Thời gian qua, việc sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu thị trường. Đến nay, Thanh Hóa đã có hàng nghìn héc-ta cây trồng sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP với đa dạng các sản phẩm nông sản như lúa, rau màu, cây ăn quả…
Trang trại trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành).
Trên cánh đồng sản xuất lúa xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa), HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc và người dân nhiều năm qua đã đưa vào sản xuất diện rộng giống lúa Q5 theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trịnh Tất Đợi, một trong những hộ dân có diện tích sản xuất lớn tại thôn Hoạch Phúc, cho biết: “Hiện nay, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã khá thân thuộc với người dân; chúng tôi đã biết cách quản lý đồng ruộng như ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón đúng loại, đúng thời điểm, không còn tình trạng vứt vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi ngoài ruộng… Nhất là, HTX đã ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào công đoạn phun thuốc bảo vệ thực vật giúp tiết kiệm chi phí lao động, bảo vệ sức khỏe”. Do đó, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,3 lần so với giống lúa cũ; sản phẩm gạo hạt to, thơm, dẻo nên cũng thuận lợi hơn trong việc thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”.
Theo anh Nguyễn Văn Tỉnh, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc: “Phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng và bảo đảm được sức khỏe cho người sản xuất. Bên cạnh đó, thông qua mô hình giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ và nắm bắt được quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đồng thời sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa một cách khoa học”. Bởi vậy, không chỉ ở Thiệu Hóa, diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được mở rộng trên địa bàn tỉnh, như các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hà Trung, Thọ Xuân…
Từ thực tế khẳng định, lợi thế khi nông sản được sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, ngoài các doanh nghiệp thì một số HTX, người dân cũng đã chú trọng áp dụng khoa học – kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trồng trọt, nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó tạo lợi thế trong các kênh tiêu thụ cũng như thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhất là các sản phẩm đạt các chứng nhận này sẽ có nhiều lợi thế về giá cũng như sức cạnh tranh trên hành trình chinh phục thị trường.
Thị trấn Vân Du (Thạch Thành) được biết đến với nhiều trang trại trồng cây ăn quả quy mô lớn, được áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất. Anh Nguyễn Văn Chung, chủ trang trại trồng cây ăn quả quy mô lớn tại đây, cho biết: Hiện nay, các sản phẩm cam lòng vàng, bưởi da xanh tại trang trại đã đạt chứng chỉ GlobalGAP. Sản xuất theo tiêu chuẩn này không chỉ giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, an toàn cho người sản xuất. Ngoài các yêu cầu về kỹ thuật của GlobalGAP như sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục, giảm phân hóa học và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng, thời gian cách ly an toàn… thì các chủ trang trại phải đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun hiện đại, xây dựng nhà kho, bồn rửa để bảo quản sau thu hoạch…
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 480ha cây ăn quả đạt chứng nhận VietGAP, nhưng để đạt được tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn còn nhiều hạn chế do chi phí sản xuất cao, nguồn nhân lực phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng….
Mặc dù việc sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do một số địa phương diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; chi phí sản xuất cao; trình độ của nông dân còn hạn chế, cùng với việc ngại thay đổi tập quán canh tác… Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế; chuỗi sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian dẫn đến khó quản lý về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, với xu thế sản xuất nông sản an toàn như hiện nay, các địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tiếp tục nâng cao trình độ, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo tập huấn cho cán bộ địa phương để tư vấn, hướng dẫn người dân áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; quy hoạch vùng sản xuất an toàn; xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất – cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó lấy doanh nghiệp là hạt nhân. Cần có các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp an toàn, hỗ trợ kinh phí đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/day-manh-san-xuat-theo-tieu-chuan-vietgap-globalgap-219571.htm