Chiều 8/7, tiếp tục ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, đồng chí Nguyễn Tuấn Tưởng, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã trình bày báo cáo của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Tuấn Tưởng trình bày báo cáo.
I. TÌNH HÌNH CHUNG
Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; trải qua các cuộc kháng chiến, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không quản gian khổ hy sinh, đóng góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Với truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, do đó các chế độ chính sách được triển khai kip thời, đầy đủ, góp phần ổn định chính trị, từng bước nâng cao đời sống gia đình người có công.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 350.377 người có công với cách mạng, trong đó 4.634 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 64 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống), 55.977 liệt sĩ, 860 cán bộ lão thành cách mạng, 444 cán bộ tiền khởi nghĩa, 43.610 thương binh, 15.977 bệnh binh, 15.237 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 1.169 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 210.833 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương… Hiện nay, toàn tỉnh có 66.823 người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng kinh phí chi trả hàng năm trên 1.800 tỷ đồng. Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương, bệnh binh nặng. Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ cũng đã được chú trọng. Có thể nói, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”… đã trở thành hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân chăm lo các gia đình người có công với Tổ quốc.
Các đại biểu dự hội nghị.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2023
Để kịp thời triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 9/12/2020; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương kịp thời triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Giai đoạn 2021 – 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện chính sách đối với người có công, là cơ sở để các ngành chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã kịp thời tham mưu và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai việc thực hiện. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã bạn hành đầy đủ, kịp thời các văn bản triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách
Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về người có công đã được UBND tỉnh, các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, chỉ đạo và thực hiện tích cực. Nhận thức về công tác chăm sóc người có công và thân nhân người có công với cách mạng được nâng lên, đã trở thành phong trào sâu rộng, được các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực hưởng ứng tham gia.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền, đưa tin bài, phóng sự về các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tăng thời lượng, tần suất phát sóng, chuyên mục để đăng tải, nhất là vào các dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Tết Nguyên đán hằng năm; thông qua các hội nghị, các tổ chức chính trị, xã hội, các lớp tập huấn, nhân rộng điển hình tiên tiến, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.
Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong thương binh, bệnh binh, gia đinh liệt sĩ, người có công với cách mạng vượt khó vươn lên, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường tuyên truyền phổ biến quy định về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho các cán bộ từ thôn, bản, khu dân cư trên địa bàn, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của huyện và hệ thống truyền thanh của cấp xã, thôn, bản.
3. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành
Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, tổ chức, hội, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công cũng như việc xét duyệt hồ sơ, giải quyết chế độ cho người có công đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn và giải quyết chế độ chính sách đổi với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong thực hiện quy tập và an táng hài cốt liệt sĩ; giải quyết chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong việc vận động chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; huy động nguồn lực xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; phối hợp với Sở Y tế trong công tác khám, giám định, xác định bệnh, tật, dị dạng dị tật làm cơ sở giải quyết chế độ chính sách; phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh trong việc truyên truyền phổ biến quy định pháp luật về người có công… Kết quả công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách đối với người có công. UBND cấp huyện thường xuyên với hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện việc giải quyết chế độ, trợ cấp cho người có công; phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện phát động các cơ quan, tổ chức chính trị cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ bằng việc làm thiết thực, ý nghĩa; tham mưu thành lập Đoàn công tác đi dâng hương viếng các nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài tỉnh vào dịp ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 hằng năm; thăm và tặng quà các gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Các đại biểu dự hội nghị.
4. Kết quả thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với các mạng
4.1. Chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần
Ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện chính sách chi trả trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công đảm bảo đúng chế độ, đúng đối tượng và kịp thời; góp phần ổn định đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Từ năm 2021 đến năm 2023 đã chi trả trợ cấp hàng tháng cho 200.538 lượt người có công và thân nhân người có công với cách mạng, với số tiền 5.329.959.351.020 đồng; trong đó đối với người có công là 144.683 lượt người, số tiền 4.375.764.247.020 đồng; đối với thân nhân người có công là 55.855 lượt người, số tiền 954.195.104.000 đồng.
4.2. Chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, tỉnh Thanh Hóa có 21.065 hộ được hỗ trợ, trong đó xây mới 10.425 hộ, sửa chữa 10.640 hộ, với tổng số tiền hỗ trợ 629.485,65 triệu đồng. Mặc dù Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 đã hết hiệu lực ngày 31/12/2019, song các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024, 2025.
Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn Masterise, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã hỗ trợ, tặng 58 nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình người có công với cách mạng của tỉnh, với trị giá từ 50 – 70 triệu đồng/nhà. Năm 2023, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây mới 194 nhà, với tồng kinh phí 10.031 triệu đồng; sữa chữa 11 nhà, với tổng kinh phí 213 triệu đồng.
4.3. Chính sách ưu đãi trong giáo dục – đào tạo, y tế, điều dưỡng, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng
Thực hiện chính sách về mua thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân, hàng năm 100% người có công còn sống và thân nhân người có công được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2016 của Bộ LĐ-TB&XH. Từ năm 2021 đến năm 2023 toàn tỉnh đã thực hiện chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế đối với 304.867 lượt người, với số tiền 254,659 tỷ đồng; chế độ ưu đãi trong giáo dục đối với 1.974 lượt người, với tổng kinh phí hơn 14,448 tỷ đồng; chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.
Việc điều dưỡng đối với người có công với cách mạng và thân nhân được quan tâm chỉ đạo thực hiện; từ năm 2021 đến năm 2023 đã tổ chức điều dưỡng luân phiên và điều dưỡng tại gia đình cho 81.711 lượt người có công với cách mạng và thân nhân, với tổng kinh phí thực hiện 129,094 tỷ đồng. Công tác chăm sóc nuôi dưỡng người có công với cách mạng và thân nhân người có công tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa được các cấp chính quyền và ngành quan tâm chỉ đạo sát sao, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện và khang trang, công tác chăm sóc phục vụ, nuôi dưỡng người có công đảm bảo khoa học, tận tình, chu đáo. Thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cải thiện đời sống sinh hoạt cho 6.862 lượt người có công với cách mạng với tổng kinh phí hơn 12,263 tỷ đồng.
4.4. Các chính sách ưu đãi khác
Ngoài các đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân người có công hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Sở LĐ-TB&XH đang quản lý và chi trả đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời trợ cấp đối với các nhóm đối tượng hưởng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 02/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tố quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
4.5. Thực hiện phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”
Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, doanh nghiệp và các địa phương thực hiện các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đẩy mạnh phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó, công tác huy động nguồn lực chăm sóc, ưu đãi người có công đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, việc làm cụ thể, thiết thực góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công cách mạng.
Trong 3 năm (2021 – 2023), Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh đã vận động được số tiền trên 2,7 tỷ đồng; từ nguồn Quỹ vận động được, tỉnh đã hỗ trợ 350 triệu đồng để xây dựng và sửa chữa nhà đối với người có công; hỗ trợ 14,5 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, nhà bia ghi công liệt sĩ; hỗ trợ 137 triệu đồng cho người có công với cách mạng gặp khó khăn trong đời sống, học tập; cấp huyện, cấp xã đã vận động được số tiền trên 60 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo nâng cấp, sữa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, tặng quà, hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ.
Công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà đối tượng chính sách người có công với cách mạng vào các dịp lễ, tết được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền và Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 hằng năm, toàn tỉnh đã có trên 380.000 lượt người có công với cách mạng và thân nhân được nhận quà của Chủ tịch nước và quà tặng của tỉnh, huyện với tổng kinh phí thực hiện trên 100 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh bố trí khoảng 50 tỷ đồng).
4.6. Công tác chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ
Sở LĐ-TB&XH và các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt việc chăm sóc mộ và các công trình ghi công liệt sĩ, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước đối với các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 741 công trình ghi công liệt sĩ, gồm: 31 nghĩa trang liệt sĩ (trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh quản lý), 22 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện và 7 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, với tổng số 10.912 mộ liệt sỹ, 253 đài tưởng niệm liệt sĩ, 368 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 89 tượng đài liệt sĩ.
Vào các dịp lễ, tết, nhất là dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, các cấp, các ngành, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức cho học sinh, đoàn viên thanh niên vệ sinh chỉnh trang nghĩa trang, các phần mộ liệt sĩ, dâng hương nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân… góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời góp phần giáo dục đạo lý, truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa cho thế hệ trẻ.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tìm kiếm, quy tập, bàn giao và an táng 25 hài cốt liệt sĩ do Đội quy tập trong nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và 47 hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước Công hòa dân chủ Nhân dân Lào về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm (Bá Thước, Thanh Hóa). Công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện bằng hai phương pháp: Phương pháp giám định ADN và phương pháp thực chứng. Trong 3 năm (2021 – 2023), Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đặc biệt là các cơ quan quân đội xác định được thông tin bằng phương pháp thực chứng đối với 241 trường hợp liệt sĩ.
