay anh Phạm Văn Tiến đã phát triển thành 2 cơ sở sản xuất, có diện tích 250 – 300m2/cơ sở, tạo việc làm thường xuyên cho 15 – 17 lao động tại chỗ và 60 người dân địa phương nhận sản phẩm về nhà gia công. Cơ sở 3 với diện tích 1.500m2 cũng đang được anh Tiến xúc tiến đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất và hoàn thiện không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 1.490 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với sự nhạy bén của các doanh nghiệp, chủ thể làng nghề trẻ tuổi tham gia sản xuất, từ khi tỉnh Thanh Hóa triển khai Chương trình OCOP cũng đã tạo “cú hích” làm đổi mới tư duy sản xuất tại các làng nghề, làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề có “sức sống” tốt và không ngừng mở rộng phạm vi sản xuất, kinh doanh, như: làng nghề bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa Xuân Lập, miến gạo Phú Xuân, nón lá Ngọc Thơm (Thọ Xuân); bánh đa Tân Châu (Thiệu Hóa); miến gạo Thăng Long, hương bài Vạn Thắng (Nông Cống); chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc); tương làng Ái (Yên Định)… Đến nay, đã có 18 sản phẩm OCOP là sản phẩm của các làng nghề, làng nghề truyền thống đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao. Hầu hết các sản phẩm làng nghề sau khi gắn sao OCOP đều phát triển tốt, với mức bình quân tăng từ 20 – 25% so với trước khi tham gia chương trình. Trong đó, có một số sản phẩm phát triển thị trường rất khả quan, có mặt tại nhiều chuỗi hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu thành công tại những thị trường khó tính.
Cũng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với vùng nguyên liệu tại chỗ để cung cấp cho các làng nghề như vùng cói hơn 2.000ha; vùng tre, nứa, luồng, vầu lớn nhất cả nước với 128.000ha sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề, đặc biệt là làng nghề thủ công mỹ nghệ có cơ hội phát triển. Cùng với tiếp tục phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đặc trưng, tham gia vào chương trình OCOP, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa làng nghề gắn với thương hiệu du lịch của tỉnh, kích cầu tối đa dư địa tiêu thụ hàng hóa gắn với du lịch còn chưa khai thác hết tiềm năng.
Bài và ảnh: Minh Hằng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xu-thanh-noi-hoi-tu-san-pham-tinh-hoa-bai-cuoi-lang-nghe-va-lang-nghe-truyen-thong-bat-nhip-xu-huong-thi-truong-220117.htm