Xứ Thanh vốn là mảnh đất có nhiều sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu gắn với văn hóa, truyền thống của đồng bào các dân tộc. Những sản phẩm đó không chỉ chứa đựng tinh hoa văn hóa mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thông qua “làn gió” của Chương trình OCOP, những sản phẩm mang tính bản địa, đặc trưng ấy đã được nâng cao giá trị, dần khẳng định được thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà còn từng bước vươn tầm quốc tế.
Các sản phẩm OCOP từ yến sào của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh đã kết nối được với thị trường Trung Quốc. Ảnh: Lê Hòa
Khẳng định vị thế trên “sân nhà”
Giữa hàng nghìn sản phẩm chất lượng cao, đặc sản vùng miền, song những sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa luôn được ưu tiên bày ở vị trí trang trọng, dễ thấy trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Ông Đặng Thế Giang, đại diện Siêu thị thực phẩm sạch Minh Anh, Khu Đô thị Bình Minh (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Trước đây, khách hàng thường chú trọng mua và sử dụng các loại sản phẩm nhập khẩu hoặc liên doanh sản xuất. Tuy nhiên, do giá cả cao, một phần lo ngại hàng ngoại nhập thường không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc rõ ràng. Hơn nữa, khi Chương trình OCOP được triển khai rộng rãi với hàng trăm sản phẩm nông sản, thực phẩm, đồ uống có nhãn mác, bao bì, có truy xuất nguồn gốc, được cơ quan chuyên môn công nhận thì người tiêu dùng đã dần chuyển sang nhóm hàng OCOP. Từ chỗ là hàng hóa trưng bày quảng bá, đến nay, doanh thu từ hàng hóa OCOP đã chiếm hơn 20% doanh thu sản phẩm nhóm thực phẩm tại siêu thị”.
Khảo sát tại một số siêu thị, như Co.opmart, Winmart, The Go!… cho thấy, dù không chiếm tỷ lệ lớn, song các mặt hàng OCOP nói chung và sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã được bán rộng rãi, trở thành một trong những mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn. Đáng chú ý, các chủ thể OCOP đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã, tăng cường quảng bá sản phẩm… Từ đó tạo sự tin dùng và tự hào về hàng Việt Nam nói chung và sản phẩm OCOP Thanh Hóa nói riêng, tiêu biểu như: các sản phẩm mắm tôm, mắm tép của Công ty CP Nước mắm Cự Nham (Quảng Xương) đã có mặt ở hàng chục siêu thị lớn nhỏ và có 200 đại lý tiêu thụ trên địa bàn cả nước; sản phẩm trứng gà, bí xanh, măng tây của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần (Đông Sơn) có mặt tại hệ thống Siêu thị Co.opmart và nhiều cửa hàng, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn… Với những nỗ lực của các chủ thể sản xuất, 508 sản phẩm OCOP của tỉnh, trong đó có hơn 60% là sản phẩm thực phẩm, nông sản đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, hình thành hàng trăm chuỗi cung ứng bền vững, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người sản xuất. Đồng thời, tạo những bước đệm vững chắc để tiến xa hơn, vươn ra thị trường xuất khẩu.
Vươn tầm ra thế giới
Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa Việt Nam đã và đang chinh phục được người tiêu dùng toàn cầu. Đây cũng là cơ hội lớn cho hàng hóa mang nhãn hiệu OCOP cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Là một trong những sản phẩm OCOP “đầu lòng” của Thanh Hóa, sản phẩm lá xông cảm lạnh, ngâm chân Mộc Việt của Công ty TNHH Đông y Quang Anh (Quảng Xương) đã từng bước khẳng định vị thế, sức cạnh tranh trên thị trường. Vốn là sản phẩm đông y gia truyền, song với tính ưu việt, vượt trội và hiệu quả sử dụng, công ty đã nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã để khẳng định vị thế trong lĩnh vực đông y. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, giám đốc công ty, cho biết: “Những sản phẩm được bào chế từ thảo mộc không chỉ có giá trị chăm sóc sức khỏe, mà thẳm sâu trong đó còn là việc bảo tồn tri thức, nguồn nguyên liệu địa phương, lớn hơn là thể hiện sự gìn giữ, lòng biết ơn với các loại thảo mộc tự nhiên. Vì vậy, sản phẩm của chúng tôi đã trở thành một trong những dòng thảo dược được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở đông y, chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, sản phẩm có mặt tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước và được xuất sang Nhật Bản thông qua đơn vị trung gian”.
Cuối năm 2023, thông qua tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại ở một số tỉnh, thành phố, như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… sản phẩm yến sào của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh (Hậu Lộc) đã tiếp cận được với đối tác đến từ Trung Quốc. Chuyến thăm, làm việc của đối tác đã mở ra cơ hội cho những lô sản phẩm OCOP từ yến sào đầu tiên của tỉnh được xuất tới thị trường tiềm năng này. “Không những tìm được đối tác tại Đài Loan, chúng tôi còn thiết lập được mối quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp Trung Quốc và được đối tác đánh giá cao về hàm lượng, chất lượng của sản phẩm. Hiện thực “giấc mơ” xuất khẩu sản phẩm từ yến nói riêng và sản phẩm OCOP “made in Thanh Hóa” đã không còn là giấc mơ xa vời khi chủ thể sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế” – ông Nguyễn Văn Tú, giám đốc công ty khẳng định.
Tính đến tháng 7/2024, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được 508 sản phẩm OCOP; trong đó, nhiều sản phẩm OCOP đã và đang khẳng định được thương hiệu, chất lượng, chinh phục được thị trường trong nước và 23 sản phẩm góp mặt tại các quốc gia được coi là thị trường khó tính, khó tiếp cận. Tiêu biểu, như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Hoằng Hóa) xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre của Công ty TNHH Vibabo (Thường Xuân) xuất khẩu sang Thụy Sỹ, Thụy Điển, Hoa Kỳ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Nga Sơn) xuất khẩu trực tiếp và bán tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BambooVina (Hà Trung) đã xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Đức… Và, nhiều sản phẩm OCOP đã trở thành quà tặng thương hiệu địa phương.
Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, cho rằng: “Để khẳng định thương hiệu, vị thế và hướng tới xuất khẩu, các chủ thể OCOP cần tiếp tục nâng “chất” sản phẩm, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn, chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, tiếp thị sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và bán sản phẩm để những sản phẩm OCOP nói chung, sản phẩm truyền thống, tiêu biểu của tỉnh được quảng bá ở trong nước và quốc tế”.
Lê Hòa
Bài cuối: Làng nghề và làng nghề truyền thống bắt nhịp xu hướng thị trường.
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xu-thanh-noi-hoi-tu-san-pham-tinh-hoa-bai-2-san-pham-ocop-khang-dinh-thuong-hieu-vuon-tam-quoc-te-219987.htm