Trong 6 tháng năm 2024, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát đưa 74 vụ án, 33 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời, khởi tố mới 456 vụ án/1.265 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 823 bị can về tham nhũng…
Sáng 8/7, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng năm 2024 về hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC chủ trì hội nghị.
Điểm cầu trực tuyến Ban Nội chính Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội Chính Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Chỉ đạo PCTNTC tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh.
Khởi tố nhiều vụ án mới liên quan đến tham nhũng
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Tiến và các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, trong 6 tháng năm 2024, các mặt công tác của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét, nổi bật là: Hoạt động của hầu hết các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã ngày càng đi vào nề nếp, bài bản, hiệu quả. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, vừa chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là vụ án, vụ việc phức tạp, kéo dài, có khó khăn vướng mắc; vừa chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm một số vụ án, vụ việc mới liên quan đến các hành vi sai phạm diễn ra từ các năm trước và cả những sai phạm mới phát sinh.
Trong 6 tháng năm 2024, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 74 vụ án, 33 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn vào diện theo dõi, chỉ đạo. Khởi tố mới 456 vụ án/1.265 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 823 bị can.
Trong đó, nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, như: Thành phố Hồ Chí Minh (94 vụ), Hà Nội (45 vụ), Thanh Hóa (15 vụ), Bình Phước (14 vụ)… Chỉ đạo xử lý 35 trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; khởi tố 73 vụ án/64 bị can phạm tội về tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài Nhà nước. Chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ được thực hiện khá nghiêm, có tác dụng răn đe, góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu “không dám” tham nhũng, tiêu cực.
Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, có 63 vụ việc/57 đối tượng tham nhũng, tiêu cực được phát hiện; các cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cấp có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật 949 tổ chức đảng/1.120 đảng viên do vi phạm những điều đảng viên không được làm và có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về xử lý cán bộ sau khi bị kỷ luật, kết quả đã xem xét cho thôi chức vụ đảng, bố trí công tác khác, miễn nhiệm chức vụ đối với 168 trường hợp cán bộ. Đi đôi với việc chỉ đạo các ngành chức năng, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành 123 cuộc kiểm tra, giám sát, ban hành 128 kết luận, kiến nghị qua kiểm tra, giám sát. Tiếp nhận, xử lý 1.528 đơn, chuyển cơ quan chức năng giải quyết 640 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 2.088 cuộc kiểm tra về thực hiện các giải pháp PCTNTC, qua đó, phát hiện 58 đơn vị có sai phạm và kịp thời khắc phục, chấn chỉnh. Chỉ đạo rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 6.824 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương cho thấy sự chuyển biến rõ nét, bước tiến quan trọng, góp phần khắc phục có hiệu quả tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương
Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng đã quán triệt nội dung Quy định 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Tiến tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả nổi bật và những tồn tại trong 6 tháng 2024 của ngành Nội chính Đảng. Đồng thời, các đại biểu đề xuất các giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm 2024, như: Tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác nội chính, PCTNTC; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định…
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh trong 6 tháng năm 2024. Để hoàn thành toàn diện các mặt hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2024, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đấu tranh PCTNTC, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC, gắn với thực hiện các chủ trương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời các Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Các địa phương đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC, đặc biệt chú trọng giáo dục liêm chính, xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn.
Trong đó, các địa phương tập trung công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo và Ban Chỉ đạo Trung ương giao cho các địa phương chỉ đạo xử lý. Đổi mới nội dung, phương thức, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-hien-dieu-tra-xu-ly-nghiem-nhieu-vu-an-vu-viec-tham-nhung-tieu-cuc-218890.htm