Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Tham gia góp ý, ĐBQH Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) đánh giá cao về những kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024; đồng thời nhất trí với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Về giám sát chuyên đề, các kiến nghị, đề xuất giám sát của các cơ quan, tổ chức đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp đầy đủ với nhiều nội dung trên các lĩnh vực và đưa ra 2 chuyên đề, để đại biểu Quốc hội xem xét, lựa chọn. Đây là các chuyên đề được lựa chọn phù hợp và có ý nghĩa thời sự.
Để Quốc hội cân nhắc, quyết định lựa chọn một chuyên đề giám sát tối cao, đại biểu Lê Thanh Hoàn có một số ý kiến cụ thể đó là: Năm 2020, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, riêng nội dung về đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực sớm hơn, từ ngày 1/2/2021. Có những nội dung vẫn đang được triển khai để áp dụng chính thức chậm nhất ngày 31/12/2024 như việc phân loại, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân. Nhiều nội dung khác được thực hiện theo lộ trình như trách nhiệm tái chế các sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì thế, Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường vào thời điểm này, thể hiện sự đồng hành cùng với Chính phủ trong việc tổ chức thực thi pháp luật, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, của mỗi người dân về bảo vệ môi trường và thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, đó là “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”; cũng như bước đầu thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế khi chúng ta đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Qua kiến nghị giám sát, nhóm nội dung thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường có nhiều kiến nghị liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý, xử lý rác thải. Đây cũng là những vấn đề được dư luận quan tâm, qua phản ánh của cử tri cho thấy, địa phương nào có khu xử lý rác thải tập trung thì đều có sự ảnh hưởng nhất định đến tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, cả nước có gần 1.700 cơ sở xử lý rác thải, bao gồm 470 lò đốt với hơn 1.200 bãi chôn lấp để xử lý rác thải, trong đó lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 67.000 tấn/ngày; có khoảng 64% lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp và khoảng 20% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt (trong đó, thu hồi năng lượng đạt 9,3%). Hiện tại cả nước mới chỉ có 3 nhà máy điện rác đi vào hoạt động với công suất khoảng 4.600 tấn rác/ngày.
Qua đó cho thấy, việc xử lý rác thải bằng chôn lấp trực tiếp vẫn còn nhiều, trong khi các nhà khoa học cảnh báo rằng, việc thu gom rác thải về bãi chôn lấp tập trung chỉ để “khuất mắt” người dân, khi mà người dân có tâm lý đẩy rác ra xa mình, nhưng thực tế là di chuyển ô nhiễm riêng lẻ về một chỗ với ô nhiễm lớn hơn. Giải pháp này tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường, nhất là nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nơi có địa điểm chôn lấp rác thải.
Để hạn chế việc chôn lấp rác thải thì công tác tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt là một nội dung rất quan trọng trong thời gian tới. Đây cũng chính là nguồn đầu vào quan trọng cho các nhà máy đốt rác phát điện, cũng như đẩy mạnh việc tái chế rác thải và hạn chế việc chôn lấp rác thải trực tiếp.
Vấn đề phân loại, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt là một nội dung rất quan trọng, có tác động lớn đến nhận thức của người dân, ý thức chung tay của cộng đồng về một môi trường xanh, sạch. Đến đầu năm 2025 sẽ là thời điểm chính thức người dân thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, việc này đòi hỏi một quá trình đồng bộ, giải pháp khoa học cho từng công đoạn. Nội dung này, qua tìm hiểu cho thấy, đây sẽ là thách thức lớn trên thực tế, từ vấn đề chi phí rác thải phát sinh, cho đến bất cập tại các khu nhà chung cư với tiêu chuẩn cũ trong thu hồi rác sinh hoạt. Thực tế cho thấy, việc đổ rác sinh hoạt đúng địa điểm, đúng thời gian quy định cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, việc xử phạt hành chính cũng chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Việc đổ rác sinh hoạt bừa bãi trên hè phố vừa gây mất vệ sinh môi trường, đồng thời tạo gánh nặng cho các tổ chức thực hiện thu gom rác thải.
Cùng với đó là vấn đề tái chế rác thải. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu một số hàng hóa, sản phẩm phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ hoạt động tái chế. Qua đó cho thấy, cùng với vấn đề xử lý, tiêu hủy rác thải thì Luật đã chú trọng đến công tác tái chế rác thải. Trên thế giới, tái chế đã trở thành một thị trường ở một số quốc gia, bao gồm cả người thu nhặt phế liệu và các thị trường tái chế không chính thức khác. Nhiều người cho rằng sự tồn tại của những thị trường không chính thức như vậy có thể làm tăng tỷ lệ tái chế. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm liên quan đến những người thu gom rác như “cuối cùng họ sẽ phân loại rác cho người dân” và điều này tác động tiêu cực đến hành vi phân loại rác. Người thu nhặt phế liệu cũng được cho là đã tạo ra sự hỗn loạn trong các khâu xử lý rác thải đã được thiết lập. Như vậy, một mặt, sự tồn tại của thị trường phi chính thức có thể làm tăng tỷ lệ tái chế, đặc biệt ở những nơi chưa thực hiện nghiêm túc chính sách tái chế; mặt khác, lại có ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến những người chịu trách nhiệm phân loại rác.
Do đó, trong giám sát chuyên đề này, đại biểu Lê Thanh Hoàn quan tâm và đề nghị cần làm rõ nội dung về xử lý rác thải, cụ thể là: Về những thách thức, khó khăn trong việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt và những giải pháp khắc phục. Việc tổ chức thực hiện trên thực tế những ưu đãi, cơ chế đặc thù, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, xây dựng nhà máy điện rác trong thời gian qua. Cần đánh giá toàn diện về thị trường tái chế rác thải, cả chính thức và phi chính thức; sự tham gia trực tiếp tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm phải tái chế hay chủ yếu là đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường, cũng như sự hỗ trợ thực tế từ Quỹ bảo vệ môi trường đối với hoạt động tái chế rác.
Quốc Hương