Để sản xuất vụ thu mùa năm 2024 đạt năng suất, sản lượng cao, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai phương án, kế hoạch sản xuất bảo đảm khung thời vụ tốt nhất.
Người dân xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa) cày ải, giải phóng đất chuẩn bị gieo cấy vụ thu mùa.
Vụ thu mùa năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 152.000ha cây trồng các loại. Trong đó: lúa 112.900ha, ngô 12.440ha, lạc 1.000ha, rau đậu các loại 12.500ha, cây trồng khác 12.060ha… Toàn tỉnh phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực đạt 670.041 tấn. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, trong thời gian sản xuất vụ thu mùa, nắng nóng có thể đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, hạn hán ở đầu vụ, xâm nhập mặn, bão lụt cuối vụ ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng cũng như sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Cùng với đó, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều hơn vào nửa cuối vụ, tổng lượng mưa sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, sâu bệnh phát sinh, phát triển phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ gây hại nặng cho cây trồng như sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh bạc lá, sâu keo mùa thu…
Từ những dự báo trên, để đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ thu mùa 2024, ngành nông nghiệp đã xây dựng và triển khai phương án sản xuất. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại kế hoạch, xây dựng phương án đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, các địa phương tập trung vào diện tích gieo trồng, sản lượng lương thực, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Đồng thời, giao chỉ tiêu cụ thể đến cấp xã, chỉ rõ đối tượng cây trồng, gắn với điều kiện thực tế và lợi thế của từng địa phương. Ngoài ra, các địa phương tập trung rà soát chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, tưới tiêu không chủ động trong vụ mùa sang cây trồng cạn như: ngô, rau màu, cây thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó, các địa phương lựa chọn bộ giống đảm bảo tiêu chuẩn, có thời gian sinh trưởng phù hợp, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tốt để đưa vào gieo trồng.
Theo ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, do khung thời vụ thu mùa đến sớm và không eo hẹp, các địa phương cần tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy trà mùa sớm, hạn chế tối đa trà mùa muộn, vừa đảm bảo sản xuất an toàn, đồng thời tạo ra quỹ đất để triển khai sản xuất vụ đông. Mỗi huyện chỉ nên cơ cấu 5 – 6 giống chủ lực, mỗi xã từ 2 – 3 giống nhằm thực hiện tốt các biện pháp quản lý thâm canh, điều tiết nước và quản lý sâu bệnh hại. Đối với các cây trồng cạn như ngô, lạc, rau các loại… nên bố trí cơ cấu giống phù hợp theo từng chân đất và sử dụng giống tốt, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Để sản xuất vụ thu mùa trong khung thời vụ tốt nhất, đến ngày 20/6, các địa phương trong tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ và giải phóng 116.122,2ha/152.000ha đất lúa. Nông dân các địa phương đã gieo 3.761,7 tấn mạ (trong đó 2.858,6 tấn giống lúa thuần; 903 tấn giống lúa lai). Ngoài ra, nông dân ở các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Yên Định, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Nông Cống… đã gieo cấy 38.776,8 ha lúa thu mùa.
Cũng theo ông Vũ Quang Trung, các địa phương hướng dẫn người dân làm đất kỹ, sử dụng các chế phẩm vi sinh để phân hủy rơm, rạ và xử lý sâu bệnh trước để tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ sau khi cấy và hạn chế sâu bệnh gây hại. Bà con nông dân chỉ gieo sạ trên những diện tích chủ động hoàn toàn về tưới, tiêu. Các địa phương khuyến khích người dân áp dụng biện pháp kỹ thuật mạ khay, máy cấy để đảm bảo về chất lượng và tiến độ. Cùng với đó, khuyến khích sử dụng phân hữu cơ các loại, phân NPK tổng hợp chuyên dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại cây, từng thời điểm sinh trưởng. Trong vụ thu mùa các loại cây trồng sinh trưởng nhanh, do vậy phải bón sớm ngay sau khi cây bén rễ, bắt đầu đẻ nhánh hoặc bắt đầu phát triển thân lá. Các địa phương cần tăng cường phối hợp với các đơn vị khai thác công trình thủy nông điều tiết nước phù hợp, nhất là các giai đoạn cần nước của cây trồng như đẻ nhánh, bắt đầu phân hóa hoa, làm đòng – trổ bông. Những nơi chủ động nước áp dụng chế độ tưới tiết kiệm, nông-lộ-phơi và có phương án tiêu úng kịp thời khi có mưa lũ lớn xảy ra. Chi cục sẽ cử cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để dự tính, dự báo, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại và có giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Với việc triển khai thực hiện tốt các biện pháp sản xuất ngay từ đầu vụ, giúp các địa phương chủ động trong thực hiện kế hoạch đề ra, đảm bảo thắng lợi toàn diện trong sản xuất vụ thu mùa 2024 trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/trien-khai-cac-bien-phap-san-xuat-vu-thu-mua-217627.htm