Với hệ sinh thái đa dạng, tỉnh Thanh Hóa có nhiều loại cây trồng, vật nuôi nguồn gốc bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, dưới tác động của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cách chăm sóc… một số loại cây, con đang có nguy cơ suy thoái. Trước tình hình đó, tỉnh ta đã triển khai một số giải pháp nhằm phục hồi, lưu giữ nguồn gen gốc, nhân giống và phát triển các giống bản địa.
Trang trại chăn nuôi lợn rừng tại xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy).
Bò vàng là giống vật nuôi lâu đời tại các huyện miền núi Thanh Hóa, thuộc một trong những giống bò quý của Việt Nam đã được Nhà nước đưa vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, những năm qua, số lượng bò vàng đang có xu hướng giảm do người dân nuôi nhốt khiến con đực và con cái xa dòng, ít có cơ hội gặp nhau, điều này dẫn đến sự thoái hóa giống. Bên cạnh đó, áp lực của cơ chế thị trường chạy theo năng suất cao nên các chương trình, dự án cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò đã làm tăng tỷ lệ bò lai Zebu, giống bò lai có tầm vóc lớn, năng suất cao hơn, bò vàng giống đực tầm vóc nhỏ có nguy cơ không còn nguồn gen thuần chủng. Mặt khác, người dân chăm sóc, nuôi dưỡng chưa đúng yêu cầu kỹ thuật khiến chất lượng thịt chưa đảm bảo.
Trước thực trạng đó, để duy trì nguồn gen bò vàng, Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và Dịch vụ vật nuôi (Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) đã thực hiện nghiên cứu, bảo tồn giống bò vàng, xây dựng vùng nuôi bảo tồn giống bò vàng. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn cho người dân kỹ thuật trồng cỏ làm thức ăn cho bò, kỹ thuật chăn nuôi, nâng cấp chuồng trại đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng bệnh… Đồng thời, thực hiện bảo tồn tại chỗ, tuyển chọn bò vàng bảo đảm tiêu chuẩn giống đưa về nuôi dưỡng. Hiện nay, trung tâm đang duy trì đàn nuôi với 20 bò cái và 1 bò đực và thực hiện tuyển chọn thế hệ 2 bảo đảm nguồn gen. Ông Lê Trần Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và Dịch vụ vật nuôi cho biết: Bên cạnh bò vàng, trung tâm còn thực hiện nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen vịt Cổ Lũng, ngan sen. Thông qua các dự án, đề án khôi phục, trung tâm sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn các giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao để bảo tồn, lưu trữ bảo vệ nguồn gen quý bản địa, từ đó làm hạt nhân sản xuất, cung cấp giống cho các cơ sở sản xuất. Đồng thời, chú trọng công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong việc chọn tạo bảo tồn và lưu giữ giống vật nuôi đảm bảo chất lượng, năng suất cao…
Tại huyện Bá Thước, xác định phát triển cây quýt hôi bản địa trở thành cây hàng hóa, cùng với các chương trình hỗ trợ, phục tráng, nhân giống, huyện đã và đang tích cực thực hiện bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng. Bên cạnh đó, vận động người dân mở rộng diện tích, hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đến nay, toàn huyện có hơn 80ha trồng quýt hôi tại các xã Ban Công, Thành Sơn, Lũng Cao, Lũng Niêm… Sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Cùng với các chương trình hỗ trợ, phục tráng, nhân giống, huyện Bá Thước vẫn đang tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng, đưa cây quýt hôi vào phát triển trong các hộ gia đình, nhằm mở rộng cả quy mô diện tích và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo ra sản phẩm đặc trưng theo Chương trình OCOP để phục vụ phát triển du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện sẽ phát triển được 100ha cây quýt hôi.
Hiện nay, tỉnh ta đã triển khai một số dự án nghiên cứu, đề án bảo tồn nguồn gen các loại cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao, như: bưởi Luận Văn S0, 27, quýt vòi (Ngọc Lặc), quýt hôi (Quan Hóa), cây quế (Thường Xuân), cam Vân Du (Thạch Thành), dưa hấu Mai An Tiêm (Nga Sơn), vịt Cổ Lũng, ngan sen, lợn rừng, gà ri, bò vàng… Nhờ sự phối hợp giữa các cấp, ngành, sự huy động lồng ghép các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ nên việc bảo tồn, phát triển giống cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc bản địa trên địa bàn tỉnh đã bước đầu đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại cây, con bản địa đang bị suy giảm về số lượng giống, do người dân chưa hiểu hết được giá trị, nên chưa chú trọng chăm sóc, phát triển. Vì vậy, thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh cần đánh giá, chọn lọc các mẫu gen quý hiếm để lưu giữ phục vụ việc nghiên cứu, chọn tạo giống. Bên cạnh đó, thông qua các dự án, đề án khôi phục và phát triển để hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình; chú trọng công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật, chăm sóc cây, con, phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật xây dựng chuồng trại… Để phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa bền vững, các địa phương cần chú trọng thực hiện công tác xây dựng thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/bao-ton-phat-trien-giong-cay-trong-nbsp-vat-nuoi-nguon-goc-ban-dia-218156.htm