Tỉnh Thanh Hóa được biết đến là địa phương có nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai, có nhiều nông sản đặc sắc… Nhận thức được điều đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, HTX trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế cho nông sản địa phương tại thị trường trong nước và nước ngoài. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây.
Sản phẩm ớt của Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai (TP Thanh Hóa) được bảo quản tại kho đông lạnh trước khi xuất khẩu.
Nhận thấy ớt là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2018, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai (TP Thanh Hóa) đã bắt tay vào thu mua, sản xuất và cung cấp ớt cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm ớt của công ty thường cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và các bếp ăn tập thể. Từ thành công trên thị trường nội địa, công ty luôn “khao khát” chinh phục thị trường quốc tế. Sau một thời gian dài trăn trở nghiên cứu, năm 2021, công ty đã mở rộng sang lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm từ ớt. Từ đơn hàng xuất khẩu ớt đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc, đến nay công ty đã vươn tới thị trường các nước và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.
Chị Nguyễn Thị Mai, giám đốc công ty cho biết: “Thời gian đầu khi quyết định tìm cơ hội để xuất khẩu hàng hóa, bản thân tôi và đội ngũ lãnh đạo công ty rất lo lắng vì các yêu cầu về xuất khẩu tại thị trường nước ngoài rất cao, năng lực kết nối tìm kiếm thị trường lại hạn chế. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cùng sự đồng hành, kết nối của các đơn vị chuyên môn, ngành nông nghiệp tỉnh, các đơn hàng ớt đã xuất khẩu thành công”. Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu của công ty tập trung lớn vào thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, mỗi năm cung cấp khoảng 1.000 tấn sản phẩm. Đơn hàng càng lớn, yêu cầu càng khắt khe, mỗi năm các thị trường xuất khẩu lại có những văn bản quy định tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm… Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải thực hiện cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói ớt xuất khẩu, chỉ sử dụng các thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam và tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly để đảm bảo dư lượng thuốc không vượt quá quy định của thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, còn hàng loạt các quy định khác về bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vậy nên, khi ra thành phẩm, những sản phẩm không đạt công ty sẽ loại bỏ luôn. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng xuất khẩu sản phẩm từ ớt, đồng thời mở rộng tiêu thụ sang thị trường Mông Cổ.
Hướng tới mục tiêu là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường từ tre, Công ty TNHH Vibabo, xã Tân Thành (Thường Xuân) đã nghiên cứu và sản xuất ra sản phẩm ống hút tre và bút tre. Chia sẻ về “cái duyên” với tre, anh Lê Xuân Lâm, giám đốc công ty cho biết: “Năm 2018, khi gia đình tôi vào rừng chơi thì đứa cháu có khát nước nên đòi ống hút để uống, như thói quen, tôi chặt một đốt tre để làm ống hút. Cũng chính từ đó, ý tưởng làm ra ống hút từ tre được tôi “ấp ủ” mỗi ngày”. Sau 6 tháng nghiên cứu và tìm tòi, anh Lâm cùng em trai đã bắt tay vào thực hiện ngay. Nhờ nắm rõ được tâm lý thị trường hiện nay đang hạn chế những sản phẩm từ nhựa, thiếu thân thiện với môi trường mà thay vào đó là những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ thiên nhiên, sản phẩm của công ty được thị trường trong nước tin dùng, bao gồm cả khách lẻ lẫn khách sỉ là các doanh nghiệp lớn.
Với thành công ấy, anh Lâm tiếp tục mang sản phẩm đặc trưng của quê hương mình quảng bá tới bạn bè quốc tế. Từ tháng 4/2023, công ty đã xuất đi đơn hàng ống hút tre đầu tiên qua thị trường Hàn Quốc với số lượng 3,5 triệu ống hút tre và 3.000 cây bút tre. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho một doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường xuất khẩu. Theo kế hoạch năm 2024, Công ty TNHH Vibabo tiếp tục cung cấp hàng hóa cho các đơn vị, doanh nghiệp trong nước; đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản…
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có khoảng 43 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, sang thị trường 30 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 52% giá trị xuất khẩu, Đài Loan chiếm 10%, Hàn Quốc chiếm 6,5%, EU chiếm 10%… Nhìn chung, chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì của các doanh nghiệp, đơn vị ngày càng được cải tiến và phù hợp hơn tại các nước nhập khẩu.
Hiện, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường những nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu cho nông sản Thanh Hóa.
Bài và ảnh: Chi Phạm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhung-nguoi-dua-nong-san-xuat-ngoai-218159.htm