Được sự tạo điều kiện của chính quyền huyện Thọ Xuân về đất đai và các thủ tục pháp lý khác, Công ty TNHH JINYI JEWELRY VIỆT NAM đóng trên địa bàn xã Tây Hồ có diện tích là 23 nghìn m2 với nguồn vốn 100 tỷ đồng từ nhà đầu tư Trung Quốc. Đi vào hoạt động từ tháng 6/2022, Jin – y Việt Nam đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động tại địa phương, chuyên sản xuất hàng trang sức, mỹ ký với các sản phẩm đa dạng như: dây chuyền, lắc tay, bông tai hay các phụ kiện thời trang… Hiện, sản phẩm của công ty đang được xuất khẩu 100% đi Mỹ và Trung Quốc. Điều đáng nói là từ khi đầu tư sản xuất tại đây, công ty luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của chính quyền từ huyện Thọ Xuân đến xã Tây Hồ để công ty ổn định sản xuất bền vững.
Ông Zhou Xun Tao, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH JINYI JEWELRY VIỆT NAM cho biết: “Khi nhà máy khởi công xây dựng đến vận hành mọi việc của chúng tôi diễn ra rất thuận lợi vì chính quyền địa phương tạo điều kiện hết mức có thể, công ty chúng tôi nhập nguyên liệu Công ty chúng tôi có”.
Thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện Thọ Xuân đã rà soát và xác định các dự án trọng điểm để đầu tư, ưu tiên các dự án phục vụ sản xuất, kinh doanh, giải quyết được nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho nhiều lao động. Khuyến khích thu hút vốn đầu tư từ các trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài; chủ động đấu mối với các ngành, các cấp để được cấp vốn cho các dự án đã được phê duyệt, các công trình dở dang nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án trong và ngoài nước đầu tư vào huyện. Điển hình như công ty TNHH Speed Motion Việt Nam đóng trên địa bàn xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân. Hiện công ty đang có 27 dây chuyền với gần 900 công nhân chuyên sản xuất hàng dệt kim xuất khẩu. Với lượng đơn hàng trải dài đến hết năm 2024, để đáp ứng được đơn hàng của đối tác, công ty sẽ mở rộng sản xuất thêm 7 chuyền sản xuất và sẽ tuyển dụng thêm từ 200-300 công nhân, được sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, chắc chắn việc tuyển dụng lao động và kế hoạch sản xuất của công ty sẽ đạt kế hoạch đề ra.
Bà Lily, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Hiện tại mỗi tháng nhà máy có vài trăm đơn hàng, số đơn hàng này nhiều hơn năm ngoái hơn 20% nên chúng tôi đang tuyển thêm công nhân, có chính sách thu hút công nhân mới và có nhiều hơn chế độ trợ cấp cho công nhân đang làm việc tại đây. 5 tháng năm 2024 chúng tôi đã sản xuất được hơn 4 triệu sản phẩm, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Năm nay chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu từ 9 đến 10 triệu sản phẩm”.
Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện có 653 doanh nghiệp đang hoạt động. Thời gian qua ngoài việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của vùng, huyện Thọ Xuân còn tích tụ đất đai để thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng đến sản xuất, bảo quản, bao tiêu sản phẩm. Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo được sức cạnh tranh cho hàng nông sản phát triển ở các thị trường trong và ngoài nước.
Ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc, Công ty CNC Điền Trạch, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Ngoài việc ổn định chất lượng sản phẩm cho bà con, công ty chúng tôi duy trì được các sản phẩm ra thị trường liên tục, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa giao chỉ tiêu cho huyện Thọ Xuân thành lập mới 150 doanh nghiệp. Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, ngay từ đầu năm UBND huyện đã giao chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp cho các xã, thị trấn, các đoàn thể chính trị với quan điểm phát triển doanh nghiệp không chỉ về số lượng mà phải gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Thọ Xuân là huyện đầu tiên của tỉnh hỗ trợ về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp thành lập mới tại huyện để các doanh nghiệp không phải mất thời gian đi xa. Nhờ đó mà 5 tháng đầu năm 2024 huyện Thọ Xuân có 77 doanh nghiệp thành lập mới- đạt kế hoạch đề ra.
Ông Lê Đình Hảo, Phó Trưởng phòng KTHT, UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Huyện triển khai nhiều phải pháp, trong đó thường xuyên nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, cùng với đó tập trung cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh thủ tục liên quan đến thẩm quyền của huyện, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 thành lập mới 800 doanh nghiệp”.
Năm 2024, cùng với các cơ chế, chính sách của Chính phủ và của tỉnh, huyện Thọ Xuân tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp trong các hộ kinh doanh. Đồng thời thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, nhằm từng bước hiện thực hoá mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm vùng kinh tế phía Tây tỉnh Thanh Hoá.
Nguồn: Chuyên mục Doanh nghiệp doanh nhân ngày 05/6/2024