Phạm Văn Hinh sinh năm 1914, quê ở làng Cẩm Bào, tổng Cổ Tế, huyện Thạch Thành, phủ Quảng Hóa, nay là làng Cẩm Bào, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc). Dù xuất thân trong một gia đình quan lại phong kiến, nhưng ông lại sớm giác ngộ cách mạng.
Nhà thờ họ Phạm ở làng Cẩm Bảo, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) – nơi thờ cúng liệt sĩ Phạm Văn Hinh.
Năm 13 tuổi, ông học Trường Pháp – Việt ở Vĩnh Lộc, 19 tuổi thi đỗ Prime tại Thanh Hóa và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1935, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại chi bộ ghép Vĩnh – Thạch. Ông không chỉ hoạt động ở các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, mà còn được những người phụ trách phong trào Thanh Hóa lúc bấy giờ giao nhiệm vụ rải truyền đơn ở Cẩm Thủy, Yên Định. Tại hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời khu vực Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, ông được bầu vào Ban Chấp hành lâm thời. Tháng 10/1940, Pháp nhường sân bay Gia Lâm, đường sắt Lạng Sơn và Cảng Hải Phòng cho Nhật, Phạm Văn Hinh và các đồng chí ở Yên Định tổ chức rải truyền đơn ở Hổ Bái, phản đối hoạt động đầu hàng của thực dân Pháp, khơi dậy tinh thần dân tộc, cổ vũ quần chúng vùng dậy đấu tranh, tạo làn sóng trong Nhân dân. Sau cuộc đấu tranh này, ông và nhiều đảng viên, quần chúng cách mạng bị bắt giữ và bị tra tấn dã man. Tháng 6/1941, mãn hạn tù ông trở về, được Tỉnh ủy tin tưởng, bổ sung vào Ban Cán sự vùng bắc Thanh Hóa. Là người rất giỏi võ lại biết đấu kiếm, với bí danh là Mây, ông được cử tham gia thành lập Chiến khu Ngọc Trạo.
Ngày 19/9/1941 Chiến khu Ngọc Trạo chính thức được thành lập với tổng số 24 đội viên, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm chỉ huy trưởng.
Rạng sáng 19/10/1941, Pháp đã huy động một lực lượng binh lính khá lớn dưới sự chỉ huy của Chánh mật thám Bắc Kỳ Phờ-lơ-tô chia làm 3 mũi tấn công Ngọc Trạo.
Với trách nhiệm là trưởng ban trinh sát, Phạm Văn Hinh lẳng lặng đi làm nhiệm vụ, ông lần theo mương nước nhỏ tìm tới gần đình, nấp phía sau quan sát trận địa. Khi phát hiện rõ địch tình, định trở về hội báo thì ông bị địch bắn xối xả. Mặc dù toàn thân nhuốm máu, song ông vẫn lết thoát khỏi vòng vây của giặc. Về phía đội du kích Ngọc Trạo, khi nghe tiếng súng nổ, ban chỉ huy đã kịp thời tập hợp được tiểu đội súng, tổ trinh sát và một số tiểu đội khác tiến về phía địch. Lệnh phản công được quyết định, tiểu đội súng được lệnh châm ngòi nhưng kíp và thuốc bị ẩm, ba lần không nổ. Các tiểu đội khác được lệnh xung phong, dùng dao kiếm đánh địch.
Trận chiến đấu kết thúc. Ngay trưa hôm ấy, tại một địa điểm giữa khu rừng, toàn đội du kích cùng với cán bộ, đại diện bà con làng Ngọc Trạo nghiêm trang tổ chức lễ truy điệu ba chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến ác liệt này. Đó là Phạm Văn Hinh, Hoàng Văn Môn, Đỗ Văn Tước. Sau khi đội du kích rời khỏi làng Ngọc Trạo rút về tập kết ở khu vực thuộc làng Cẩm Bào, giặc Pháp đã đưa lính và tuần phu về càn quét và phá phách làng Ngọc Trạo, nhiều cán bộ địa phương và Nhân dân bị bắt giam, có tới ba lần chúng quật thi hài đồng chí Phạm Văn Hinh lên chụp ảnh, lấy dấu vân tay nhận diện. Chúng bắt cụ Hội Oanh và gia đình đồng chí Phạm Văn Hinh phải nhận đó là chồng, con, anh em mình.
Do yêu cầu thời kỳ hoạt động bí mật, với tinh thần của một người yêu nước và luôn hướng về cách mạng, cụ Hội Oanh và những người thân trong gia đình đã nén đau thương trong dạ mà khước từ. Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Oanh mới cho gia đình phát tang, làm giỗ Phạm Văn Hinh; Huyện ủy Thạch Thành đã tổ chức lễ truy điệu trang nghiêm và trọng thể. Tháng 6/1959, Phạm Văn Hinh được truy tặng liệt sĩ, trao bằng Tổ quốc ghi công, ghi rõ Phạm Văn Hinh là Tỉnh ủy viên Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Thanh Hóa.
Gương hy sinh anh dũng của Phạm Văn Hinh luôn sáng mãi trong lòng Nhân dân và Đảng bộ Thanh Hóa. Tên ông đã được đặt cho một tuyến đường ở TP Thanh Hóa, ở thị trấn Vĩnh Lộc. Tại xã Vĩnh Long quê hương ông và thị trấn Kim Tân của huyện Thạch Thành có hai trường THCS mang tên Phạm Văn Hinh.
Bài và ảnh: Nguyễn Huy Miên (CTV)
(Bài viết có sử dụng tư liệu sách: Chiến khu Ngọc Trạo – Bước phát triển mới của phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa (Ban Tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa); Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa – Tập 1, NXB Thanh Hóa; Gửi lại thời gian, Thơ, Hồi ký, Kịch bản của Thanh Đàm và nhiều tư liệu khác).
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nguoi-cong-san-kien-trung-cua-chien-khu-ngoc-trao-219992.htm