Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) hiện đã thu hút hơn 300 dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số dự án vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc nên chưa thể triển khai hoặc chậm tiến độ. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc với nỗ lực cao nhất, sớm gỡ vướng cho các dự án về mặt thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng (GPMB).
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành xem xét vị trí đầu tư Dự án Nhà máy chế tạo cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn. Ảnh: Tùng Lâm
Tổ hợp hóa chất Đức Giang được mệnh danh là “siêu dự án” của Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang, với tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn lên tới 12.000 tỷ đồng. Trong đó, tổ hợp số 1 của nhà máy được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2020, với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Dự án có quy mô 30ha có công suất sản xuất 151.000 tấn hóa chất/năm; trong đó, có 50.000 tấn xút NaOH quy đặc 100%, 30.000 tấn chất xử lý nước (PAC), 20.000 tấn bột tẩy trắng Ca, 15.000 tấn axit HCI… Khi giai đoạn 2 đi vào vận hành, sản phẩm nhựa dẻo PVC sẽ ra đời và hứa hẹn sẽ là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được sản phẩm có công nghệ chế biến phức tạp này.
Hiện nay, chủ đầu tư đã phối hợp với UBND thị xã Nghi Sơn hoàn thành công tác bồi thường GPMB cho toàn bộ 30ha của dự án. Tuy nhiên, ngoài vướng mắc liên quan đến thủ tục hồ sơ phòng cháy, chữa cháy thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền cấp Trung ương, thì dự án còn vướng mắc do thuộc phân khu công nghiệp số 15 nhưng hiện nay chưa được phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, do đó chưa có vị trí đấu nối giao thông, cấp thoát nước sát với ranh giới dự án, chưa đủ cơ sở để Bộ Công Thương thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, dự án di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư một số hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) chưa hoàn thành nên ảnh hưởng đến việc triển khai thi công một số hạng mục công trình của dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án này, mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan quan tâm, hỗ trợ công ty hoàn thiện các thủ tục đầu tư, cũng như các mặt pháp lý có liên quan. Đồng thời, yêu cầu thị xã Nghi Sơn đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư cho một số hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường để sớm di dời các hộ dân thuộc diện tái định cư dự án. Các mục tiêu này nhằm hỗ trợ chủ đầu tư triển khai các công việc liên quan nhằm đủ điều kiện khởi công dự án vào quý III năm nay.
Đối với Dự án Nhà máy chế tạo cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn, đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án tại Quyết định số 2270/QĐ-UBND, ngày 27/6/2023. Với công suất thiết kế 50.000 tấn sản phẩm/năm, dự án có mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất các cấu kiện kim loại, gia công cơ khí và lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp,… đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và trên thế giới. Theo Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, đây là dự án chiến lược của công ty, với các sản phẩm tập trung cung ứng cho các nhà máy hóa dầu – công nghiệp nặng, nhiệt điện, nhà cao tầng, nhà thép tiền chế, cơ sở hạ tầng công cộng và các cấu kiện khác. Nhà máy hướng tới mục tiêu xuất khẩu từ 70 – 80% sản phẩm và vận chuyển từ cảng biển Nghi Sơn.
Dự án có tổng diện tích đất bị ảnh hưởng GPMB là 10,2ha, với tổng số hộ bị ảnh hưởng là 320 hộ và 1 tổ chức. Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác kiểm kê hiện trạng, xét nguồn gốc đất; UBND thị xã Nghi Sơn đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đợt 1 cho 141 hộ/4,23 ha/7,18 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án vẫn còn gặp vướng mắc do một phần diện tích đất dự án bị chồng lấn do đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trên một phần diện tích đất của Dự án Xây dựng nhà máy phân đạm Công Thanh.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Thanh Hóa cũng đang chỉ đạo UBND thị xã Nghi Sơn, Công ty CP Phân đạm Công Thanh và Công ty CP Xi măng Công Thanh phối hợp cung cấp hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân thuộc Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh trước đây để xem xét việc hoàn lại kinh phí đã chi trả trước đây, tạo thuận lợi về mặt bằng để triển khai dự án.
Một trong những dự án còn gặp vướng mắc nữa là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Đồng Vàng. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2022, với quy mô gần 492ha và tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng và hiện đang gặp khó khăn chủ yếu liên quan đến GPMB. Theo đó, có hơn 48ha liên quan đến diện tích thu hồi bị chồng lấn và chưa đủ cơ sở giải quyết bồi thường, GPMB; cũng như chưa hoàn thành các khu tái định cư. Tỉnh Thanh Hóa hiện đang chỉ đạo UBND thị xã Nghi Sơn đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan.
Ngoài các dự án nêu trên, hiện nay, tại KKTNS còn nhiều dự án trọng điểm đang triển khai, như: Tổ hợp dự án Nhà máy xi măng Đại Dương của Công ty CP xi măng Đại Dương; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ VAS của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn và các dự án của Công ty CP Tập đoàn Công Thanh… Đây đều là những dự án có quy mô lớn của các chủ đầu tư hiện hữu đã và đang kinh doanh tại KKTNS.
KKTNS hàng năm đóng góp hơn 20.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế. Việc “dọn đường” cho những dự án trọng điểm không chỉ có giá trị đối với tăng trưởng của KKTNS mà còn có tính chất lực đẩy cho cả vùng nam Thanh, bắc Nghệ. Mặc dù các chỉ đạo cụ thể đối với từng dự án đã được ra “mệnh lệnh”; tuy nhiên, kết quả giải quyết phụ thuộc rất nhiều vào việc phát huy trách nhiệm của các ngành, địa phương có liên quan.
Tùng Lâm