4.7. Công tác phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
Việc truy tặng, trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tổ chức trang nghiêm, chu đáo, đồng thời giải quyết kịp thời các chế độ trợ cấp theo quy định sau khi được truy tặng và phong tặng. Toàn tỉnh có 4.634 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện có 64 mẹ còn sống; các mẹ đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời. Không chỉ phụng dưỡng hàng tháng, nhiều cơ quan, đơn vị ở xa vẫn thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi mẹ ốm đau hoặc phối hợp với địa phương lo việc tang lễ chu đáo khi mẹ qua đời; nhiều đơn vị ngoài việc phụng dưỡng tiền trợ cấp hàng tháng, còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình.
Từ năm 2021 đến năm 2023, Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh trình và được Thủ tướng Chính phủ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng 8 Bà mẹ.
5. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
Năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện thanh tra tại tỉnh Thanh Hóa và ban hành Kết luận thanh tra số 96/KL-TTr ngày 6/5/2022. Theo đó, có 2.114 trường hợp không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn hoặc phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, trong đó: 696 trường hợp không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng; 39 trường hợp phải điều chỉnh mức hưởng trợ cấp hằng tháng; 781 trường hợp cần tiếp tục kiểm tra, xác minh về tình trạng dị dạng, dị tật và khả năng lao động của đối tượng gián tiếp; 579 trường hợp cần bổ sung giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ theo quy định; 19 trường hợp cần xém xét lại kết quả giám định y khoa. Thực hiện Kết luận thanh tra số 96/KL-TTr, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành quyết định dừng và truy thu đối với 1.263 đối tượng, tổng số tiền phải truy thu 196.401.656.400 đồng, đến ngày 15/6/2024 đã truy thu, nộp ngân sách nhà nước 513.170.000 đồng.
Giai đoạn 2021-2023, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện thanh tra tại 3 huyện: Bá Thước, Quảng Xương, Hoằng Hóa và ban hành các Kết luận thanh tra. Tại huyện Hoằng Hóa ban hành 8 quyết định đình chỉ chế độ trợ cấp với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, có 72 đối tượng đình chỉ chế độ, số tiền truy thu 11.541.876.000 đồng. Tại huyện Bá Thước ban hành 10 quyết định đình chỉ, thu hồi quyết định và trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, có 10 đối tượng đình chỉ chế độ, số tiền truy thu 1.450.249.000 đồng. Đến nay, các đối tượng chưa nộp số tiền hưởng sai vào ngân sách nhà nước.
Hằng năm HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, sai phạm trong việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công để khắc phục kịp thời.
6. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
Trong giai đoạn 2021 – 2023, Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và tập trung chỉ đạo giải quyết.
Sở LĐ-TB&XH đã nhận 50 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân (33 đơn tố cáo, 17 đơn khiếu nại); trong đó 7 đơn lưu do không đủ điều kiện giải quyết, hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 14 đơn, chuyên 21 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời 1 đơn, giải quyết 7 đơn.
7. Kết quả giải quyết hồ sơ cho người có công
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận 7.127 hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân liên quan tới lĩnh vực người có công (chiếm tỷ lệ 49,5% tổng số hồ sơ tiếp nhận), kết quả: Đã có 6.677 hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn, đạt tỷ lệ 93,7%; đang giải quyết 450 hồ sơ trong hạn và không có hồ sơ quá hạn. Công tác quản lý hồ sơ người có công đã được áp dụng chuyển đổi số, đổi mới và khoa học. UBND tỉnh đã chỉ đạo nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý hồ sơ, đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hồ sơ và thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH hoàn thiện việc cập nhật dữ liệu và số hóa đối với 334.969 hồ sơ người có công.
8. Việc bố trí, quản lý và sử dụng ngân sách để thực hiện
Tổng số kinh phí Trung ương giao từ năm 2021 đến năm 2023 cho tỉnh Thanh Hóa là 6.153.412.556.000 đồng, tổng số dự toán đã thực hiện 5.982.446.804.280 đồng, trong đó kinh phí mộ nghĩa trang liệt sĩ 52.991.238.000 đồng. Cụ thể: Năm 2021, tổng dự toán Bộ LĐ-TB&XH giao 2.045.324.160.000 đồng, tổng dự toán đã thực hiện 1.963.449.620.298, trong đó kinh phí mộ nghĩa trang liệt sĩ là 15.739.800.000 đồng. Năm 2022, tổng dự toán Bộ LĐ-TB&XH giao 2.041.360.452.000 đồng, tổng dự toán đã thực hiện 1.964.904.037.204 đồng, trong đó kinh phí mộ nghĩa trang liệt sĩ là 18.535.000.000 đồng. Năm 2023, tổng dự toán Bộ LĐ-TB&XH giao 2.066.727.944.000 đồng, tổng dự toán đã thực hiện, 2.054.093.146.778 trong đó kinh phí mộ nghĩa trang liệt sĩ là 18.716.438.000 đồng.
