5 tháng đầu năm 2024, công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Thanh Hoá đã sản xuất, tiêu thụ được hơn 8 triệu lít bia các loại, đạt 102% so với cùng kỳ. Để có được kết quả này là nhờ doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí, linh hoạt trong tiêu thụ, bán hàng và phát triển thị trường.
Với tín hiệu khởi sắc của thị trường, công ty kỳ vọng sản lượng có thể tăng khoảng 5% trong năm 2024.
Ông Lê Xuân Dũng, Trưởng phòng Thị trường Maketing, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Thanh Hoá, cho biết: “Ban lãnh đạo công ty đã nghiên cứu đưa ra phương án hỗ trợ thị trường như: tăng chương trình chiết khấu thương mại cho đại lý, mở mới thêm các điểm bán hàng, nghiên cứu đưa ra thêm các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Theo sở Công thương, bước sang quý 2/2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì tốt hoạt động sản xuất như: các sản phẩm lọc hóa dầu, điện sản xuất, thuốc lá. Tình hình đơn hàng của nhiều ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản… có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực trở lại.
5 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 15,57% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt trên 2,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã chủ động tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và linh hoạt các phương thức bán hàng, nhằm nâng cao doanh số, giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ông Nguyễn Trung Đức, Giám đốc Nhà máy sản xuất, công ty Cổ phần May B85, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: “Lượng đơn hàng nhiều, về phía công ty cũng đầu tư thêm trang thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm giữ vững khách hàng, thị trường, năm nay công ty phấn đấu tăng trưởng từ 15 – 20% so với năm ngoái”.
Ông Wang Wo, Tổng Giám đốc Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam, cho biết: “Sau khi nhà máy khánh thành đi vào hoạt động, chúng tôi đã có nhiều khách hàng đến tham quan và đã ký kết nhiều đơn hàng. Chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, kết nối thêm khách hàng, dự kiến năm nay sẽ có sản lượng doanh thu đạt hơn 56 triệu đô la Mỹ, tạo việc làm cho hơn 500 lao động”.
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,9% trở lên. Các dự báo cho thấy thị trường hàng hoá quốc tế trong thời gian tới sẽ có tăng trưởng nhưng chưa mạnh. Tình hình xung đột chính trị, lạm phát kinh tế vẫn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Các ngành, các địa phương cũng cần tập trung nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: Bản tin THNM/TTV