Trong chương trình làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, sáng 5/6, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập các Đề án phục vụ sơ kết tình hình thực hiện các nghị quyết về kinh tế của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát tại Công ty CP dụng cụ thể thao Delta (Hoằng Hóa) và Công ty CP cấp nước Thanh Hóa (TP Thanh Hóa).
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đoàn công tác khảo sát tại Công ty CP dụng cụ thể thao Delta.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia đoàn công tác tại buổi làm việc với Công ty CP cấp nước Thanh Hóa.
Cùng tham gia có các đồng chí: Trần Văn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo TP Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đoàn công tác khảo sát tại Công ty CP dụng cụ thể thao Delta.
Cuộc khảo sát nhằm phục vụ xây dựng Đề án sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành ngày 3/6/2017 và tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, cơ chế, chính sách có hiệu lực, hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong bối cảnh mới.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Công ty CP cấp nước Thanh Hóa.
Tại các nơi đến khảo sát, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã tìm hiểu, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và trao đổi những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp từ phía Công ty CP dụng cụ thể thao Delta và Công ty CP cấp nước Thanh Hóa.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Công ty CP dụng cụ thể thao Delta.
Thông tin từ lãnh đạo Công ty CP dụng cụ thể thao Delta cho biết, công ty được thành lập tháng 8/2002, trên cơ sở chuyển nhượng toàn bộ trang thiết bị, thương hiệu Delta từ Hungari. Với số vốn ban đầu 2,5 tỷ đồng và 35 lao động, ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh các loại bóng và dụng cụ thể thao.
Lãnh đạo Công ty CP dụng cụ thể thao Delta báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ một doanh nghiệp nhỏ, đến nay Công ty CP dụng cụ thể thao Delta đã có những bước phát triển ngoạn mục, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa về xuất khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của công ty đạt từ 30 đến 40 triệu USD, doanh thu tăng trưởng bình quân từ 10 đến 15%/năm. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, mặc dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh, suy thoái kinh tế thế giới, nhưng doanh thu của công ty luôn đạt trên 1.880 tỷ đồng; đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 20 tỷ đồng; thực hiện các hoạt động an sinh xã hội gần 4 tỷ đồng; tái đầu tư cho trang thiết bị là gần 112 tỷ đồng.
Với phương châm đầu tư cơ sở hạ tầng đến đâu, hoàn thành và đưa vào sử dụng đến đó nhằm nắm bắt cơ hội hợp tác với khách hàng, tuy nhiên, rất nhiều thủ tục hành chính về quản lý nhà nước chưa thật sự linh hoạt và thuận lợi cho các doanh nghiệp như: Hồ sơ về phòng cháy chữa cháy… Từ những khó khăn trên, lãnh đạo Công ty CP dụng cụ thể thao Delta rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định việc làm cho người lao động. Đồng thời đề nghị các thủ tục hành chính về quản lý nhà nước cần phải linh hoạt, phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cần có chính sách quy hoạch mạng lưới các nghành nghề sản xuất kinh doanh, từ đó đảm bảo phát triển kinh tế đa dạng và ổn định lao động trong các doanh nghiệp.
Lãnh đạo Công ty Cấp nước Thanh Hóa báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khác với Công ty CP dụng cụ thể thao Delta, Công ty Cấp nước Thanh Hóa được thành lập ngày 01/7/1931, tiền thân là Nhà máy nước lọc Thanh Hoá. Trải qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau, đến năm 2015 được chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần tại Quyết định số 4753/QĐ-UBND, ngày 17/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, Công ty cổ phần Cấp nước Thanh Hóa đề ra các chủ trương, giải pháp hữu hiệu trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất.
Các thành viên Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương.
Với chiến lược phát triển công ty, bằng mục tiêu “4 tăng 2 giảm” (Tăng nước hàng hóa, tăng doanh thu, tăng phát triển khách hàng, tăng chất lượng dịch vụ và giảm tỷ lệ thất thoát thất thu nước, giảm khách hàng 0m3), công ty đã ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng công suất một số nhà máy theo lộ trình; nâng cấp các hệ thống tuyến ống đã xuống cấp, quá tải để đảm bảo năng lực cấp nước, đảm bảo chất lượng nước theo quy định của Bộ Y tế; đầu tư hệ thống cấp nước cho một số khu vực do nước ô nhiễm, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho khách hàng, nhất là khu vực nông thôn. Đến nay, công ty đã cung cấp nước sạch cho gần 240 nghìn hộ khách hàng, tăng 170% so với năm 2017; tỷ lệ người dân dùng nước sạch qua hệ thống cấp nước của công ty đạt gần 90%, tăng cao so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu năm 2023 đạt 428,5 tỷ đồng; bằng 141,3% so 2017. Trong đó, doanh thu tiền nước đạt 414,5 tỷ; bằng 176,8% so 2017.
Trao đổi với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo Công ty Cấp nước Thanh Hóa đề nghị các bộ, ban, ngành cần nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành Luật nước; sửa đổi các nghị định phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển trong giai đoạn mới. Để đảm bảo công tác an sinh xã hội, bảo vệ lợi ích cho người dân, các bộ, ban, ngành Trung ương cần rà soát, đánh giá cụ thể, chi tiết đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước, để nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối, góp phần giữ vững an ninh nguồn nước, ổn định chính trị, xã hội.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi khảo sát ở Công ty CP dụng cụ thể thao Delta.
Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP dụng cụ thể thao Delta và Công ty CP cấp nước Thanh Hóa. Trong đó, bày tỏ ấn tượng trước mô hình kinh doanh Công ty CP dụng cụ thể thao Delta.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi khảo sát ở Công ty CP cấp nước Thanh Hóa.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó Công ty CP dụng cụ thể thao Delta và Công ty CP cấp nước Thanh Hóa cần nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng tỷ lệ doanh thu hàng năm; tiếp tục quan tâm đến công tác an sinh xã hội cho người lao động; thường xuyên lắng nghe, tổng hợp ý kiến để kiến nghị, thể chế hóa các chính sách tốt hơn.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển khẳng định: Ban Kinh tế Trung ương luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận, phản hồi ý kiến từ các doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách của Đảng và nhà nước trong hỗ trợ hoạt động đầu tư, phát triển xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp, nhằm thể chế hóa các chính sách tốt hơn.
Trần Thanh