Đối với kinh phí công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ trên cơ sở dự toán Bộ LĐ-TB &XH giao và hướng dẫn của Cục Người có công, Sở LĐ-TB&XH trình Chủ tịch UBND tỉnh phân bổ chi tiết và giao kinh phí cho từng công trình, dự án theo danh mục hướng dẫn của Cục Người có công. Các huyện, đơn vị thực hiện đúng quy trình quản lý, chi trả trợ cấp và kịp thời, đúng đối tượng, thực hiện thanh quyết toán đúng quy định. Hằng tháng, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố lập dự toán chi tiết tăng, giảm, điều chỉnh đối tượng hưởng thường xuyên và các loại trợ cấp khác đến từng đối tượng để thẩm định làm cơ sở cho Bưu điện tổ chức chi trả và thanh quyết toán sát đúng với dự toán đã lập. Công tác rà soát, đối chiếu, báo tăng, báo giảm kịp thời, thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng trước ngày 10 hằng tháng, hạn chế tối đa việc ký thay, ký hộ, đồng thời thực hiện niêm yết công khai danh sách tại các điểm chi trả theo quy định.
Đánh giá chung: Trên cơ sở quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, các chính sách do Trung ương và tỉnh ban hành, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công, thân nhân người có công trên địa bàn tỉnh được thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ và cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện. Các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh triển khai thực hiện các quy định về chính sách đối với người có công đầy đủ, kịp thời, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng, nhà nước và Nhân dân đối với người có công. Đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng được nâng cao, đến nay toàn tỉnh không có gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo, có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư.
III. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC; TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Khó khăn, vướng mắc
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương chưa phù hợp với thực tế, như: Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 về ưu đãi người có công với cách mạng; các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021; Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021; Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ.
Việc triển khai chủ trương chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng gặp nhiều khó khăn và bất cập.
Việc thu hồi số tiền các đối tượng hưởng sai quy định theo Kết luận số 96/KL-TTr ngày 6/5/2022 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và các Kết luận của Sở LĐ-TB&XH gặp nhiều khó khăn, bất cập do phần lớn các đối tượng là người cao tuổi, thường xuyên ốm đau, ít còn khả năng lao động và không có nguồn thu nhập khác, không có khả năng hoàn trả.
Việc bổ sung các giấy tờ xác nhận vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam và hồ sơ bệnh án của con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dừng trợ cấp sau Kết luận Thanh tra số 96/KL-TTr ngày 6/5/2024 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH gặp nhiều khó khăn do không còn lưu được giấy tờ gốc thể hiện thời gian ở chiến trường hoặc giấy tờ gốc có ghi phiên hiệu đơn vị nhưng không thể hiện vùng, miền hoạt động ở chiến trường và hồ sơ bệnh án không còn lưu giữ.
2. Tồn tại, hạn chế
Công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng ở một số địa phương có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Các hoạt động tuyên truyền nội dung, ý nghĩa công tác đền ơn, đáp nghĩa và thực hiện chủ trương chính sách người có công chủ yếu tập trung vào các dịp lễ, tết và chưa được triển khai thường xuyên, rộng rãi. Công tác theo dõi và quản lý đối tượng người có công trên địa bàn tại một số địa phương còn hạn chế, chưa chặt chẽ.
UBND tỉnh chưa ban hành Quy chế quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; chưa hướng dẫn để UBND cấp huyện, cấp xã ban hành Quyết định thành lập, Quy chế quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện, xã.
Công tác tập huấn nghiệp vụ cho công chức LĐ-TB&XH cấp xã có lúc chưa kịp thời, nhất là khi có văn bản của Trung ương mới ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản đã ban hành trước đó nên có nơi công chức phụ trách còn lúng túng về chuyên môn, còn để xảy ra tình trạng sót chính sách, chính sách chậm thực hiện, thậm chí có nơi còn xảy ra sai phạm.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách đổi với người có công chưa thường xuyên. Số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và nội dung thanh tra, kiểm tra của Sở LĐ-TB&XH, các huyện, thị xã, thành phố còn ít; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương có lúc chưa chặt chẽ.
