Sáng 28/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Khoa học Thủy lợi Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu giải pháp nâng cao dung tích hồ chứa, bảo đảm an ninh nguồn nước, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Các đại biểu dự hội thảo.
Dự hội thảo có đại diện Hội Thủy lợi Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, UBND các huyện, thị xã có hồ chứa lớn…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.
Thanh Hóa có tổng lượng nước mặt trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 20 tỷ m3/năm. Trong đó, nước nội sinh là 9,7 tỷ m3 và lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh khoảng 0,3 tỷ m3/năm, còn lại là nước ngoại sinh từ nước CHDCND Lào và các tỉnh lân cận. Lượng nước bình quân đầu người của tỉnh khoảng 5.600 m3/người năm, khá thấp so với cả nước (9.000 m3/người/năm). Tuy nhiên, lượng nước nội sinh chỉ đạt bình quân 2.665 m3/người/năm, còn lượng nước có thể chủ động được chỉ đạt bình quân 1.648 m3/người/năm, nhỏ hơn 2.000 m3/người/năm (theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Nước quốc tế – IWRA). Như vậy tỉnh Thanh Hóa đang ở ngưỡng của khu vực khủng hoảng về tài nguyên nước.
Đại diện Hội Khoa học Thủy lợi Thanh Hóa trình bày tham luận tại hội thảo.
Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 2.524 công trình thủy lợi, bao gồm 610 hồ chứa (trong đó có hồ chứa nước Cửa Đạt là hồ chứa quan trọng đặc biệt của quốc gia, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý), 1.023 đập dâng, 891 trạm bơm và 14 công trình thủy điện. Tuy nhiên, nhiều công trình đập dâng và hồ chứa được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX đã vượt quá tuổi thọ theo quy định của thiết kế không bảo đảm an toàn tích nước trong mùa mưa lũ…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi trình bày tham luận tại hội thảo.
Trước thực trạng trên, tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, như: Đầu tư xây mới các công trình trữ nước, điều hòa nguồn nước; đầu tư công trình chuyển nước từ nơi thừa sang vùng thiếu, vùng thường xuyên hạn hán, vùng có sự gia tăng sử dụng nước lớn; nâng cấp các công trình khai thác, sử dụng nước xuống cấp. Chú trọng nâng cấp đảm bảo an toàn hồ chứa, tăng dung tích trữ nước cho các hồ có điều kiện thuỷ văn thuận lợi…
Đại diện Hội Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu những vấn đề cấp thiết và yêu cầu cơ bản về công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước trong tình hình hiện nay. Giới thiệu những nội dung cơ bản Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn 2050, các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa. Giải pháp quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước để nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó phòng, chống thiên tai của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Hải Đăng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nghien-cuu-giai-phap-nang-cao-dung-tich-ho-chua-bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc-tinh-thanh-hoa-217989.htm