Theo kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khảo sát vừa qua, PCI của Thanh Hóa đã thể hiện dấu hiệu phục hồi sau nhiều năm liên tục bị rớt hạng. Tuy nhiên, vị trí thứ 30 vẫn chưa đạt kỳ vọng của Thanh Hóa, cũng như các chỉ số này duy trì ở mức điểm chưa cao vẫn cho thấy sự hạn chế trong điều hành mà Thanh Hóa cần tiếp tục cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.
Công chức sở, ngành giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa.
Với 66,79 điểm, Chỉ số PCI của Thanh Hóa năm 2023 đã cải thiện được 17 bậc. Tuy nhiên, PCI Thanh Hóa vẫn xếp ở vị trí thứ 30 trên bảng xếp hạng toàn quốc. Cùng với các chỉ số thành phần quan trọng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm số so với năm trước đó, như: chi phí thời gian tăng từ 6,78 lên 8,09 điểm; tính năng động của chính quyền tăng từ 6,38 lên 7,17 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) từ 6,76 lên 7,19 điểm; chi phí không chính thức tăng từ 6,5 lên 6,74; gia nhập thị trường từ 6,54 lên 7,04 điểm, thì vẫn còn một số chỉ tiêu thành phần có mức tăng ở mức thấp như: đào tạo lao động tăng từ 5,1 lên 5,58 điểm; tính minh bạch từ 5,51 lên 5,94 điểm. Cùng với đó, còn có 2 chỉ số sụt giảm là: cạnh tranh bình đẳng từ 5,31 xuống 5,0 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 7,92 xuống 7,42.
Trong đó, Chỉ số cạnh tranh bình đẳng là một trong những chỉ số mà Thanh Hóa nhiều năm ở mức thấp. Chỉ số này của Thanh Hóa năm 2019 đạt 4,81 điểm; năm 2020 đạt 5,95 điểm; năm 2021 đạt 5,70 điểm; năm 2022 đạt 5,31 điểm và năm 2023 tiếp tục giảm xuống 5,0 điểm. Điều này phản ánh, cộng đồng DN chưa đánh giá cao nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc tạo dựng sân chơi bình đẳng cho DN về các nguồn lực, tín dụng, thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là trong tiếp cận đất đai. Điều này cũng tương đồng với thực tế, khi theo phản ánh từ phía các DN thì các đối tượng DN nhỏ và siêu nhỏ hoạt động tại tỉnh vẫn còn “lép vế” và ít được “ưu ái” về các điều kiện tiếp cận nguồn lực sản xuất so với các tập đoàn, công ty lớn hàng đầu cả nước, các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, chỉ số thành phần về tính minh bạch trong năm 2023 cũng mới đạt được sự cải thiện nhẹ, tăng từ 5,51 lên 5,94 điểm. Trước đó, chỉ số thành phần này của Thanh Hóa vẫn chưa bao giờ “vượt ngưỡng” 7 điểm và liên tục duy trì điểm số thấp trong nhiều năm gần đây, điển hình như: Năm 2019 đạt 6,91 điểm; năm 2020 đạt 5,34 điểm; năm 2021 đạt 6,02 điểm; năm 2022 đạt 5,51 điểm. Trong khi đó, chỉ số này được đánh giá dựa trên 2 khía cạnh là việc tiếp cận thông tin của DN và DN có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện, giám sát thực hiện chính sách – là 2 chỉ số rất quan trọng trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh.
Các doanh nghiệp tham quan, học hỏi mô hình, kinh nghiệm điều hành sản xuất, kinh doanh.
Thực tế, với quyết tâm cao trong cải thiện chỉ số PCI, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể trong điều hành chính sách kinh tế. Đặc biệt, từ năm 2021 với việc triển khai Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI), Thanh Hóa đã thể hiện rõ quan điểm và sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh nhằm khắc phục tình trạng “các sở, ngành và chính quyền cấp dưới không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh” – 1 khía cạnh trong chỉ số thành phần về tính năng động của chính quyền, dẫn tới các chủ trương ở cấp trên chưa được thực thi hiệu quả ở cấp dưới tồn tại nhiều năm nay ở Thanh Hóa.
Phát biểu tại hội nghị công bố Chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa năm 2023, ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Dự án PCI, chia sẻ: “Ngoài các chỉ số có sự cải thiện tốt, Thanh Hóa cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp cải thiện các chỉ số vẫn đang nằm trong top sau, đó là: Chỉ số về gia nhập thị trường đang đứng thứ 49/63; chi phí không chính thức xếp thứ 54/63; cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 56/63, tiếp cận đất đai xếp thứ 43/63”…
Cũng theo ông Tuấn, khảo sát PCI năm 2023 ghi nhận một số khó khăn đối với môi trường ở Thanh Hóa như: 63% DN phản ánh khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; 54% gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng; 45% phản ánh thị trường nhiều biến động; 19% DN phản ánh gặp khó khăn do biến động chính sách, pháp luật…
Hành trình đạt tới mục tiêu đưa Chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa vươn lên, nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước vào năm 2025 đang đặt ra những thách thức rất lớn, đòi hỏi sự thay đổi, quyết tâm phải mạnh mẽ hơn, chuyển biến phải toàn diện, rõ nét hơn, quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là chuyển biến từ cấp cơ sở trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Minh Hằng