Việc khai thác dữ liệu người có công trên phần mềm mạng chưa phổ biến, cán bộ phụ trách lĩnh vực người có công chưa được phân cấp, phần quyền để khai thác dữ liệu người có công đang lưu trữ tại cấp sở; công tác giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công và môi trường điện tử chưa triệt để, còn mất nhiều thời gian dẫn đến chưa kịp thời. Công tác theo dõi và quản lý đối tượng người có công trên địa bàn cấp xã có nơi, có lúc chưa chặt chẽ; công tác chăm sóc đời sống và sức khoẻ cho đối tượng người có công còn hạn chế, các phong trào giúp đỡ người có công chưa duy trì được thường xuyên.
Cán bộ phụ trách lĩnh vực LĐ-TB&XH ở cấp xã phần lớn kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, năng lực chuyên môn còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc thực hiện các chính sách đối với người có công.
3. Nguyên nhân
3.1. Nguyên nhân khách quan
Các văn bản quản lý trong lĩnh vực thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng nhiều, luôn thay đổi theo từng thời kỳ dễ gây chồng chéo. Đối tượng chính sách có nhiều loại, nhiều mức trợ cấp gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thực hiện chế độ chính sách.
Để xác nhận và được hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng cần có đủ tài liệu hồ sơ, chứng cứ theo quy định nhưng phần lớn những người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến đã lâu, đên nay không còn lưu trữ được giấy tờ gốc, không còn nhân chứng biết rõ sự việc nên việc xác lập hồ sơ còn nhiều khó khăn.
Việc bổ sung các giấy tờ gốc của các đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trực tiếp hoặc gián tiếp bị dừng trợ cấp gặp nhiều khó khăn do một số đối tượng tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện để vào lại đơn vị tham gia chiến đấu xin lại giấy tờ hoặc một số đối tượng chất độc hóa học trực tiếp đã chết. Hồ sơ bệnh án xác định mức độ dị dạng, dị tật của con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học không còn lưu trữ hoặc đã bị thất lạc.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng người có công với cách mạng chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chưa thường xuyên.
Công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện chính sách người có công và thân nhân người có công ở một số địa phương chưa toàn diện, chưa sâu sát.
Đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực LĐ-TB&XH cấp huyện chưa được tăng cường về số lượng và chất lượng, nhất là số cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ làm công tác chính sách ở xã, phường, thị trấn không ổn định, kiêm nhiệm nhiều việc, năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Việc triển khai chủ trương chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng gặp nhiều khó khăn do đa số người có công tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn, không có điện thoại thông minh cũng không biết thao tác trên điện thoại và cây ATM nên việc rút tiền gặp nhiều khó khăn, còn việc ủy quyền cho con cháu cũng gặp nhiều bất cập, nên chủ trương chi trả qua thẻ ATM chưa được người có công đồng thuận và nhiều người có công muốn chi trả theo cách truyền thống nhận trực tiếp qua bưu điện xã.
Đa số đối tượng thương binh, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học bị thu hồi chế độ nay đã già yếu, ốm đau không có nguồn thu nhập khác hoặc có hoàn cảnh khó khăn nên việc thu hồi số tiền hưởng sai gặp nhiều khó khăn.
Công tác kiểm tra, rà soát định kỳ hằng quý và hằng năm chưa được thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện những đối tượng hưởng sai chế độ
VI. KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT
1. Đối với UBND tỉnh
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền các ban, sở, ngành, đoàn thể và Nhân dân về thực hiện chính sách ưu đãi đối vớ người có công và gia đình người có công trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng, tập trung chăm lo điều kiện vật chất và tinh thần cho người có công theo đúng quy định. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ để đảm bảo sau khi đầu tư các công trình phát huy hiệu quả sử dụng, đảm bảo trang nghiêm, khang trang, sạch đẹp.
Sớm ban hành Quy chế quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phú quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Hướng dẫn để UBND cấp huyện, cấp xã ban hành Quyết định thành lập, Quy chế quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp huyện, xã.
Chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu rà soát việc giao biên chế đối với ngành LĐ-TB&XH để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành, trong đó có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở (đặc biệt quan tâm đối với các trường hợp đã làm việc hợp đồng lâu năm).
Quan tâm, bố trí kinh phí hàng năm để sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ như: Nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ và Nhà bia ghi tên liệt sĩ.
Tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH có hướng xử lý đối với các trường hợp khó khăn như hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn không có thu nhập, mắc bệnh hiểm nghèo trong việc thực hiện truy thu theo Kết luận số 96/KL- TTr ngày 6/5/2024 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH.
Kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ kinh phí và bố trí ngân sách tỉnh để đầu tư mở rộng, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm (Bá Thước) vì hiện nay khuôn viên của nghĩa trang còn rất ít diện tích để án táng hài cốt các liệt sĩ. Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sửa đối, bổ sung Pháp lệnh, các Nghị định trong việc thực các chính sách đối với người có công với cách mạng (các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị).
2. Đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Trong đó, quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực, huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công với cách mạng.
Thường xuyên rà soát các chế độ chính sách liên quan đến người có công và thân nhân người có công chưa phù hợp thực tế để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các chính sách.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng; đặc biệt quan tâm đến các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, gia đình người có công thuộc hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Đồng thời, ngành LĐ-TB&XH phối hợp tốt với các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị rà soát, giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng chưa được hưởng chế độ.
Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, báo tin phần mộ liệt sĩ đến thân nhân liệt sĩ; bảo vệ, nâng cấp, tu bổ các công trình nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ để tỏ lòng ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo thành lập Ban Quản lý nghĩa trang đối với 2 nghĩa trang liệt sĩ: Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng và Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm (Bá Thước) theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ; bố trí kinh phí để chi trả cho tổ bảo vệ, chăm sóc 2 nghĩa trang này.
Quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, nhất là cấp huyện, cấp xã, nhằm giúp cán bộ, công chức nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công ngày càng tốt hơn và đúng với quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc thực hiện chế độ, chính sách, quy định của pháp luật đối với người có công với cách mạng đúng quy định.
Tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH có hướng xử lý đối với các trường hợp khó khăn như hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn không có thu nhập, mắc bệnh hiểm nghèo trong việc thực hiện truy thu theo Kết luận số 96/KL-TTr ngày 6/5/2024 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH.
Tổ chức sơ kết đánh giá hình thức chi trả chế độ người có công thông qua hệ thống Bưu điện để đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất những hình thức chi trả phù hợp (đặc biệt đánh giá việc chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với người có công) để có giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết chế độ, chính sách cho người có công và công tác lưu trữ hồ sơ. Kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH nâng cấp phần mềm quản lý người có công theo hướng đồng bộ và liên thông từ trung ương đến cấp xã để thuận lợi trong việc quản lý và tra cứu thông tin của người có công.
Tham mưu cho UBND tỉnh khẩn trương ban hành Quy chế quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ. Hướng dẫn để UBND cấp huyện, cấp xã ban hành Quyết định thành lập, Quy chế hoạt động của Ban Quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp huyện, xã.
Tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bố sung Pháp lệnh, các Nghị định trong việc thực các chính sách đối với người có công với cách mạng (các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị).
3. Đối với các huyện, thị xã, thành phố
Tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo điều hành của tinh về công tác đền ơn đáp nghĩa, chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Tổ chức thực hiện đầy đủ kịp thời chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng; rà soát, xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành và địa phương trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Lãnh đạo UBND phường Quảng Đông (TP Thanh Hóa) thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ình. Ảnh Tư liệu.
Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tự, nguyện vọng của người có công và thân nhân người có công với cách mạng; kiến nghị với cấp ủy và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng
Thường xuyên tổ chức các tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp xã, nhằm giúp cán bộ, công chức nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công ngày càng tốt hơn và đúng với quy định của pháp luật
Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xã hội hóa, sự ủng hộ của cộng đồng và xã hội về vật chất và tinh thần để động viên người có công với cách mạng và thân nhân người có công; đẩy mạnh các phong trào và việc làm tình nghĩa như: Ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; xây nhà tình nghĩa; chăm sóc giúp đỡ các gia đình chính sách, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; làm tốt công tác quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; ưu tiên đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm đối với con liệt sỹ, thương binh bệnh binh và người có công trên địa bàn.
Khẩn trương ban hành quyết định thành lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quy chế quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện và tổ chức; tổ chức vận động quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa theo đúng quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.
Trên đây là Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Ban Văn hóa-Xã hội kính trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Nhóm PV
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ky-hop-thu-20-hdnd-tinh-khoa-xviii-ket-qua-giam-sat-viec-thuc-hien-cac-che-do-chinh-sach-doi-voi-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-tren-dia-ban-tinh-giai-doan-2021-2023-218831.htm