Cùng với sự phục hồi của sản xuất công nghiệp, từ cuối năm 2023, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề nông thôn cũng ghi nhận những tín hiệu sản xuất và tiêu thụ tích cực. Bước sang năm 2024, nhiều sản phẩm tiếp tục được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn; các chương trình hỗ trợ mở rộng thị trường, xúc tiến, quảng bá sản phẩm cũng đang được tổ chức rộng rãi là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động.
Các sản phẩm mang thương hiệu nước mắm Tác Huy (thị xã Nghi Sơn) được quảng bá tại Phiên chợ thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tổ chức tại huyện Cẩm Thủy.
Là xã thuần nông thuộc vùng chiêm trũng của huyện Quảng Xương, Quảng Phúc nổi tiếng với nghề truyền thống trồng cói, dệt chiếu và đánh bắt, chế biến cáy. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống, tiếp tục mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm ngành nghề nông thôn, năm 2020, HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc ra đời, thu hút hơn 100 hộ dân tham gia. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị máy móc, sản xuất mắm cáy đảm bảo an toàn thực phẩm, HTX đã tiến hành các quy trình đăng ký chất lượng sản phẩm. Đến nay, xã Quảng Phúc đã có 4 sản phẩm là mắm cáy, chiếu cói, rạm xay, cáy xay được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 – 4 sao và đây cũng là 1 trong 3 địa phương cấp xã có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh.
Mới đây, sản phẩm chiếu cói của HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc được công nhận là 1 trong 10 sản phẩm công nghiệp tiêu biểu năm 2023 và được lựa chọn gửi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Ông Lê Văn Bằng, Giám đốc HTX cho biết: “Từ năm 2022 đến nay, số lượng và doanh thu sản phẩm tăng trưởng khá đều. Điển hình như năm 2023, HTX đã sản xuất và tiêu thụ lên tới 150.000 sản phẩm. Với tín hiệu tích cực về đơn hàng từ đầu năm đến nay, HTX dự kiến sẽ sản xuất, tiêu thụ 160.000 sản phẩm trong năm 2024 và tăng lên 170.000 sản phẩm vào những năm tiếp theo”.
Tại làng nghề sản xuất nước mắm Do Xuyên – Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), lượng đơn hàng những tháng đầu năm nay cũng đã tăng khoảng 20% – 30% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, cùng với việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư ứng dụng công nghệ và cải tiến mẫu mã, thì việc được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đạt chứng nhận OCOP cũng tạo điều kiện mang tính chất “bước ngoặt” trong hoạt động tiêu thụ. Ông Dương Văn Tác, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tác Huy, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Do Xuyên – Ba Làng, chia sẻ: “Chúng tôi ngày càng nhận được nhiều đơn hàng đặt từ các tỉnh ngoài với số lượng lớn. Do đó, cơ sở chúng tôi phấn đấu tiêu thụ sản lượng tăng gấp đôi năm ngoái. Cùng với việc tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín đối với khách hàng, chúng tôi cũng tích cực tham gia nhiều phiên chợ, hội chợ để thúc đẩy quảng bá, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng”.
Thanh Hóa hiện có 116 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn đang hoạt động. Hàng năm, tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề đã được công nhận lên tới hàng nghìn tỷ đồng; trong đó, nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có doanh thu lớn nhất, khoảng 50% và giải quyết việc làm cho gần 16.000 lao động. Thu nhập của các lao động làng nghề hiện nay bình quân đạt 4 đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Theo Sở Công Thương, ngoài những hạn chế do quy mô nhỏ lẻ, thì khâu quảng bá, tiêu thụ vẫn là một “yếu điểm” của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Hàng năm, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng trực thuộc sở đã tham mưu các chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ máy móc nhằm hỗ trợ các cơ sở tăng hiệu quả kinh doanh; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Trong năm nay, sở cùng các ngành liên quan đã và đang triển khai nhiều các phiên chợ, hội chợ; từ đó, giúp các đối tác sản xuất và kinh doanh gặp gỡ, ký kết thành công nhiều hợp đồng tiêu thụ, đưa sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của tỉnh Thanh vươn xa trên thương trường.
Bài và ảnh: Bách Nguyên